Đề nghị quy định rõ trường hợp đặc biệt được chỉ định chức danh lãnh đạo HĐND

Góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013, có đại biểu đề nghị quy định rõ các trường hợp đặc biệt cho phép chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND giữ chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã.
Sáng nay (14/5), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tuần qua, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ của Tổng thư ký Quốc hội, đã có 109 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 2 cơ quan gửi ý kiến tham gia bằng văn bản.
Không nên quy định cụ thể đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh
Về cơ bản, các đại biểu đều tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Một số ý kiến tán thành việc không quy định cụ thể đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi, điều chỉnh đơn vị hành chính thì không phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Có ý kiến cho rằng, đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên quy định theo hướng đa dạng. Đối với các thành phố lớn (như Hà Nội) thì không nhất thiết phân chia thành các phường trực thuộc mà có thể cân nhắc chia thành khu vực đô thị và khu vực ngoại thị theo đặc điểm dân cư để bố trí nguồn lực hợp lý thay vì cào bằng giữa đô thị lõi với các khu vực nông thôn.
Có ý kiến đề nghị làm rõ đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều 110 có phải là đơn vị hành chính hay không và đơn vị này thuộc trung ương, cấp tỉnh hay cấp xã.
Có đại biểu góp ý rằng, việc quy định riêng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở điều khoản này có thể dẫn tới cách hiểu đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không phải là một loại đơn vị hành chính. Do đó, đề nghị chuyển quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lên khoản 1, còn đơn vị hành chính này trực thuộc trung ương, cấp tỉnh hay tương đương cấp xã sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập đơn vị đó.
Một số đại biểu đề nghị bổ sung tiêu chí xác định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Có ý kiến tán thành việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định như tại khoản 3 Điều 110.
Ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc bỏ quy định “việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương” tại khoản 2 Điều 110 của Hiến pháp hiện hành vì quy định này vừa qua được thực hiện rất tốt, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến, tâm tư của nhân dân.
Đồng thời, đại biểu này đề nghị bổ sung quy định về việc lấy ý kiến đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) tại đơn vị hành chính có liên quan.
Đề xuất giữ quyền chất vấn chánh án TAND, Viện trưởng VKSND
Nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân của Hiến pháp hiện hành vì cho rằng, đây là một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nội dung này hiện nay chưa phát sinh vướng mắc.
Hơn nữa, các ý kiến cho rằng lý giải trong tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về việc tuy không quy định về thẩm quyền chất vấn nhưng đại biểu HĐND vẫn thực hiện quyền giám sát là chưa thuyết phục vì đây là 2 hoạt động khác nhau.
Việc tổ chức chất vấn riêng sẽ tạo điều kiện để đại biểu trao đổi, làm rõ các nội dung đại biểu và cử tri quan tâm một cách chính thức, công khai đối với người được chất vấn.
Có ý kiến đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Còn đối với trưởng ban của HĐND cấp tỉnh thì giao Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm về việc chỉ định đó.
Ngoài ra, có đại biểu đề nghị quy định rõ các trường hợp đặc biệt cho phép chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND giữ chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã.
Đối với trường hợp này, đề nghị làm rõ khi được chỉ định giữ các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND thì người này có thực hiện quyền của đại biểu HĐND không, trường hợp được điều động sang làm công tác khác thì HĐND có miễn nhiệm không.