Để kinh tế tư nhân bứt phá: Sớm thể chế hóa nghị quyết, sửa đổi và bãi bỏ một số luật lệ

Đó là chia sẻ được nêu ra tại tọa đàm 'Để kinh tế tư nhân bứt phá theo nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay', do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9-5.
Chia sẻ về quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, bà Bùi Thu Thủy, phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), cho biết việc phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề "đau đáu" suốt mấy chục năm qua.
Có những quy định, ví dụ như quan điểm "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế" đưa ra từ năm 2017, nhưng nay vẫn chưa cụ thể hóa được tinh thần đó. Vì vậy khi tham gia xây dựng nghị quyết, ban đầu cũng có những lo ngại rằng những đề xuất mạnh mẽ sẽ không được chấp thuận.
Tháo gỡ về điều kiện kinh doanh cho kinh tế tư nhân
"Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, đặc biệt là bài viết của Tổng Bí thư như kim chỉ nam, tiếp thêm niềm tin và quyết tâm cho chúng tôi. Có thể khẳng định nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước.
Ví dụ như về điều kiện kinh doanh - một "bức tường" rất khó tháo gỡ, nay nghị quyết nêu rõ: chuyển toàn bộ sang công bố, không để các bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, trừ các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh và sức khỏe người dân. Đây là một đột phá thực sự" - bà Thủy chia sẻ.
Bày tỏ kỳ vọng vào nghị quyết, ông Từ Tiến Phát, tổng giám đốc Ngân hàng ACB, chia sẻ điều quan tâm nhất của doanh nghiệp là chi phí, thủ tục và thị trường, định hướng chuyển đổi xanh. Nghị quyết 68 đã truyền cảm hứng với sự "ngạc nhiên”, khi nghị quyết đã đi sát vào thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Phát, các giải pháp đã đáp ứng được trăn trở của doanh nghiệp về chi phí, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu.
Đây là thời gian sinh tồn, giúp nuôi dưỡng doanh nghiệp, khi đa số là nhỏ và siêu nhỏ. Bởi thực tế trên 50% doanh nghiệp thành lập ra những năm đầu là khó tồn tại, nếu không có chính sách hỗ trợ.
Cùng với đó là việc tiếp cận tài sản công, khi trước đây việc được thuê tài sản công với chi phí phù hợp là xa xỉ. Ông Phát cho rằng thông qua sắp xếp bộ máy hành chính, dôi dư đất công sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực này.
Với lĩnh vực ngân hàng, để cung cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tài sản thế chấp, định giá tài sản, vay vốn là những vấn đề đang đặt ra để tháo gỡ. Cùng với đó là việc phát triển kinh tế chuỗi để doanh nghiệp lớn cùng doanh nghiệp nhỏ tăng liên kết.
Rà soát giảm ngay 30% thủ tục hành chính
Ông Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng để sớm thể chế hóa nghị quyết, cần sớm sửa đổi và bãi bỏ một số luật lệ, quy định và cập nhật ngay vào các dự luật, nghị quyết đang xây dựng.
Trong đó cần thiết rà soát để bãi bỏ ngay 30% thủ tục hành chính, quy định với các danh mục, phụ lục cụ thể về điều kiện kinh doanh từ các bộ ngành và thực hiện ngay trong thời gian tới. Vì nếu không có danh mục cụ thể thì không thể nào đảm bảo việc cắt giảm, bãi bỏ theo tinh thần nghị quyết
“Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư có ý nghĩa gì khi có yêu cầu phê duyệt chủ trương đầu tư, đó là ý tưởng của nhà đầu tư thì tại sao phải phê duyệt và kéo dài vài năm, hơn cả thời gian xây dựng nhà máy. Vì vậy cần phải cam kết bãi bỏ những danh mục cụ thể” - ông Hiếu nói.
Đồng thời ông đề nghị Chính phủ cần có cơ quan trực thuộc để rà soát, cắt giảm quy định, thủ tục hành chính, có thẩm quyền đề xuất, bác đề xuất và thực hiện cải cách thủ tục hành chính, để cải cách thể chế là văn hóa của các cán bộ công chức.