Nhảy đến nội dung
 

Danh họa Văn Dương Thành: 'Nữ đại sứ' trong dòng chảy văn hóa Việt

Ở tuổi ngoài 70, nữ danh họa Văn Dương Thành vẫn từng ngày tất bật với đủ việc, khi thấy bà tỉ mẩn căn ke, viết lách, chăm chút cho không gian bảo tàng mang tên mình "Văn Dương Thành Fine Art Museum" (Bảo tàng Nghệ thuật Văn Dương Thành), thành lập từ 2023. Lúc lại thấy một Văn Dương Thành bận rộn đến tối tăm mặt mũi cùng các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là lan tỏa tình yêu hội họa cho trẻ có điều kiện khó khăn. Và cũng có một Văn Dương Thành sâu lắng trong sáng tác nghệ thuật và triển lãm cá nhân, mượn nét họa kể chuyện văn hóa Việt với bạn bè trong nước và thế giới.

Khi được hỏi có cần thêm gì khi đã rất thành công trên con đường nghệ thuật, bà chỉ ngắn gọn: "Tớ cần thêm mỗi thời gian".

RA ĐI ĐỂ TRỞ VỀ

Họa sĩ Văn Dương Thành định cư ở Thụy Điển từ năm 1988, lý do đơn giản: "Là họa sĩ, khi ấy mình ra đi không nghĩ gì to tát, chỉ mong cố gắng trau dồi, tiếp thu kiến thức mới, học hỏi từ bạn bè quốc tế để hỗ trợ thêm cho nghề nghiệp của mình". Nghe là vậy, nhưng theo dõi Văn Dương Thành trên lịch sử họa đàn Việt những năm 1980 - 1990, sẽ nhận ra sự khác biệt, bởi không chỉ là họa sĩ như cách bà nói về mình, mà còn là cầu nối hoàn hảo ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa - nghệ thuật.

Được đồng nghiệp, các nhà ngoại giao, chính khách… thân thương gọi với danh xưng "Đại sứ văn hóa Việt", Văn Dương Thành giải thích: "Tôi thấy mình lợi thế khi được làm nghệ thuật, vì nói suông không có gì cho người khác xem có lẽ khó thuyết phục. Tôi dùng tranh thay lời nói, dốc hết tâm sức vào tác phẩm, khi hoàn thiện tìm được rung cảm, đồng điệu, làm cho người xem có cảm xúc với hình ảnh VN và thêm yêu VN. Nhiều người Thụy Điển sau đó nhận trẻ mồ côi Việt làm con nuôi. Nhiều nhân vật đến VN giảng dạy miễn phí cho trẻ em nghèo… Thậm chí đến 30 năm sau, nhiều người tìm đến cùng trẻ họ nhận nuôi ngày xưa, nay đã trưởng thành, có gia đình, chúng tôi giữ mối liên hệ, chân tình và quý mến lắm".

Từng có quãng thời gian dài giảng dạy về mỹ thuật ở Thụy Điển, người họa sĩ nhớ lại: "Học xong 12 năm Đại học Mỹ thuật ở Hà Nội, tôi có thêm 7 năm làm nghiên cứu văn hóa, nói chuyện, giảng bài cho hơn 2.000 chuyên gia Thụy Điển làm việc ở VN bằng tiếng Anh. Sau tôi học thêm tiếng Thụy Điển bởi điều đó giúp người ta dễ hiểu hơn. Khi sang Thụy Điển, tôi cũng là người Á châu đầu tiên dạy nghệ thuật bằng tiếng Thụy Điển".

Và với vốn sống thời gian khó trong gia đình 7 anh chị em sớm mồ côi cha, được bao bọc bởi tình thương vô bờ của mẹ, cùng những tháng ngày sống với nông dân các làng quê khi đi sơ tán, Văn Dương Thành học được thật nhiều. Để khi giảng giải về nghệ thuật, những gian truân ngày xưa ấy là lợi thế, bởi: "Tôi quan niệm nghệ thuật không có biên giới, không có tầng lớp, tộc người, miễn sao chuyển tải được thông điệp, tâm lý, hình thức thể hiện phù hợp và làm rung cảm người xem".

Và cứ thế, liên tiếp các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, cùng những kết nối ngoại giao giữa VN - Thụy Điển, cả các nước phương Tây, vẫn thấy một Văn Dương Thành rất Việt, từ hình họa với mái đình, linh thú, đến chất liệu dân gian, đều một tinh thần Việt không phai nhạt. Bà bảo: "Sống ở trời Âu giúp tôi có thêm óc quan sát, chiêm nghiệm, biết mình đang ở đâu. Còn lại căn tính vẫn là Việt, chẳng bao giờ thay đổi, cũng chẳng thể bị ảnh hưởng, dẫu có ở thêm 30 năm nữa thì vẫn thế".

Ngồi trong không gian bảo tàng mang tên bà, hỏi bâng quơ khi nào bà về lại Thụy Điển, bà trả lời ngay không một giây suy nghĩ: "Ngày xưa là về Thụy Điển, nhưng mình về VN lâu rồi, giờ không gọi về Thụy Điển nữa, mà đi thôi. Các cụ đã bảo: Ra đi là để trở về".

CHO ĐI LÀ CÒN MÃI

Nói về hoạt động sự nghiệp, danh họa Văn Dương Thành cho biết bà là người may mắn, thành danh trên con đường nghệ thuật, nhưng câu chuyện trở về của bà mang ý nghĩa to lớn hơn: "Mình có được thành công, và muốn trở về để chia sẻ thành công ấy cho nhiều người chứ không giữ cho riêng mình".

Cách chia sẻ ấy được cụ thể bằng những việc làm thiện nguyện, cũng nhẹ nhàng, an nhiên, có cả phần kiệm lời tựa như cách bà kể chuyện vẻ đẹp Việt bằng những gam màu biến ảo diệu kỳ trên toan vóc. Bà bảo: "Mình ở tuổi này, nếu chỉ sống và vẽ cho mình thì sướng và dễ lắm; trong khi tham gia việc thiện nguyện, phải dồn hết công sức cả đêm ngày mới giúp được người. Nhìn cảnh khổ mà không chia sẻ cùng, thực không an lòng được".

Ở tuổi ngoài 70, nhưng cảm giác ở người phụ nữ ấy không có tuổi. Bà vừa sáng tác, điều hành bảo tàng, tham gia triển lãm, đi thỉnh giảng liên tiếp ở các trường ĐH, trung học; mở các lớp học miễn phí dành cho trẻ em nghèo ven sông Hồng tiếp cận hội họa; tổ chức đấu giá tranh gây quỹ xây nhà cho bà con vùng lũ; hỗ trợ nghệ sĩ trẻ triển lãm để họ thêm tự tin theo con đường mình chọn… Số lượng công việc liên tục như thế, cộng thêm cơn đau cột sống vừa qua phẫu thuật, vậy mà bà vẫn miệt mài với đam mê, quên cả sức khỏe, tuổi tác và tạo ra nguồn năng lượng đầy tích cực, thân thương, gần gũi khi xưng "chị" với tất cả mọi người đáng ra chỉ ở hàng cháu con cách biệt.

Điểm qua các tác phẩm nghệ thuật ở bảo tàng mang tên bà, có hàng trăm tác phẩm các danh họa thời Đông Dương, rất nhiều trong số ấy được họa sĩ vẽ tặng riêng Văn Dương Thành. Ở thời tranh Đông Dương gây sốt thị trường, không khó để đếm được con số khủng từ bộ sưu tập ấy. Nhưng ở Văn Dương Thành còn một gia tài lớn hơn, đó là tình yêu với hội họa. Bà cứ thế tìm rung cảm đồng điệu, để kể về nét đẹp của VN qua những tác phẩm mang phong cách ấn tượng, trừu tượng rất riêng của Văn Dương Thành, đậm dấu ấn quê hương.

Tham quan không gian bảo tàng của Văn Dương Thành, dễ thấy những hình ảnh lưu niệm của bà với các bậc vĩ nhân, chính khách trong ngoài nước, những lưu bút, giấy khen… nhiều vô số, như niềm khích lệ để người nghệ sĩ tiếp tục đắm say trên cung đường nghệ thuật.

Đáng chú ý trong câu chuyện lan tỏa nét đẹp văn hóa, là bức thư gửi từ Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7.9.2016 khi còn đương nhiệm, dành cho danh họa Văn Dương Thành. Thư có đoạn: "Mặc dù chúng ta đến từ những truyền thống và cộng đồng khác nhau, tôi tin rằng mỗi quốc gia và từng cá nhân sẽ càng thêm mạnh mẽ khi hợp tác cùng nhau. Thông qua việc kết nối xuyên biên giới về văn hóa, giữ vững những lý tưởng đã gắn kết chúng ta lại với nhau, chúng ta có thể tiến tới một tương lai hòa bình, thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người".