Đề nghị giảm án cho ông Lưu Bình Nhưỡng, bác kêu oan của ông Lê Thanh Vân

Đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho ông Lưu Bình Nhưỡng và bác kháng cáo kêu oan của ông Lê Thanh Vân.
Sáng 15.5, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, cùng là cựu đại biểu Quốc hội, và bị cáo Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Văn phòng Chủ tịch nước.
Phiên tòa được mở do ông Nhưỡng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, còn ông Vân và ông Vương kêu oan.
Ông Nhưỡng nhận tội, ông Vân nói "quá oan"
Trước khi xét hỏi, tòa yêu cầu cách ly các bị cáo. Người trả lời đầu tiên là ông Nguyễn Văn Vương, rồi đến ông Lưu Bình Nhưỡng, sau cùng là ông Lê Thanh Vân.
Bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 13 năm tù về 2 tội cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi, ông Nhưỡng chấp nhận mọi cáo buộc.
Bị cáo thừa nhận gọi điện, gửi văn bản để tác động đến lãnh đạo nhiều địa phương, nhằm giúp người quen hoặc doanh nghiệp được giải quyết có lợi. Trong cả 5 vụ việc, ông Nhưỡng đều nhận lợi ích bằng tiền, hoặc nhằm hưởng lợi các bất động sản có giá trị lớn.
Cựu đại biểu Quốc hội ủy quyền cho luật sư để trình bày về một số giấy tờ do các cơ quan, tổ chức xác nhận bị cáo có nhiều đóng góp trong hoạt động thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người nghèo…, mong được xem xét giảm án.
Ngược lại, ông Vân không đồng tình với bản án 7 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi, nói "quá oan" và cho rằng kết luận của cấp sơ thẩm không phù hợp với diễn biến khách quan, có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng.
Ông Vân bị cáo buộc có hành vi tiêu cực ở 2 vụ việc. Vụ thứ nhất là thông qua lời nhờ của bị cáo Nguyễn Văn Vương, ông Vân ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo Chính phủ, nhằm giúp Công ty Hạ Long được thực hiện dự án 36 ha; qua đó, ông Vân nhận 1 lô đất tại Đông Anh trị giá 1,8 tỉ đồng và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất khác tại Quảng Ninh trị giá 1,9 tỉ đồng.
Vụ thứ hai, ông Vân gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, nhằm can thiệp cho Công ty Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn, rồi hưởng lợi 60 triệu đồng.
Với vụ việc liên quan Công ty Trường Sinh, ông Vân khai vô tình gặp lãnh đạo doanh nghiệp này trong một lần sang phòng làm việc của ông Nhưỡng. Ông Nhưỡng giới thiệu đây là người quen của lãnh đạo TP.Hà Nội, đang có dự án bị chậm, nhờ "đôn đốc thêm". Ông Vân sau đó gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đề nghị nếu có căn cứ pháp luật thì "giải quyết cho người ta".
Ông Vân khẳng định cuộc gọi trên không nhằm can thiệp, bởi ông luôn muốn "bảo vệ doanh nhân, doanh nghiệp", kể cả Trường Sinh hay đơn vị nào khác. Việc gọi điện như vậy là quyền của đại biểu Quốc hội.
Trong lần gặp sau đó, lãnh đạo Công ty Trường Sinh chạy theo "dúi vào túi" ông Vân 10 triệu đồng để cảm ơn, chứ không phải 60 triệu đồng (1 lần 10 triệu đồng, 1 lần 50 triệu đồng) như bản án sơ thẩm kết luận.
4 phiếu chuyển đơn về dự án tại Quảng Ninh
Còn với vụ việc liên quan Công ty Hạ Long, ông Vân khai gặp ông Vương tại phòng làm việc của ông Nhưỡng. Tại đây, ông Vương cho biết dự án 36 ha do quá tiến độ đã bị tỉnh Quảng Ninh thu hồi, ông Nhưỡng nhờ ông Vân "có thêm tiếng nói". Ông Vân trả lời "có gì thì gửi đơn", nên sau đó ông Vương mang đơn đến gặp ông Vân.
Nhận đơn, ông Vân có 4 phiếu chuyển đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo Chính phủ. Ông tiếp tục cho rằng đây là quyền của đại biểu Quốc hội được quy định tại Hiến pháp và các đạo luật liên quan, về việc được tiếp nhận và chuyển đơn đến bất cứ cá nhân nào.
Bản án sơ thẩm cho thấy ông Vân được ông Vương hứa hẹn cho 1 lô đất gần 500 m2 tại H.Đông Anh (Hà Nội) và 1 lô đất 1.000 m2 tại dự án 36 ha (Quảng Ninh). Ông Vân cương quyết phản bác cáo buộc này. Theo cựu đại biểu, ông Vương không hề hứa hẹn lợi ích vật chất, hơn thế, dự án 36 ha đã bị thu hồi, đất thuộc quyền quản lý của tỉnh Quảng Ninh nên không thể có chuyện tặng cho hay chuyển nhượng.
Còn lô đất gần 500 m2, ông Vân khai nhiều ngày sau cuộc gặp với ông Vương tại phòng ông Nhưỡng, hai cựu đại biểu Quốc hội về H.Đông Anh câu cá. Tại đây, ông Nhưỡng giới thiệu có dự án "anh em đang chuyển đổi", tin tưởng nên ông Vân muốn đầu tư. Ông Vân sau đó gửi ảnh căn cước công dân của con trai cho ông Vương để làm thủ tục cho lô đất, song cho rằng nếu chỉ căn cứ vào đây để cáo buộc chuyển nhượng hoặc tặng cho là vô lý.
Về phía mình, ông Vương cũng kêu oan bản án 14 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Bị cáo thừa nhận có nhờ ông Vân, ông Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội "lên tiếng giúp" dự án 36 ha, đồng thời hứa cho mỗi người 1 suất đầu tư lô đất hơn 500 m2 tại H.Đông Anh và 1.000 m2 đất tại Quảng Ninh.
Tuy nhiên, ông Vương khẳng định sự hứa hẹn trên chỉ là "nói dối" để hai cựu đại biểu Quốc hội có động lực giúp mình. Thực tế, lô đất ở Đông Anh chưa thể thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, còn lô đất ở Quảng Ninh thì cả dự án đã bị tỉnh thu hồi.
Cựu chuyên viên Văn phòng Chủ tịch nước cho rằng bản án sơ thẩm cáo buộc mình có vai trò đứng đầu trong tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là không đúng. Bị cáo chỉ đến để nhờ các đại biểu lên tiếng, chứ không phải là người tổ chức hành vi phạm tội.
Đề nghị giảm án cho ông Nhưỡng, bác kêu oan của ông Vân
Kết thúc phần xét hỏi, đại diện viện kiểm sát trình bày quan điểm giải quyết vụ án. Xét thấy ông Nhưỡng đã thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự, có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ mới, kiểm sát viên đề nghị giảm án cho bị cáo từ 12 - 18 tháng về cả 2 tội danh.
Với kháng cáo kêu oan của ông Vân và ông Vương, kiểm sát viên đề nghị hội đồng xét xử bác cả hai.
Theo đại diện viện kiểm sát, bị cáo Vương đã thỏa thuận, hứa hẹn cho bị cáo Nhưỡng 2 lô đất tại H.Đông Anh (Hà Nội) và dự án 36 ha (Quảng Ninh) để nhờ can thiệp giúp doanh nghiệp. Ông Nhưỡng sau đó chuyển đơn đến UBND tỉnh Quảng Ninh, nhưng tỉnh này từ chối. Ông Vương tiếp cận ông Vân, tiếp tục hứa hẹn cho ông Vân 2 lô đất. Ông Vân sau đó 4 lần ký phiếu chuyển đơn để tác động giúp doanh nghiệp.
Về phía mình, ông Vân đồng ý nhận lô đất tại H.Đông Anh theo hứa hẹn của ông Vương, thông qua việc đưa ảnh thẻ căn cước công dân của con trai nhằm đứng tên thay, sau đó tác động giúp Công ty Hạ Long.
Với Công ty Trường Sinh, trong khi chưa nhận được đơn hoặc hồ sơ cụ thể, bị cáo đã gọi điện đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, điều này là vi phạm quy định về tiếp công dân, sau đó hưởng lợi 60 triệu đồng.