Nhảy đến nội dung
 

Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu 15 địa phương có tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua phải chạy đua với thời gian, khởi công các dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) liên quan trước ngày 19-8-2025.

Từ nay đến cuối năm 2026, các địa phương phải hoàn thành GPMB hơn 10.800ha, tái định cư 120.800 người trong phạm vi xây dựng dự án. 

Đây là một thách thức không nhỏ, cần sự nỗ lực lớn của 15 tỉnh thành có dự án đi qua. Đến nay, ghi nhận một số địa phương trên tuyến đã "bắt tay" vào công tác GPMB và các địa phương cũng có một số kiến nghị để đẩy nhanh quá trình này.

Xã phải chịu trách nhiệm địa bàn của mình

Tại Hà Nội, mới đây UBND TP đã ban hành kế hoạch GPMB dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn TP dài gần 28km, dự kiến thu hồi khoảng 112,7ha đất. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh - trưởng Ban Chỉ đạo GPMB TP - đã giao bí thư các xã Đại Xuyên, Phượng Dực, Chuyên Mỹ, Thường Tín, Thượng Phúc, Ngọc Hồi trực tiếp làm trưởng ban bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong phạm vi hành chính địa phương quản lý. 

Các xã phải chốt xong vị trí tái định cư dự án vào cuối tháng 7-2025. Nhiều tỉnh thành khác cũng giao nhiệm vụ này đến từng xã.

Tại Ninh Bình, ngày 15-7 vừa qua, ông Nguyễn Cao Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh, đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tiến độ GPMB dự án trên địa bàn (dài 86km). Tỉnh cần GPMB khoảng 612ha đất, bố trí 27 khu tái định cư.

Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu hoàn thành các khu tái định cư phục vụ GPMB dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam chậm nhất vào tháng 9-2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng dự án trước tháng 12-2026. Số hộ phải di chuyển chỗ ở, bố trí tái định cư dự kiến là 2.107 hộ. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng bị ảnh hưởng phải di dời khoảng 40 công trình.

UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến đối với nội dung đề xuất của UBND tỉnh này về việc điều chỉnh hai vị trí trạm bảo dưỡng đang dự kiến đặt tại km 141+00/ĐSTĐC và km 176+00/ĐSTĐC làm cơ sở xác định số hộ phải di chuyển chỗ ở, bố trí tái định cư. Chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt và các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm hoàn thành bàn giao hồ sơ và cọc GPMB ngoài thực địa cho địa phương để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Đề nghị sớm hỗ trợ vốn, chờ ranh giới cụ thể

Những ngày này, chính quyền nhiều xã trong tỉnh Hà Tĩnh đã khảo sát, xác định sơ bộ khối lượng mặt bằng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án. 

Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền sâu rộng để người dân không cơi nới, xây dựng nhà cửa trong phạm vi dự án đi qua, không chôn cất tại một số nghĩa trang bị ảnh hưởng. Dự án đường sắt cao tốc qua tỉnh với tổng chiều dài khoảng 103,42km được bố trí 3 nhà ga (2 nhà ga khách, 1 ga hàng hóa).

Hiện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thành lập Ban Chỉ đạo GPMB dự án do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm làm trưởng ban, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải làm phó trưởng ban thường trực, các phó chủ tịch UBND tỉnh làm phó trưởng ban, phấn đấu đến tháng 12-2026 bàn giao tối thiểu 80% phạm vi GPMB cho chủ đầu tư.

Tại Nghệ An, qua rà soát mới nhất của Sở Xây dựng, toàn tỉnh có khoảng 38 cụm dân cư bị ảnh hưởng bởi tuyến đường sắt này (dài 85,5km), với tổng số 2.150 hộ dân có đất ở nằm trong phạm vi dự án; trong số đó, 1.942 hộ dân sẽ được bố trí tái định cư.

Để giải quyết nhu cầu cấp thiết về chỗ ở mới cho người dân, tỉnh Nghệ An dự kiến xây dựng 30 khu tái định cư. Trong đó, ba vị trí có thể xây dựng sớm ở phường Hoàng Mai, xã Tân Châu và xã Hưng Nguyên Nam vì ba vị trí này được đánh giá có quỹ đất sạch, khả năng kết nối hạ tầng thuận lợi, ít vướng mắc về GPMB và có thể triển khai nhanh trong giai đoạn đầu của dự án.

Sở Xây dựng Nghệ An đang kiến nghị UBND tỉnh cho phép các địa phương được chủ động triển khai GPMB và xây dựng các khu tái định cư trước, sau đó sẽ tiến hành điều chỉnh quy hoạch đất và các quy hoạch liên quan. Đồng thời, nguồn vốn cũng cần được bố trí sớm cho các địa phương hoặc kiến nghị trung ương hỗ trợ, nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện và sớm ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng.

Tỉnh Quảng Trị hiện cũng đang khẩn trương chuẩn bị với hy vọng động thổ ba khu tái định cư tại xã Quảng Trạch, phường Ba Đồn và phường Đồng Sơn vào ngày 19-8 tới - cao hơn yêu cầu tối thiểu một khu tái định cư của trung ương.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh dài 190,68km, đi qua 35 xã phường, với tổng diện tích thu hồi khoảng 1.564ha. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo GPMB; xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. 

Trước nhu cầu vốn lớn, địa phương đã kiến nghị trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng các khu tái định cư. Đồng thời, tỉnh yêu cầu quản lý chặt chẽ ranh giới dự án, kịp thời ngăn chặn xây dựng trái phép.

Tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn qua Quảng Ngãi dài hơn 86km, chạy song song với quốc lộ 1 và tuyến đường sắt hiện hữu, đi qua 17 đơn vị hành chính cấp xã, bố trí một nhà ga tại phía tây đô thị Quảng Ngãi. Tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 561ha, chủ yếu là đất nông nghiệp. Hiện tại Quảng Ngãi đã rà soát lại 23 khu tái định cư và 17 khu cải táng từng phục vụ dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn dự kiến đầu tư xây dựng mới thêm nhiều khu tái định cư. Các địa phương được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đường sắt và Bộ Xây dựng để điều chỉnh quy hoạch; xác định vị trí, quy mô cụ thể từng khu tái định cư.

 Đáng chú ý, khu tái định cư đầu tiên dự kiến sẽ được khởi công vào ngày 19-8 tại xã Sơn Tịnh. Đây sẽ là bước đi quan trọng thể hiện quyết tâm của Quảng Ngãi trong việc bám sát tiến độ và cam kết bàn giao mặt bằng sạch vào cuối năm 2026.

Chuẩn bị nhiều điều kiện phục vụ dự án

Theo UBND tỉnh Gia Lai, tổng chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh dài 115km với 2 ga hành khách là Bồng Sơn và Diêu Trì. Dự kiến tổng diện tích GPMB khoảng 323ha với 4.435 hộ dân bị ảnh hưởng. 

Tỉnh đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư 42 khu tái định cư với diện tích 168ha, 6 khu cải táng 3,65ha phục vụ GPMB dự án. Đồng thời triển khai hồ sơ, thủ tục đối với ba vị trí bãi thải phục vụ dự án và 10 mỏ đất phục vụ xây dựng các khu tái định cư, khu cải táng.

Để tạo thuận lợi cho việc triển khai, tỉnh Gia Lai kiến nghị Bộ Xây dựng sớm cắm cọc ranh giới GPMB trên thực địa và bàn giao để địa phương xác định chính xác số hộ dân bị ảnh hưởng, làm cơ sở đo đạc bản đồ địa chính, triển khai GPMB, bố trí tái định cư. 

Đồng thời đề nghị bố trí kinh phí từ nguồn vốn trung ương để địa phương sớm triển khai đầu tư xây dựng các khu tái định cư, khu cải táng. Chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt sớm phối hợp làm việc với địa phương trong quá trình nghiên cứu phương án thiết kế chi tiết. 

Hạn chế chồng lấn, ảnh hưởng đối với các quy hoạch đô thị, khu dân cư, khu tái định cư vừa được đầu tư xây dựng phục vụ GPMB dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các dự án trọng điểm của tỉnh.

UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay trên địa bàn tỉnh (trước là tỉnh Phú Yên cũ), tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 96km, diện tích đất sử dụng khoảng 807,5ha và tổng số hộ dân bị ảnh hưởng GPMB dự kiến là 4.143 hộ. Dự kiến ngày 19-8 cũng có dự án tái định cư được khởi công.

Ông Vũ Thanh Hưng - giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đắk Lắk - cho hay đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án, bên cạnh đó đang rà soát tổng kiểm kê việc này (trước đây là nhiệm vụ của cấp huyện). Tuy nhiên ông nói hiện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn vẫn chưa bàn giao cột mốc để có tính toán chính xác trong số liệu. 

"Dựa vào số liệu thu thập được chúng tôi mới dự toán được kinh phí xây dựng khu tái định cư. Bước đầu tiên chỉ mới xác định khu tái định cư để báo cáo tỉnh, còn lại phụ thuộc vào hướng tuyến và khu vực GPMB", ông Hưng nói.

Ngày 18-7, ông Trần Hòa Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết liên quan đến công tác GPMB phục vụ dự án (dài) 191,8km, từ 1-7 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao việc cho 29 xã, phường (dài 191,8km). 

Theo ông Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa và Sở Xây dựng cũng đã giao các ban quản lý dự án của tỉnh này xuống trực tiếp các xã, phường để xác định theo quy hoạch khu vực nào xây dựng khu tái định cư theo nhu cầu tổng hợp của các địa phương.

Trong khi đó, đường sắt cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Bình Thuận cũ) dài gần 160km, thiết kế với 2 ga hành khách là Phan Thiết và Phan Rí, 4 trạm bảo dưỡng. Diện tích GPMB dự kiến gần 1.000ha. 

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận hồ sơ ranh giới dự án theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tổng nhu cầu tái định cư khoảng 1.150 hộ, dự kiến xây dựng tại 9 khu mới, với tổng kinh phí gần 450 tỉ đồng. 

Về phương án tái định cư, trong 1.150 hộ, có 45 hộ sẽ bố trí vào các khu dân cư hiện hữu, 1.105 hộ còn lại sẽ xây dựng mới 9 khu tái định cư. Riêng xã Hàm Kiệm đã có sẵn khu đất do Nhà nước quản lý, phù hợp với quy hoạch nên có thể khởi công dự kiến vào ngày 19-8.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn