Dấu ấn 30 năm quan hệ Việt - Mỹ

Năm nay (2025) cũng là dịp kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, ghi dấu nhiều bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ hai nước.
Nhân dịp này, Thanh Niên phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, về quan hệ hai nước.
Hình mẫu thúc đẩy hòa bình
* Thưa đại sứ, ông đánh giá Quan hệ Việt - Mỹ như thế nào trong thời gian qua ? Đâu là những trụ cột và thành tựu nổi bật trong quan hệ hai nước?
- Quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, nhưng đã đạt được những bước phát triển vượt bậc kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 11.7.1995. Từ cựu thù thành đối tác, từ đối tác thành bạn bè tin cậy - đó là hành trình 30 năm quan hệ Việt - Mỹ. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã chứng kiến nhiều bước ngoặt với những cột mốc quan trọng như việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 và nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023.
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao đã tạo nền tảng và động lực mạnh mẽ để hai nước tăng cường hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân. Khắc phục hậu quả chiến tranh là trụ cột đầu tiên, đạt nhiều thành tựu trong việc tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích của cả hai phía; trợ giúp người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam; rà phá bom mìn; tẩy độc dioxin... Các hoạt động này đã giúp hai nước tạo dựng lòng tin và mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác khác.
Về kinh tế, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 250 lần so với thời điểm bình thường hóa. Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam cũng tăng nhanh, các tập đoàn lớn như Google, Microsoft, Apple, Amazon, Intel, Meta, Nike, Visa, Coca Cola, Marriott... là những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Với tính bổ trợ của hai nền kinh tế, các doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam, trong thời gian tới dự kiến các doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường và mở rộng đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu như năng lượng, công nghệ số, dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch...
Trong lĩnh vực chính trị - an ninh, hai nước tăng cường hợp tác thông qua trao đổi đoàn, đặc biệt các đoàn cấp cao, triển khai các cơ chế đối thoại và phối hợp xử lý những vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ các sáng kiến trong ASEAN và hợp tác Mê Kông.
Về giáo dục và giao lưu nhân dân, Việt Nam hiện là nước ASEAN có số lượng du học sinh tại Mỹ cao nhất, với gần 30.000 học sinh, sinh viên. Đồng thời, nhiều trường đại học của Mỹ đã và đang triển khai các chương trình nghiên cứu, giảng dạy về Việt Nam, góp phần nâng cao sự hiểu biết của người dân Mỹ về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Có thể nói, thời gian qua, quan hệ Việt - Mỹ không chỉ là minh chứng sống động cho tinh thần hàn gắn, hòa giải giữa hai quốc gia trong lịch sử quan hệ quốc tế, mà còn là hình mẫu trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác hướng tới tương lai.
Điểm sáng kinh tế - thương mại - đầu tư
* Từ năm 2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này mở ra cơ hội như thế nào để thúc đẩy quan hệ hai nước?
- Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào năm 2023 đã tạo ra một xung lực mạnh mẽ và khí thế mới cho quan hệ song phương. Các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội và cá nhân của hai bên đang rất tích cực triển khai hợp tác trên cả 10 trụ cột thuộc khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện. Biểu hiện rõ nét nhất là hoạt động trao đổi đoàn các cấp diễn ra hết sức sôi động và thường xuyên. Một số cơ chế đối thoại mới đã được thiết lập, trong đó có Đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao, Đối thoại Kinh tế, và Đối thoại An ninh - Thực thi pháp luật. Phía Mỹ cũng đã cử nhiều đoàn quan chức chính quyền, nghị sĩ quốc hội, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là điểm sáng và là trụ cột năng động nhất. Sự quan tâm, mong muốn hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã được tiếp sức sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ.
Trong 2 năm 2024 - 2025, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đã tổ chức hai đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Năm 2024, hơn 70 doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự Select USA 2024 (sự kiện xúc tiến đầu tư vào Mỹ) và sự kiện này năm nay dự kiến thu hút gần 130 doanh nghiệp Việt Nam, mức cao nhất từ trước đến giờ.
Trong các lĩnh vực khác, một số văn bản và thỏa thuận đã được ký kết nhằm cụ thể hóa các nội dung hợp tác về văn hóa, giáo dục, y tế và giao lưu nhân dân. Mỹ cũng tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên như y tế cộng đồng, phòng chống dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và đặc biệt là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh - bao gồm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn và tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích.
Những kết quả đạt được đã phản ánh rõ nét ý nghĩa của việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ: không chỉ ghi nhận những bước tiến vượt bậc trong quan hệ song phương thời gian qua, mà còn tạo thêm xung lực mới để củng cố lòng tin chiến lược và thúc đẩy hợp tác ngày càng sâu rộng, bền vững giữa hai nước.
Hóa giải khác biệt
* Trong quan hệ hai nước có tồn tại những khác biệt nào hay không? Và đâu là định hướng, nền tảng để giải quyết các khác biệt?
- Cũng như bất kỳ mối quan hệ song phương nào trên thế giới, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ không tránh khỏi những khác biệt và vướng mắc. Tuy nhiên, với quyết tâm, cam kết và thiện chí từ cả hai phía, hai nước hoàn toàn có thể xử lý hiệu quả các khác biệt, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Một trong những điểm khác biệt gần đây liên quan đến chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump thực hiện chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết", với các mục tiêu kinh tế là giảm thâm hụt thương mại và đưa các ngành sản xuất then chốt quay về Mỹ. Việc thực hiện các mục tiêu này thông qua áp đặt "thuế quan đối ứng" tác động đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước tình hình đó, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, sẵn sàng và chủ động trao đổi, đàm phán với phía Mỹ nhằm đạt được những thỏa thuận cân bằng và cùng có lợi. Tổng Bí thư Tô Lâm là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên điện đàm với Tổng thống Trump ngay sau khi Mỹ ban hành chính sách thuế đối ứng.
Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc - Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm - đã có các cuộc trao đổi sâu rộng với các cơ quan hữu quan của chính phủ Mỹ, qua đó hai bên thống nhất khởi động đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương. Hiện hai bên đang tích cực phối hợp để triển khai đàm phán và tìm kiếm giải pháp phù hợp, đóng góp vào sự phát triển của cả hai nền kinh tế.
Tôi cho rằng trong suốt chiều dài quan hệ hai nước, các khác biệt là không tránh khỏi, nhưng hoàn toàn có thể được hóa giải thông qua thiện chí và đối thoại. Điều quan trọng là tiếp tục củng cố lòng tin chiến lược, coi trọng quan hệ lâu dài và cùng có lợi. Lịch sử quan hệ Việt Nam - Mỹ mà nhiều thế hệ đã vun đắp và đặc biệt quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là cơ sở để hai nước đưa mối quan hệ đó tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu.
Đây không chỉ là nhiệm vụ của hai chính phủ, mà cần sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Những chương trình trao đổi văn hóa, giáo dục, và học thuật đang góp phần xây dựng một thế hệ mới hiểu biết sâu sắc và tôn trọng lẫn nhau. Đây chính là nền tảng để quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển vững bền trong tương lai.
Đứng trước cơ hội lớn
* Trong thời gian tới, Việt Nam và Mỹ có thể tăng cường hợp tác phát triển ở những lĩnh vực nào và đâu là yếu tố then chốt để thúc đẩy quan hệ hai nước?
- 30 năm trước, ít ai hình dung được quan hệ Việt - Mỹ hôm nay. Vậy hãy hình dung chúng ta sẽ đi xa đến đâu trong 30 năm tới. Trên nền tảng vững chắc đã được xây dựng trong suốt 3 thập niên qua, hai nước hiện đứng trước những cơ hội lớn để mở rộng hợp tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực.
Một trong những đột phá quan trọng trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện là hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn. Nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam mở ra nhiều tiềm năng hợp tác, trong đó thế mạnh của Mỹ có thể đóng vai trò hỗ trợ thiết thực, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cũng mong muốn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ trong bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững.
Trong lĩnh vực chính trị - an ninh, cả hai nước chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những thách thức như tranh chấp ở Biển Đông, an ninh hàng hải, và tội phạm mạng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ đa phương. Các sáng kiến hợp tác thông qua ASEAN, Quan hệ đối tác Mê Kông - Mỹ (MUSP)… sẽ giúp củng cố, thắt chặt quan hệ hai nước Việt Nam và Mỹ.
Yếu tố then chốt để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước chính là sự tôn trọng và lòng tin chiến lược, cam kết chính trị từ lãnh đạo cấp cao, cùng với sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, địa phương và nhân dân hai nước. Hai nước sẽ không chỉ viết tiếp câu chuyện hợp tác - mà còn đang cùng nhau định hình một kỷ nguyên mới. Với sự quyết tâm và cam kết của cả hai phía, tôi tin tưởng quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định chung của khu vực và thế giới.
* Xin cảm ơn đại sứ !