Đề xuất cho bán ngay phương tiện tạm giữ, tăng mức tiền phạt hành chính

Chính phủ đề xuất cho phép có thể tổ chức bán ngay phương tiện bị tạm giữ hành chính trong một số trường hợp và tăng mức tiền phạt tối đa trong nhiều lĩnh vực như phòng cháy chữa cháy.
Sáng 28.4, tiếp tục phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính.
"TP.HCM không còn bãi để giữ xe vi phạm"
Hai đề xuất mới nhất của dự thảo luật là tăng mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực đồng thời cho phép tổ chức bán ngay với tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để tổ chức bán ngay tang vật, phương tiện theo giá thị trường, nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Các trường hợp áp dụng bao gồm các tang vật, phương tiện thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị tạm giữ và không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; không có địa điểm bảo quản và không thể thuê kho, bãi, phương tiện bảo quản đáp ứng điều kiện kỹ thuật.
Dự thảo luật cũng quy định rõ, tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện phải gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu hết thời hạn quy định (1 năm) mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện không đến nhận thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo ông Ninh, những quy định này góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ thời gian qua, đồng thời, giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành đề xuất này. Tuy nhiên, đề nghị rà soát kỹ quy định bổ sung tại dự thảo vì liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân được Hiến pháp bảo vệ và luật hiện hành đã có quy định về xử lý đối với hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng là tang vật vi phạm hành chính.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính cho biết, nói đến quyền tài sản và Hiến pháp thì "sẽ lớn chuyện", song cũng cần xác định phải "sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật".
"Anh đã đem tài sản cầm cố, sử dụng tài sản vi phạm thì cho phép xử lý trong giới hạn nào đó. Quan trọng phải xử lý cho đúng, từ việc lập biên bản. Tất cả địa phương, đặc biệt là TP.HCM không còn bãi để giữ xe vi phạm trong khi việc xử lý các tài sản này đang rất vướng về mặt pháp lý ", ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, nếu giữ pháp lý như hiện nay sẽ rất khó để xử lý và gây lãng phí tài sản rất lớn. "Về mặt pháp lý, kinh tế, việc củng cố để xử lý dứt điểm là rất cần thiết nên cần nghiên cứu. Còn nói đảm bảo quyền tài sản thì đừng mang tài sản cầm cố, thế chấp, đừng dùng tài sản để vi phạm", ông Mãi nói thêm.
Tăng mức tiền phạt nhiều lĩnh vực từ 2 - 4 lần
Ngoài việc xử lý tang vật, phương tiện, dự thảo luật cũng đề xuất bổ sung các lĩnh vực mới và tăng mức tiền phạt trong nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất bổ sung lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với mức tiền phạt tối đa là 30 triệu đồng; dữ liệu, công nghiệp công nghệ số mới mức tiền phạt tối đa là 200 triệu đồng.
Nhiều lĩnh vực tăng mức tiền phạt tối đa từ 2 - 4 lần. Như lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tăng từ 50 triệu đồng lên 200 triệu đồng; lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin mạng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.
Các lĩnh vực giao thông đường bộ tăng từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng; lĩnh vực đê điều tăng từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng, quản lý giá, nhà ở tăng từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng…
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị thuyết minh làm rõ lý do bổ sung và cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực với một số lĩnh vực mới như dữ liệu, công nghiệp công nghệ số.
Về việc tăng mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực đã được quy định trong luật hiện hành, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phù hợp khi sửa toàn diện luật.