Đặng Thùy Trâm và mối tình nơi tuyến lửa

20 năm trước đây, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là tiếng vọng dội về từ quá khứ, có thể nói là một chấn động với thế giới. 20 năm sau, tiếng vọng ấy lại tiếp tục vang lên trong di cảo “Đặng Thùy Trâm - Cuốn nhật ký thứ ba”.
Năm 2005, hai cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm trở về Việt Nam từ nửa bên kia của thế giới. Nhật ký Đặng Thùy Trâm, hay phiên bản tiếng Anh Last night I dreamed of peace (Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình) đã khiến công chúng trong nước và thế giới thổn thức, tạo nên một hiện tượng văn hóa - nơi tình yêu cá nhân và ánh sáng lý tưởng giao hòa.
20 năm sau, Đặng Thùy Trâm và Cuốn nhật ký thứ ba ra đời. Ngày 18/7, tại buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách tại Hà Nội, nhiều câu chuyện xúc động đã được chia sẻ bởi chính em gái Đặng Thùy Trâm - tác giả Đặng Kim Trâm.
![]() |
Một bức thư của nữ bác sĩ trong cuốn Đặng Thùy Trâm và Cuốn nhật ký thứ ba. Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. |
Chân dung và tình yêu của Đặng Thùy Trâm được khắc họa thêm rõ nét qua cuốn sách mới nhất. Không chỉ công bố cuốn nhật ký thứ ba của nữ bác sĩ quân y, cuốn sách còn tập hợp bài viết từ mẹ, từ các em, từ bạn bè của Đặng Thùy Trâm. Tình yêu thương gia đình, tình cảm bạn bè, tình người trong thời kỳ gian khó ấy, tất cả đã tạo nên những ký ức đẹp nhất, đã góp phần giúp Đặng Thùy Trâm đi qua những ngày bom đạn sau này.
Cuốn sách còn hé lộ hành trình 35 năm hai cuốn nhật ký tìm đường về Việt Nam, từ tay một cựu binh Mỹ. Sự kiện này đã trở thành biểu tượng của hòa bình, của nỗ lực hàn gắn những vết thương quá khứ.
Tuổi hoa niên của anh hùng Đặng Thùy Trâm
Tại buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách, bà Đặng Kim Trâm chia sẻ mong ước khi cuốn sách ra đời: “Trong cuốn nhật ký thứ ba này, chúng tôi muốn đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về chị Đặng Thùy Trâm, về tuổi thơ, về gia đình, về những suy nghĩ, những năm đầu đời, những trăn trở khi chị còn là học sinh, những ước mơ chị có cho sự nghiệp khoa học, văn học, niềm mong muốn có hạnh phúc, muốn sống trong hòa bình. Những điều này chị viết trong cuốn nhật ký trước khi đi B (PV - đi vào chiến trường miền Nam) mà tôi gọi là cuốn nhật ký thứ ba”.
Quả thực, chân dung Đặng Thùy Trâm trong cuốn sách mới nhất hiện lên vừa quen vừa lạ. Quen là bởi vẫn là cô gái giàu lý tưởng, giàu lòng nhân ái đó, vẫn là cô gái mong ước tình yêu như ta biết trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm đó; nhưng lạ là bởi chân dung cô được vẽ bởi những người cô yêu thương nhất, gần gũi cô nhất - là mẹ, là em gái, là bạn hữu đồng niên. Chan chứa trong chân dung ấy là tình cảm của gia đình, bạn bè với nữ bác sĩ.
Độc giả không khỏi xúc động bởi bắt gặp lại bối cảnh, các câu chuyện nhỏ nhưng có tính điển hình cho một thế hệ sinh sống tại miền Bắc giai đoạn 1954-1964. Những khó khăn, sướng khổ, những cảnh êm đềm trước ngày hòa bình bị phá vỡ… Nhà văn Thảo Trang đã cho rằng cuốn sách có tính điện ảnh, chính là nằm ở những chi tiết, những bối cảnh đặc trưng của một thời đại như vậy.
![]() |
Album ảnh Những người thân yêu: Mẹ và các em, được Đặng Thùy Trâm tự tay làm. Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. |
Bối cảnh ấy có những chi tiết khiến ai từng đi qua, từng nghe về giai đoạn đó đều thấy rưng rưng: cảnh chị gái Thùy Trâm đưa em ăn củ cải và bảo “đây là món tuyệt nhất” nhưng em gái ăn thì chỉ thấy cay xè, cảnh bắt cá bắt ốc kiếm thêm cho bữa cơm đạm bạc, cảnh gia đình tri thức nhưng phải bóc lạc, quay sợi, thêu khăn… ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập.
Trong cảnh gian khó ấy, Đặng Thùy Trâm nổi bật lên là một cô gái hiền thục, đảm đang, luôn quán xuyến mọi việc trong gia đình. Chị chẳng ngại việc nặng, chẳng ngán việc lấm lem, nhưng chị vẫn là một cô gái gốc Huế, lớn lên tại Hà Nội, nên chị đâu thể quên trau chuốt chiều chuộng tâm hồn mình, dẫu là trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Bao giờ trong nhà cũng có hoa sen thơm ngát nhờ chị cắm. Ở trường, chị lại học giỏi, hát hay, luôn là hạt nhân trong các phong trào thanh niên tại trường Chu Văn An. Chị am hiểu truyện cổ tích, kinh điển phương Tây. Ở chị, tình yêu và lý tưởng sống từ ngày thơ ấu đã luôn tràn trề.
Trong chương câu chuyện về gia đình Đặng Thùy Trâm, không thể không nhắc tới bố chị là ông Đặng Ngọc Khuê và mẹ chị là bà Doãn Ngọc Trâm. Theo tác giả, bà Ngọc Trâm là điển hình của lý trí và sự thích ứng với mọi hoàn cảnh: từ một cô tiểu thư chỉ biết thêu thùa nấu nướng, trở thành người chủ gia đình, giỏi việc cấy gặt dần sàng, rồi thành cô giáo. Còn ông Đặng Ngọc Khuê, bà Kim Trâm cho rằng ông “mãi là một kẻ lãng mạn dại khờ”. “Ba tôi chơi violin, nghe nhạc cổ điển, ông giao du nhiều với văn nghệ sĩ. Ba tôi chính là người tạo ra bầu không khí mơ mộng, êm đềm và học thuật trong gia đình tôi”, bà viết.
Có lẽ, Đặng Thùy Trâm đã thừa hưởng sự lãng mạn từ bố và tính cách không chịu đầu hàng trước mọi khó khăn của mẹ. Hai “di sản gia đình” ấy đã dung dưỡng tâm hồn chị, đồng thời tiếp cho chị ý chí, nghị lực trong những ngày sống trên chiến trường sau này.
Một mối tình nhiều day dứt
Năm cuối học trường Y, Đặng Thùy Trâm quyết định đi B. Ông Doãn Ngọc Thúy, một người bạn thân thiết của Đặng Thùy Trâm, viết rằng: “Tính Thùy luôn sôi nổi, luôn mơ ước được đóng góp sức trẻ ở nơi đầu sóng ngọn gió. Tôi cũng biết ngoài ra Thùy còn có lý do riêng. Thùy đã có người yêu. Bấy giờ anh ấy, một thanh niên đẹp trai, tài hoa, dũng cảm, đang chiến đấu trong Nam. Ái ngại nhưng tôi không thể vượt qua các lý do trên để cản bước Thùy”.
Trong chương 3, Di cảo Đặng Thùy Trâm - Cuốn nhật ký thứ ba - cuốn nhật ký chị viết trước khi ra chiến trường, nhiều dòng nhật ký của nữ liệt sĩ đã khiến độc giả hiểu hơn về quyết định dũng cảm này. “Có những người nói xa xôi rằng mình xin đi B vì động cơ riêng… Sao họ lại không hiểu rằng điều mà cách mạng mong muốn nhất là người ta làm trọn vẹn được cả 2 việc riêng và chung. Nhiệm vụ chung là đánh Mỹ cứu nước. Nhiệm vụ riêng là bảo vệ tình yêu bằng cách rút ngắn thời gian và xa cách, cùng chiến đấu bên người yêu..”
![]() |
M. - người mà Đặng Thùy Trâm luôn yêu thương và mong nhớ. Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. |
Đặng Thùy Trâm có thể đã chọn công tác ở nơi an toàn hơn, nhưng chị chọn nơi gần người chị yêu, cũng là nơi mũi nhọn nóng nhất của cuộc chiến - tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. Sự thúc giục của thời đại, tiếng gọi từ tình yêu, chị đã bất kể sống chết vào nơi mưa bom bão đạn để tìm M. - người mà chị bao năm mong ngóng. Nhưng vì nhiều lý do, chị đã không được như ý. Một tình yêu để lại nhiều day dứt trọn đời cho cả Đặng Thùy Trâm và cả quân nhân M. năm ấy.
Chương 4 Khi mất em rồi, ta mới nói thực sự yêu em dành nhiều nội dung nói về tình yêu giữa Đặng Thùy Trâm và M. Chiến tranh đã khiến tình yêu và con người biến dạng đi, vì thời cuộc, họ buộc phải trở nên một con người kiểu khác.
Nhưng sau tất cả những trách móc, hờn giận, tiếc nuối của những người ngoài cuộc, chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ nội tình thăm thẳm, hiểu những mâu thuẫn khôn cùng của tình yêu ấy. Trong phần Siêu lý, Nguyên Ngọc đã viết: “Tôi biết trong câu chuyện đẹp và buồn, rất buồn và rất đẹp này, không có đúng sai, chẳng nên đi tìm đúng sai ở đây. Cũng như chẳng bao giờ nên đi tìm đúng sai trong tình yêu”.
Nhưng đâu chỉ có cảm xúc tình yêu và lý tưởng cống hiến, giai đoạn này Đặng Thùy Trâm mang rất nhiều phức cảm. Nhà thơ Thanh Thảo đã viết về điều này rằng: “Phẩm chất nhà văn đã giúp Đặng Thùy Trâm biểu lộ những cung bậc tình cảm phức tạp: tình yêu cháy bỏng bị thất vọng, phức cảm “tiểu tư sản”, tình bạn, tình chị em rất trong sáng nhưng vô cùng nồng nàn…”
![]() |
Một đoạn thư gửi bạn của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. |
Đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm, dù ở cuốn thứ ba hay hai cuốn đầu, ta thấy tình yêu là nguồn sáng rực rỡ nơi tâm hồn chị, từ tình yêu gia đình, tình yêu bạn bè tới tình yêu lứa đôi. Kể cả khi chị gặp thất vọng trong tình yêu, chị vẫn biến nguồn cảm xúc trong sáng đó thành động lực mạnh mẽ để bước tiếp.
Sự trở về của cuốn nhật ký có lửa
Theo thông tin trong sách, Frederic Whitehurst (thường gọi Fred), là một sĩ quan tình báo quân đội Mỹ tham gia chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi. Trong một trận tập kích vào “căn cứ của Việt Cộng”, Fred thu hồi nhiều tài liệu, chọn lọc tài liệu có giá trị và đốt hết số còn lại. Tuy nhiên, khi đang đốt thì Thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu - thông dịch viên của đơn vị - cầm một cuốn sổ nhỏ tới cạnh anh và nói: “Fred, đừng đốt cuốn sổ này. Bản thân trong nó đã có lửa rồi”. Trước sự xúc động của Hiếu, Fred giữ lại cuốn sổ. Đó chính là cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Qua lời dịch thô của Hiếu, những dòng yêu thương và hy vọng đã khiến Fred vô cùng ngạc nhiên và cảm động. Trở về Mỹ năm 1972, Việt Nam trở thành nỗi ám ảnh của Fred. Nhờ người anh trai Rob, nhờ chị dâu là người Long Xuyên, nhờ Trung tâm Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Texas, và nhờ nhiều nỗ lực liên hệ nữa, cuốn nhật ký đã được trở về quê hương sau 35 năm xa cách - tựa như một câu chuyện cổ tích.
Trong cuốn Đặng Thùy Trâm và Cuốn nhật ký thứ ba, Phần II - Cây cầu bắc qua dòng sông chia cắt, đã thuật lại chi tiết hành trình này, về những người trong cuộc, về khoảnh khắc người mẹ ôm bóng hình con gái vào lòng. Câu chuyện trở về của cuốn nhật ký cũng tạo nên một chấn động mạnh không kém chính nội dung của nó. Sự trở về ấy đã trở thành biểu tượng của hòa bình, của hàn gắn, của niềm hy vọng rằng: nỗi đau rồi sẽ dần vơi.
Chia sẻ thêm về câu chuyện của hai anh em cựu binh Mỹ, bà Kim Trâm kể lại: “Ông Rob bảo tôi là ông chắc chắn ông là người đọc nhật ký chị Đặng Thùy Trâm nhiều nhất trên thế giới. Chắc ông phải đọc vài chục lần chứ không phải một hai lần. Và còn nhiều câu chuyện nhân văn khác từ những người cựu binh Mỹ nữa”.
![]() |
Cuốn sách Đặng Thùy Trâm và Cuốn nhật ký thứ ba. Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. |
Tại buổi giao lưu hôm 18/7, Tiến sĩ Hà Thanh Vân nhận định cuốn sách đã khắc họa không chỉ chân dung một con người, mà là một thời đại. Qua câu chuyện của một gia đình, của một cuốn nhật ký, tiếng vọng của nhiều thời đại đã vang lên. Bà đánh giá đây là dòng văn học quan trọng trên thế giới nhưng chưa có vị trí xứng đáng tại Việt Nam.
“Dòng văn học hồi cố hay ký ức có một khuynh hướng nghiên cứu rất đáng được trân trọng, đó là lịch sử qua lời kể. Trước giờ ta chỉ biết đến lịch sử qua tác phẩm hàn lâm. Nhưng bây giờ, chúng tôi có một hướng nghiên cứu lịch sử là ghi nhận lại lời kể của từng cá nhân, hoặc chính những người có liên quan”, bà Thanh Vân cho biết.
Khép lại cuốn sách Đặng Thùy Trâm - Cuốn nhật ký thứ ba, những gì còn ngân vang trong lòng độc giả chính là tình yêu và niềm hy vọng. Hai thứ ấy luôn nằm sâu trong trái tim chị Đặng Thùy Trâm, từ thuở thơ bé tới ngày sống giữa trận mạc. Trong một bài thơ, Đặng Thùy Trâm viết “Và ai có biết chăng ai / Tình thương đã chắp cánh dài cho ta”. Tiếng nói từ trái tim đầy ắp tình yêu thương của chị Đặng Thùy Trâm sẽ luôn nhắc nhở chúng ta tin vào tình yêu, theo ý nghĩa rộng lớn nhất của nó, dẫu trong phút êm đềm hạnh phúc hay tận cùng đau thương.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.