Nhảy đến nội dung
 

Để đảo Phú Quý vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tối 26.4, tại đảo Phú Quý (Bình Thuận), Huyện ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ VN huyện đã tổ chức mít tinh kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Phú Quý (27.4.1975 - 27.4.2025), đồng thời tiến đến kỷ niệm 50 năm Ngày đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng lãnh đạo tỉnh tham dự. Về phía huyện có Bí thư Nguyễn Quốc Thắng, Chủ tịch HĐND Lê Hồng Lợi, quyền Chủ tịch UBND Tạ Minh Nhựt cùng lãnh đạo các thời kỳ, cựu chiến binh, đơn vị quân đội, gia đình có công và đông đảo người dân tham dự.

Đọc diễn văn ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng trong giờ phút quyết định khi Phú Quý được giải phóng, Bí thư Nguyễn Quốc Thắng đã nêu bật ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng đối với sự kiện quân ta chiếm đảo Phú Quý, mảnh đất cuối cùng của Bình Thuận ngoài khơi được giải phóng.

Theo đó, thực hiện mệnh lệnh của Tỉnh ủy Bình Thuận và Bộ chỉ huy quân sự cấp trên, Hải Đoàn 125 và Trung Đoàn 95, phối hợp với Tiểu Đoàn 482 Bình Thuận, Đại đội 490 và Đoàn cán bộ Dân chính Đảng H.Tuy Phong đã lên tàu ra đảo làm nhiệm vụ giải phóng.

Vào lúc 3 giờ ngày 27.4.1975, quân ta đã bí mật mở các mũi tấn công bao vây đảo và sau đó đồng loạt nổ súng. Chỉ hơn 1 giờ tấn công, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quý, đánh dấu thời khắc sự kiện tỉnh Bình Thuận hoàn toàn được giải phóng.

Vượt khó khăn thử thách làm chủ biển khơi

Trong những năm đầu mới giải phóng, do hậu quả của cuộc chiến tranh; đồng thời Phú Quý nằm xa cách đất liền tới 56 hải lý, nền kinh tế ở trên đảo hết sức nghèo nàn, lạc hậu, cuộc sống của người dân còn bấp bênh, chủ yếu tự cung tự cấp.

Đến nay, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Thuận, được sự giúp đỡ kịp thời của các cơ quan ở T.Ư, bộ mặt huyện đảo được đổi thay toàn diện.

Xác định kinh tế biển, đánh bắt thủy sản là mũi nhọn, trong những năm qua Phú Quý phát triển mạnh cả đội tàu khai thác và tàu chế biến, dịch vụ trên biển. Hiện tại đảo có trên 1.700 tàu đánh bắt, chế biến (trên 7.500 lao động); trong đó có hơn 590 tàu công suất từ 90 CV trở lên; sản lượng đánh bắt có năm lên đến hơn 36.000 tấn hải sản.

Không chỉ đánh bắt ngư trường lớn ở Trường Sa, Nhà giàn DK1, hiện nay trên đảo còn phát triển nuôi trồng, gắn với chế biến thủy sản xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế lớn. Trong những năm gần đây, đảo Phú Quý trở thành điểm đến về du lịch thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế, có năm đón gần 170.000 lượt du khách. Phú Quý cũng là huyện đầu tiên của Bình Thuận đạt tiêu chí huyện nông thôn mới từ 2015.

Trước đây giao thông đường biển ra đảo khó khăn, thì nay tuyến Phan Thiết - Phú Quý có nhiều tàu khách cao tốc, tàu vận tải hàng hóa, thời gian đến đảo chưa đầy 3 giờ, thay vì 7-8 giờ như trước kia.

Trên đảo có bệnh viện quân dân y, có hệ thống trường học từ mầm non đến THPT; dân số huyện trên 32.000 người, nhưng chỉ còn 50 hộ nghèo; cuộc sống của bà con trên đảo được nâng cao cả vật chất lẫn tinh thần.

Vai trò đặc biệt của đặc khu Phú Quý về an ninh, quốc phòng

Phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng đảo Phú Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh biểu dương và chúc mừng cán bộ chiến sĩ, quân và dân trên đảo đã đạt được những thành quả rực rỡ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên, sự phát triển của Phú Quý vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư và tầm quan trọng đặc biệt của đảo trong phát triển kinh tế, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo; đặc biệt là kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của đảo.

Theo ông Hải, hiện nay nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt. Biến đổi khí hậu, gây nên thời tiết bất thường, bão, áp thấp nhiệt đới ngày càng nhiều và cường độ mạnh hơn, nước biển dâng gây nên xâm thực và sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng, khiến cho tình trạng nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, tình trạng dân số cơ học tăng nhanh trong khi nguồn nước ngọt ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng đến môi trường và sự phát triển bền vững. Dù phát triển nhanh, nhưng kinh tế biển thiếu bền vững, vẫn chủ yếu dựa vào đánh bắt theo mùa vụ.

Do đó, để phát huy những giá trị về văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, an ninh quốc phòng, ông Hải đề nghị Đảng bộ, chính quyền Phú Quý cần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của đảo, chú trọng phát triển kinh tế biển, đặc biệt là nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu. Chú trọng mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng các trung tâm tránh trú bão cho tàu thuyền và phục vụ tốt công tác tìm kiếm cứu nạn trong mùa bão.

"Chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng rằng, trong kỷ nguyên mới của đất nước, Phú Quý sẽ có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một đặc khu giàu đẹp, vững mạnh về mọi mặt, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đúng với tên gọi Phú Quý của mình", ông Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh.