Đề nghị tăng cường an ninh bảo vệ y bác sĩ tại khu cấp cứu

Ý kiến được đưa ra sáng 7/5, sau hàng loạt vụ tấn công nhân viên y tế gần đây. Mới nhất, một điều dưỡng Khoa Nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định bị người nhà bệnh nhân xô đẩy, đánh vào đầu ngay trong phòng bệnh. Trước đó, ngày 25/4, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Thanh Ba (Phú Thọ) cũng bị hành hung khi đang cấp cứu cho một bệnh nhi bị sốc phản vệ.
TS Đức nhấn mạnh "mọi hành động bạo lực nhằm vào đội ngũ y tế, đặc biệt khi họ đang cứu chữa người bệnh, đều không thể chấp nhận". Việc bảo vệ an toàn cho bác sĩ khi làm chuyên môn là điều bắt buộc, bất kể nguyên nhân tranh chấp.
Theo ông Đức, tình trạng bác sĩ bị tấn công không phải là mới, đã kéo dài nhiều năm và từng có những vụ việc nghiêm trọng dẫn tới tử vong. Áp lực khám chữa bệnh ngày càng lớn, ước tính mỗi năm có khoảng 200 triệu lượt khám, khiến đội ngũ y tế luôn trong tình trạng quá tải. Ngoài ra, tâm lý người bệnh và người nhà mong muốn được phục vụ nhanh, kỹ lưỡng, trong khi nguồn lực y tế có hạn, càng làm gia tăng căng thẳng.
TS Đức cho biết, sự kỳ vọng vượt ngoài khả năng đáp ứng của bệnh viện cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến mâu thuẫn. Ông dẫn chứng tại một số quốc gia phát triển, người dân có thể chờ đợi dịch vụ y tế trong nhiều tuần, trong khi tại Việt Nam, chỉ cần phải đợi vài tiếng đã có thể gây bức xúc. Đồng thời, không loại trừ trường hợp y bác sĩ cư xử chưa phù hợp do áp lực công việc, khiến những va chạm nhỏ cũng có thể leo thang thành xung đột nếu cả hai bên thiếu kiềm chế.
Ngoài sức ép tại bệnh viện, yếu tố tài chính như việc đóng viện phí cũng khiến nhiều người hiểu lầm, phát sinh mâu thuẫn. TS Đức cho biết quy định về viện phí đã được luật hóa, nhưng với những trường hợp khó khăn, bệnh viện đều có bộ phận công tác xã hội kịp thời kết nối vận động hỗ trợ. Bên cạnh đó, Nghị định 60 về tự chủ tài chính cũng tạo điều kiện thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân khi họ không có khả năng chi trả.
Bộ Y tế đã ban hành quy tắc đạo đức ngành, lấy người bệnh làm trung tâm. Tuy nhiên, để bảo đảm môi trường an toàn cho y bác sĩ, rất cần sự hợp tác, chia sẻ và tôn trọng quy trình chuyên môn từ phía người dân.
Về giải pháp, ông cho rằng cần cải thiện quy trình tiếp đón tại bệnh viện để giảm căng thẳng ngay từ đầu, đào tạo kỹ năng xử lý tình huống cho nhân viên y tế, đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng để kịp thời hỗ trợ khi xảy ra xô xát.
Một vấn đề khác là hiện tượng nhiều người nhà tập trung tại phòng bệnh, đặc biệt tại phòng cấp cứu, làm gia tăng nguy cơ va chạm, do đó cần xem xét giới hạn số người được phép đi cùng người bệnh.
Lực lượng bảo vệ và công an địa phương cũng được đề nghị có mặt thường trực để ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh, tạo sự yên tâm cho y bác sĩ khi làm việc. TS Đức cho rằng "chỉ cần sự hiện diện của lực lượng công an tại cơ sở y tế cũng đã là biện pháp răn đe hiệu quả đối với các hành vi bạo lực".
Ông cho biết thêm từ năm 2014, Bộ Y tế và Bộ Công an đã phối hợp nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện, tuy nhiên cần tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo vệ khu vực cấp cứu, hồi sức. Bộ Y tế cũng sẽ kiến nghị Chính phủ và chủ động ban hành các chính sách bảo vệ nhân viên y tế trong phạm vi thẩm quyền.
Lê Nga