Đào tạo nhân tài cho kỷ nguyên mới

Việt Nam chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong bối cảnh này, GD-ĐT cần thay đổi tư duy, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài theo từng cá nhân, có tư duy phản biện, sáng tạo và kỹ năng toàn cầu để thích ứng cao với một thế giới biến động.
PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN NGƯỜI HỌC
Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cần nhiều con người tài năng ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Con người nói chung không giống nhau, mỗi người là một cá thể, có một khả năng, năng khiếu riêng. Có điều là tài năng, năng khiếu của con người cũng giống như tài nguyên thiên nhiên, không nằm ngay trên mặt đất, mà ở sâu trong lòng đất, lòng biển, phải đầu tư công sức, trí tuệ, công nghệ mới tìm kiếm được. Do đó, đối với học sinh (HS), sinh viên, cần có nhiều phương pháp, giải pháp, tác động nhiều chiều, nhiều hướng khác nhau mới phát hiện những tiềm năng ẩn sâu bên trong mỗi con người.
Với giáo dục phổ thông, nền tảng toàn diện, đó là giúp mỗi HS phát triển 5 phẩm chất cốt lõi: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; phát triển 10 năng lực, với 3 năng lực chung, gồm tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; và 7 năng lực đặc thù, gồm toán học, khoa học, ngôn ngữ, tin học, công nghệ, thể chất và thẩm mỹ, chú trọng đến tư duy phản biện và sáng tạo, chấp nhận thay đổi, học hỏi trí tuệ nhân tạo (AI).
Những năm gần đây, các trường tiểu học, trung học trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động, câu lạc bộ, nghiên cứu khoa học, nhiều sân chơi trí tuệ để phát hiện tài năng. Nhờ đó, nhiều HS không chuyên ở vùng khó khăn vẫn đạt giải cao quốc gia và quốc tế. Đồng thời, việc đào tạo ở các trường chuyên không chỉ tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng các môn chuyên, mà hoạt động hướng đến đa dạng, chú trọng năng lực cá nhân khi giải quyết vấn đề thực tiễn, như nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, thi Đường lên đỉnh Olympia, thi hùng biện tiếng Anh, thực hiện các dự án thực tế và trao cơ hội sớm hơn cho HS. Nhờ đó, HS lớp 10 có thể đoạt HCV Olympic quốc tế, như Ngô Quý Đăng (Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, môn toán năm 2020) và Võ Hoàng Hải (Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, môn lý năm 2022). HS trường chuyên Quốc học Huế có 8 lần đưa cầu truyền hình Đường lên đỉnh Olympia về tỉnh là minh chứng cho sự đa dạng, phát huy tài năng cá nhân.
Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, kiến thức hàn lâm không còn đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại mà cần đào tạo người học có các kỹ năng của thế kỷ 21, như tư duy phản biện, sáng tạo, làm việc nhóm, thích ứng với sự thay đổi, tự học, tự nghiên cứu, tự tiến bộ và học tập suốt đời. Muốn vậy, sinh viên không chỉ tập trung học tập trên giảng đường, mà học tập ở các môi trường khác nhau, ở thư viện, phòng thí nghiệm, thực tế, thực tập và làm việc ở doanh nghiệp, nhiều cuộc thi quốc gia, quốc tế và ươm mầm khởi nghiệp. Từ đó, mới phát hiện tài năng của người học để phát huy.
CHÚ TRỌNG THỰC DỤNG HÓA GIÁO DỤC
Thực dụng hóa giáo dục không phải là đào tạo con người theo chủ nghĩa thực dụng hẹp hòi, mà đặc trưng này được thể hiện ở 3 khía cạnh.
Đó là kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất thực sự hữu ích đối với người học, gắn với thực tiễn, giảm tối đa tính lý thuyết và xa rời thực tế. Có thể khẳng định rằng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đi theo hướng thực dụng này khi giảm tối đa kiến thức lý thuyết, tăng thực hành và xác định mục tiêu: "Giúp HS làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại".
Chương trình giáo dục phải gắn với thực tế, gắn với KT-XH của địa phương và đất nước, kể cả những vấn đề đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Từ đó, người học có khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn. Việc HS VN, không chỉ là HS chuyên, đạt giải cao tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật quốc tế hằng năm đã minh chứng cho sự tiếp cận các lĩnh vực mới ngang tầm HS trung học của các nước.
Cuối cùng, GD-ĐT phải gắn với nhu cầu nhân lực của địa phương, quốc gia. Nhân lực quốc gia VN trong kỷ nguyên mới cần đào tạo trình độ cao ở các lĩnh vực KH-CN, kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ số, kỹ thuật số, AI, bán dẫn, hạt nhân… cùng với các ngành khoa học xã hội và nhân văn gắn với công nghệ số.
Vì vậy, cần khuyến khích HS học và dự thi đối với các môn khoa học tự nhiên, toán, công nghệ, để hài hòa nguồn nhân lực; tránh xu hướng HS chọn các môn khoa học xã hội để dễ học, dễ thi. TP.HCM là điển hình của việc gắn giáo dục với nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương khi tỷ lệ HS chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên dự thi tốt nghiệp THPT cao. Năm 2024, tỷ lệ này của TP.HCM là 60,85% trong khi trung bình cả nước là 37%.