Dế Mèn hóa siêu anh hùng

TP - Dế Mèn phiêu lưu ký sắp trở lại trong diện mạo không ai ngờ tới. Phiên bản điện ảnh 3D Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới Xóm Lầy Lội mang phong cách hành động kiểu Marvel. Giữa khen ngợi sáng tạo và lo ngại cải biên quá tay, bộ phim đang tạo tranh cãi từ khi chưa công chiếu.
![]() |
Ê kíp sản xuất kỳ vọng phim Dế Mèn sẽ đạt doanh thu trăm tỷ |
“Hollywood hóa”văn học thiếu nhi?
Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới Xóm Lầy Lộilà bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên chuyển thể từ tác phẩm kinh điển Dế Mèn phiêu lưu kýcủa nhà văn Tô Hoài, dự kiến khởi chiếu vào cuối tháng Năm.
Với tham vọng thu hút khán giả mọi lứa tuổi, ê kíp làm phim đã tái hiện một thế giới côn trùng kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, đưa bối cảnh phim về Hà Nội hiện đại với những địa danh quen thuộc như công viên Lê Nin, cầu Long Biên, Cột Cờ…, đan cài những chủ đề thời sự đang được quan tâm như vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nhạc sĩ Masew sáng tác năm ca khúc mới, trong đó có hai bản rap kết hợp với nhạc cụ dân tộc, lồng ghép ca dao, tục ngữ và thơ Hàn Mặc Tử…, để tạo màu đương đại cho tác phẩm.
Lấy bài học từ những “người anh em” đi trước, Dế Mèn phiên bản hoạt hình đầu tư rất lớn cho khâu quảng bá. Cho dù phim chưa ra rạp, nhưng những câu chuyện, hình ảnh và thậm chí tranh cãi về phim đã tràn ngập các diễn đàn phim ảnh cũng như mạng xã hội.
Phía nhà sản xuất cam kết “dù có nhiều cải biên về bối cảnh và nhân vật, bộ phim vẫn trung thành với thông điệp cốt lõi của nguyên tác: Khát vọng về một thế giới bình đẳng, bác ái, nơi muôn loài chung sống hòa thuận”.
Tuy nhiên, mới đây, cộng đồng yêu phim lại dấy lên tranh cãi khi xem những hình ảnh “nhá hàng” đầu tiên: Ngai vàng dao dĩa của đại vương Ếch Cốm được lấy cảm hứng từ Ngai Sắt trong Game of Thrones, kết hợp các cảnh hành động mang phong cách siêu anh hùng, gợi nhắc hình tượng Marvel.
![]() |
Những hình ảnh đầu tiên của Dế Mèn |
“Một trong những giá trị lớn nhất của Dế Mèn phiêu lưu ký là chất tự sự nhẹ nhàng, giàu tính triết lý và nhân văn. Hành trình của Dế Mèn là hành trình trưởng thành về nhận thức và đạo đức.
Tuy nhiên, việc đưa vào các cảnh hành động đậm chất siêu anh hùng và thiết kế lấy cảm hứng từ Game of Thrones khiến khán giả lo ngại phim đang chạy theo thị hiếu giải trí, tạo cảm giác “Hollywood hóa” một biểu tượng văn học thiếu nhi.
Dù phong cách này có thể hấp dẫn thị trường, nhưng nó dễ khiến phần hồn văn học bị biến dạng thành chuỗi hành động ồn ào, thiếu chiều sâu”, nhà phê bình Thảo Đan dự đoán.
Một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng, sáng tạo là điều cần thiết khi chuyển thể, nhưng không phải mọi sự pha trộn đều mang lại giá trị. Tiến sĩ văn học Hoàng Anh (ĐH KHXH&NV) cho rằng, việc đưa vào các yếu tố như “đô thị côn trùng” và lối dựng phim giống vũ trụ siêu anh hùng đòi hỏi sự tiết chế và hiểu biết sâu sắc về nguyên tác.
Nếu không được xử lý khéo léo, đây có thể trở thành một bản mashup (kết hợp) thiếu kiểm soát, khiến phim không đủ sức nặng cho người lớn, mà cũng không còn dễ hiểu, gần gũi với trẻ em.
“Teaser (video gợi mở) cho thấy phim mở rộng không gian và thêm nhiều lớp nhân vật, từ Dế Mèn, Dế Trũi, Tổng Cóc, đến Gián Đệp, Râu Que, Bọ Rùa Baby… Đồng thời, phim cũng gánh nhiều thông điệp: Bảo vệ môi trường, tình bạn, lòng dũng cảm, phản địa đàng giả tạo...
Dù giàu tham vọng, nhưng với thời lượng giới hạn của một phim hoạt hình chiếu rạp, việc ôm đồm quá nhiều tuyến truyện và thông điệp dễ dẫn đến tình trạng “tham mà tạp”, khiến mạch phim rối rắm, thiếu chiều sâu và khó để lại ấn tượng bền lâu. Điều này từng là vấn đề của nhiều dự án hoạt hình Việt trước đó, lợi bất cập hại vì muốn làm nhiều việc trong một khung hình quá nhỏ”, nhà phê bình Thảo Đan phân tích.
Kỳ vọng doanh thu trăm tỷ
Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới Xóm Lầy Lội dự kiến ra mắt vào mùa hè này, với mục tiêu doanh thu từ 40 đến 100 tỷ đồng. Ðây cũng là một trong những dự án mở đầu cho “Phim trường số Việt Nam”, hướng đến phát triển công nghiệp điện ảnh trong nước. Con gái nhà văn Tô Hoài, bà Sông Thao, bày tỏ hy vọng bộ phim sẽ không chỉ được công chiếu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam.
Nối dài câu chuyện Dế Mèn
Xu hướng chuyển thể tác phẩm văn học sang các loại hình nghệ thuật khác như phim điện ảnh, truyền hình, sân khấu, phim hoạt hình hay thậm chí game tương tác đang trở thành dòng chảy mạnh mẽ trong đời sống văn hóa đương đại. Trường hợp Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài được đưa lên màn ảnh rộng chính là một nỗ lực làm mới di sản văn chương, đưa những giá trị đã từng sống trong trang giấy đến gần hơn với công chúng hiện đại, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trên thực thế, văn học luôn là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng các hình thức nghệ thuật khác. Nhìn ra thế giới, hàng loạt tác phẩm văn học đã trở thành phim điện ảnh ăn khách: Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen, Chúa tể những chiếc nhẫn của Tolkien hay Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell. Ở Việt Nam, quá trình này diễn ra chậm hơn nhưng không thiếu ví dụ đáng chú ý: Mùa len trâu chuyển thể từ truyện ngắn Sơn Nam, Cánh đồng bất tận từ tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, Người mẹ cầm súng từ tác phẩm của Nguyễn Thi, và gần đây là Ngày xưa có một chuyện tình từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh.
![]() |
NSND Quang Thọ thể hiện ca khúc chủ đề trong phim Dế Mèn |
Tuy nhiên, việc dẫm lên vai người khổng lồ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chuyển thể văn học đòi hỏi sự tinh tế trong việc giữ lại tinh thần nguyên tác, đồng thời biết cách “dịch” nó sang ngôn ngữ hình ảnh một cách thuyết phục. Không ít tác phẩm thất bại khi chuyển thể vì quá lệ thuộc vào nguyên tác, hoặc ngược lại, cải biên quá đà đến mức đánh mất linh hồn ban đầu. Việc đưa Dế Mèn phiêu lưu ký, một truyện thiếu nhi biểu tượng với giọng kể đậm chất tự sự và triết lý, lên phim là một thách thức không nhỏ. Ngoài việc phải chuyển động hóa những hình tượng thân quen, đạo diễn còn phải gánh trách nhiệm trong việc bảo tồn giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm.
Ở một khía cạnh khác, TS Hoàng Anh cho rằng: “việc chuyển thể văn học cũng phản ánh sự chuyển động của thị hiếu và cách tiếp nhận văn hóa trong xã hội hiện đại. Khi nhịp sống ngày càng nhanh, khi các nền tảng giải trí như YouTube, TikTok chiếm ưu thế, thì cách tiếp cận văn học thông qua hình ảnh, âm thanh và hiệu ứng thị giác là một cách làm sống lại những giá trị cũ bằng hình thức mới. Nếu được làm tử tế, những tác phẩm chuyển thể có thể mở ra cánh cửa tiếp cận văn học cho hàng triệu người, nhất là với giới trẻ vốn dĩ đang ngày càng xa rời sách”.
Tuy nhiên, ông Hoàng Anh cũng cảnh báo: “Người tiếp nhận nên có một thái độ cảnh giác với hiện tượng chuyển thể một cách dễ dãi, chỉ để thu lợi từ danh tiếng sẵn có của tác phẩm văn học. Sự cẩu thả trong sản xuất, sự ngộ nhận về “tính nghệ thuật” khi chỉ đơn thuần bám theo cốt truyện mà thiếu đi chiều sâu tư tưởng, sẽ không chỉ làm hỏng một sản phẩm văn hóa, mà còn gây tổn hại đến hình ảnh của chính tác phẩm gốc”.