Nhảy đến nội dung

Để trở thành thủ khoa mình đã làm những gì?

Có phải thủ khoa là những thí sinh có xuất phát điểm rất siêu phàm? Hay họ phải học rất nhiều mới đạt được danh hiệu cao quý đó? Thực tế, có những bạn chỉ từ học sinh học lực rất bình thường, không quá giỏi nhưng cuối cùng đã trở thành thủ khoa. Vậy các bạn ấy đã học như thế nào, có bí quyết gì đặc biệt?

Trong số phát sóng đầu tiên của chương trình Thủ khoa tiếp sức gen Z mùa thi năm 2025, các thủ khoa đầu vào qua các năm sẽ chia sẻ về những bí quyết, cách học giúp họ đạt được kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và trở thành thủ khoa của các trường ĐH.

Thủ khoa Ngô Lê Sơ Ni, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết để trở thành thủ khoa của một trường đại học nhiều bạn sẽ nghĩ chắc chắn cần học nhiều kiến thức. Tuy nhiên với Sơ Ni thì việc học nhiều kiến thức chưa đủ, mà để trở thành thủ khoa, việc đầu tiên cô nàng đã làm là học cách hiểu bản thân mình.

Sơ Ni kể: "Nhớ lúc ôn thi, bạn bè của mình có khi học đến 2, 3 giờ sáng. Việc đó đã gây áp lực cho mình rất lớn, rằng tại sao bạn bè có thể thức như vậy để học, sao mình không thử thức như thế. Và mình bắt chước học giống các bạn nhưng thật sự không hề hiệu quả với mình. Sau một đêm thức, sáng ngày hôm sau mình chẳng làm được gì, có khi ngủ đến 10 giờ sáng vẫn không thể tỉnh táo được. Mình thấy cách học này không những không giúp mình tăng năng suất mà còn làm giảm đi hiệu quả học tập".

Từ lần học theo bạn bè đó, Sơ Ni nhận ra: "Vì vậy chúng ta không thể nào cứ chạy đua theo các bạn, mà điều quan trọng là cần hiểu được bản thân. Lúc đó mình nhận ra bản thân hợp với việc ngủ sớm và dậy sớm để học bài, nên mình đã đổi qua phương pháp này. Và mình cảm thấy tỉnh táo hơn hẳn nên học cũng nhớ lâu hơn, dễ hiểu hơn. Vì vậy các bạn cần ưu tiên sức khỏe của mình, hiểu được bản thân cần gì, cần học vào thời gian nào cho hợp lý chứ không nên đi theo số đông".

Sau khi đã học cách hiểu bản thân cần gì, phù hợp với phương pháp học như thế nào, cô nàng thủ khoa cho biết điều quan trọng tiếp theo là học về kiến thức và cách nhìn nhận một cái đề.

Sơ Ni khuyên chỉ cần học kiến thức trọng tâm mà nhà trường và Bộ GD-ĐT đưa ra, không nên học quá nhiều hay học lan man. Và đừng quên là phải học vững về lý thuyết mới có thể xử lý được tất cả các bài tập.

"Mình thấy nhiều bạn hay bỏ bê phần lý thuyết, nhưng các bạn phải cố gắng làm sao học và hiểu được lý thuyết thì chúng ta mới giải được bài tập mà không cần phải nhớ từng dạng bài tập. Sau khi đã vững kiến thức, khi làm bài, chúng ta cần nhìn vào đề và học cách phân tích đề đó. Chẳng hạn đề đó đưa ra những gì, làm ra sao, hướng giải như thế nào, cũng như nó ứng dụng ra sao ở các bài toán liên quan", thủ khoa Sơ Ni chia sẻ.

Theo Sơ Ni, đề thi sẽ không thể nào giống hoàn toàn như những dạng đề ôn tập, cho nên việc học cách phân tích như vậy sẽ giúp chúng ta có thể biến hóa được trong phòng thi, xử lý một bài toán nhanh hơn, gọn hơn. Cũng như khi có tư duy như vậy thí sinh sẽ có cách làm bài logic hơn.

Sau khi đã học xong kiến thức và cách nhìn nhận một đề, Sơ Ni cho biết tiếp theo là học cách làm bài thi. "Nhiều bạn sẽ khá bất ngờ khi mình nói hãy học cách làm bài thi vì các bạn nghĩ đơn giản cứ có đề là cầm bút lên và làm. Tuy nhiên, nếu không vạch ra phương án là mình cần làm gì, ưu tiên câu nào trước thì khi vào phòng thi rất dễ phí thời gian, cũng như có khả năng sẽ không làm hết được đề. Cho nên mình cần có thứ tự ưu tiên để làm bài. Vì vậy lúc các bạn luyện đề ở nhà nên tạo cho bản thân cách làm bài riêng. Cụ thể là mình học giỏi, chắc phần nào thì lựa chọn phần đó để làm trước. Còn phần nào yếu hơn sẽ làm sau. Vì thời gian thi rất ngắn nên phải tận dụng một cách hiệu quả nhất".

Với những bí quyết trên, Sơ Ni hy vọng sẽ giúp ích cho thí sinh một phần nào đó trong quá trình ôn luyện. Và cô không quên nhắn gửi: "Hãy tự tin, cố gắng lên rồi các bạn sẽ đạt được điểm cao. Đừng lo sợ gì cả, chỉ cần mình có chiến thuật, có cách học hiệu quả thì rồi các bạn cũng sẽ trở thành thủ khoa".