Đang xin ý kiến việc bỏ cơ quan điều tra Viện KSND tối cao

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc bỏ cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vẫn còn 2 luồng ý kiến và là vấn đề đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Sáng 25.4, tiếp tục phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Viện KSND.
Tổ chức Viện KSND gồm 3 cấp: tối cao, tỉnh và khu vực
Tại tờ trình, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đề xuất sửa quy định để sắp xếp lại bộ máy Viện KSND từ mô hình 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực) để thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bỏ cấp huyện và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Đối ngoại Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, khi tổ chức viện KSND khu vực thì việc tổ chức TAND khu vực và cơ quan điều tra khu vực cũng cần thống nhất. Cùng đó, ông đề nghị việc thành lập các cơ quan này cần quy định cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước quyết định.
Ông Tới cũng cho biết, tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), trong đó có vấn đề không tổ chức Cơ quan điều tra hình sự của Viện KSND tối cao. Tuy nhiên, trong dự án luật này lại không thấy đề cập. "Vậy có quên hay không?", ông Tới nêu.
Theo ông Tới, tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã thống nhất với việc không tổ chức cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao theo đề xuất của Bộ Công an. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra trả lời vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc thành lập các viện KSND và TAND khu vực quy định tại các luật về tổ chức viện KSND và TAND sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. TAND, viện KSND sẽ phải thống nhất với nhau về phạm vi lãnh thổ, địa hạt tư pháp, kể cả đồng bộ nơi đặt trụ sở của các cơ quan cấp khu vực này.
Với cơ quan điều tra, ông Tùng cho biết, dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự mà Bộ Công an trình lại tiếp cận theo cách khác. Hiện cơ quan soạn thảo đang trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng Quốc phòng quy định tổ chức bộ máy cụ thể cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân.
Hiện nay, khi không tổ chức công an cấp huyện thì Bộ Công an và Viện KSND tối cao đã có thông tư liên tịch quy định cơ quan điều tra công an cấp tỉnh sẽ thực hiện nhiệm vụ điều tra liên quan thẩm quyền của tòa án, viện kiểm sát cấp huyện hiện nay.
"Dự thảo luật mà Bộ Công an đang trình cũng không quy định cụ thể. Song dự kiến theo hướng là công an cấp tỉnh thực hiện điều tra liên quan thẩm quyền tòa, viện khu vực", ông Tùng cho hay.
Vẫn có 2 luồng ý kiến việc bỏ cơ quan điều tra Viện KSND tối cao
Với vấn đề không tổ chức cơ quan điều tra thuộc Viện KSND tối cao, ông Tùng cho biết, đây đúng là nội dung đề xuất tại dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi).
"Hôm qua thẩm tra thì vẫn có 2 luồng ý kiến. Quan trọng nữa đây là vấn đề đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền", ông Tùng thông tin thêm.
Tại dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất bỏ quy định về cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao. Hệ thống cơ quan điều tra sẽ chỉ còn cơ quan điều tra của Công an nhân dân và cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.
Nhiệm vụ tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp sẽ được chuyển giao cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, thay vì Viện KSND tối cao như hiện nay.
Trong văn bản góp ý, Viện KSND tối cao không đồng ý đề xuất này, đề nghị giữ nguyên Cơ quan điều tra thuộc Viện KSND tối cao. Tại cuộc họp thẩm định dự án luật của Bộ Tư pháp, nhiều ý kiến bộ ngành khác cho rằng cần giữ nguyên thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao như hiện hành.
Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4, Chính phủ thống nhất với việc không tổ chức cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao theo đề xuất của Bộ Công an.