Đằng sau quyết định ngồi vào bàn đàm phán thuế quan của Trung Quốc

Từng tuyên bố không nhượng bộ trước áp thuế của ông Trump, Bắc Kinh nay bất ngờ cử đoàn đàm phán sang Thụy Sĩ, hé lộ nỗi lo suy thoái, áp lực quốc tế và những toan tính kín đáo.
|
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế mạnh tay lên hàng hóa Trung Quốc vào tháng trước, Bắc Kinh đã đáp trả bằng các biện pháp tương xứng. Truyền thông nhà nước Trung Quốc tràn ngập hình ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông, những bài viết chỉ trích “chủ nghĩa đế quốc” và thông điệp rằng Trung Quốc sẽ không khuất phục trước áp lực.
Tuy nhiên, theo tiết lộ từ ba quan chức am hiểu nội tình, đằng sau cánh cửa đóng kín, giới chức Trung Quốc ngày càng lo ngại về tác động của thuế quan đối với nền kinh tế cũng như nguy cơ bị cô lập, trong bối cảnh các đối tác thương mại lần lượt đàm phán riêng với Washington.
Sự xuống thang trong giọng điệu của ông Trump, cùng với nỗ lực ngoại giao từ phía Mỹ, đã thúc đẩy Bắc Kinh cử Phó thủ tướng Hà Lập Phong - người được coi là “sa hoàng kinh tế” sẽ tới Thụy Sĩ gặp gỡ đại diện phía Mỹ vào cuối tuần này.
Những rạn nứt ngoại giao và "bức thư kiêu ngạo" về fentanyl
Việc tái khởi động đàm phán không hề dễ dàng, phần lớn do tính chất căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung.
Đặc biệt, theo hai quan chức, Bắc Kinh coi một bức thư do Mỹ gửi tới các bộ ngành Trung Quốc cuối tháng 4 về vấn đề fentanyl là “kiêu ngạo” vì yêu cầu Trung Quốc thực hiện một loạt biện pháp cụ thể, bao gồm đăng thông điệp trấn áp tiền chất fentanyl trên trang nhất Nhân dân Nhật báo và gửi chỉ đạo nội bộ tới các đảng viên.
Tài liệu do Reuters tiếp cận cho thấy Mỹ cáo buộc Trung Quốc trợ cấp sản xuất tiền chất fentanyl thông qua chính sách hoàn thuế VAT - một cáo buộc mà Bắc Kinh kịch liệt bác bỏ.
Hai yêu cầu đầu tiên trong bức thư bị Trung Quốc xem là sự can thiệp vào cách vận hành bộ máy cầm quyền, gây ra sự bất bình sâu sắc. Một nguồn tin cho biết vấn đề fentanyl chắc chắn sẽ được đưa ra tại Geneva, với Mỹ dự kiến trình bày bốn yêu cầu cụ thể.
|
Bức thư Mỹ gửi cho Trung Quốc dẫn một báo cáo Quốc hội Mỹ cáo buộc Trung Quốc trợ cấp sản xuất tiền chất fentanyl qua chính sách hoàn thuế VAT. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp bị cản trở bởi những bất đồng về việc lựa chọn đại diện đàm phán.
Ban đầu, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã liên hệ với người đồng cấp Mỹ Howard Lutnick, nhưng bị từ chối vì Washington cho rằng ông “chưa đủ tầm”.
Tổng thống Trump thậm chí muốn đối thoại trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng Bắc Kinh từ chối, nhấn mạnh rằng cần có các cuộc đàm phán chi tiết trước khi lãnh đạo cấp cao tham gia.
Trong một phản hồi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định quan điểm phản đối mạnh mẽ và nhất quán đối với việc Mỹ “lạm dụng” thuế quan.
“Mỹ đã phớt lờ thiện chí của Trung Quốc và vô lý áp thuế với lý do fentanyl. Đây là hành động bắt nạt điển hình, gây tổn hại nghiêm trọng tới hợp tác song phương trong lĩnh vực kiểm soát ma túy”, tuyên bố nêu rõ.
Hội đồng Nhà nước, Bộ Thương mại Trung Quốc và Nhà Trắng từ chối bình luận ngay lập tức.
Trả lời câu hỏi của Reuters về bối cảnh dẫn đến các cuộc gặp tại Geneva, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ cùng Đại sứ quán tại Bắc Kinh “tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên với đối tác Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích người dân Mỹ”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 9/5 cũng tuyên bố Bắc Kinh hoàn toàn tự tin có thể xử lý các vấn đề thương mại với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh cách tiếp cận của chính quyền Trump là không thể kéo dài.
Sự xuống thang và vai trò của "sa hoàng kinh tế"
Sau đòn thuế mạnh từ ông Trump, Trung Quốc phản ứng cứng rắn trên truyền thông. Bắc Kinh đăng tải đoạn phim tiêm kích MiG-15 bắn rơi máy bay Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên cùng lời nhắn: “Trung Quốc không quỳ gối, vì đứng lên là giữ hy vọng hợp tác sống còn, còn nhượng bộ chỉ dập tắt điều đó”.
Tuy nhiên, kể từ ngày 30/4, giọng điệu của Bắc Kinh đã bắt đầu dịu lại. Một blog thân truyền thông nhà nước cho biết Mỹ “chủ động tiếp cận Trung Quốc qua nhiều kênh để thảo luận về thuế quan”.
Theo ông Kennedy từ CSIS, tiếp xúc giữa các cơ quan Trung Quốc, đại sứ quán tại Washington và chính quyền Trump đã tăng trong những tuần gần đây. Một số cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị IMF và Ngân hàng Thế giới cuối tháng 4, trong đó có tiếp xúc giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent - tiền đề cho cuộc gặp tại Thụy Sĩ.
Một yếu tố khác khiến Trung Quốc dè chừng là việc ông Trump công khai chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 2 - sự kiện được cho là “không thể chấp nhận được” nếu tương tự xảy ra với ông Tập, theo một nguồn tin.
|
Phó thủ tướng Hà Lập Phong - "sa hoàng kinh tế" và có kinh nghiệm đàm phán thương mại của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh hai bên hạ nhiệt thông điệp, Trung Quốc quyết định cử Phó thủ tướng Hà Lập Phong - thân tín của ông Tập và là người kế nhiệm vị đàm phán từng ký Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 năm 2019 - đại diện tại Geneva. Điều này thỏa mãn yêu cầu của Washington về một quan chức cấp cao, nhưng vẫn giúp ông Tập tránh bị tổn hại thể diện.
Về lựa chọn địa điểm, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ xác nhận họ từng đề xuất tổ chức cuộc gặp trong các cuộc tiếp xúc với cả Washington và Bắc Kinh.
Nỗi đau kinh tế
Một trong những lý do chính khiến Bắc Kinh phải nhượng bộ là những tín hiệu nội bộ cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc đang chật vật thoát phá sản và không thể thay thế thị trường Mỹ, theo ba nguồn tin am hiểu.
Các ngành chịu ảnh hưởng ngay lập tức gồm nội thất, đồ chơi và dệt may. Giới ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc cũng ghi nhận số lượng nhà máy đóng cửa, đình công và mất việc tăng ở khu vực công nghiệp phía nam.
Nhiều chuyên gia hạ dự báo tăng trưởng 2025 của Trung Quốc, trong khi ngân hàng đầu tư Nomura cảnh báo chiến tranh thương mại có thể khiến nước này mất tới 16 triệu việc làm. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuần này cũng đã phải công bố gói kích thích tiền tệ mới.
Một quan chức cho biết: “Thị trường Mỹ không thể bị thay thế nhanh chóng, vì các nước đang phát triển không thể mua số lượng lớn tương đương. Với nhiều doanh nghiệp, đây là vấn đề sống còn cần giải quyết trong vài tuần”.
|
Thuế quan của Mỹ không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn đe dọa tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khi các ngành công nghiệp như nội thất, dệt may và đồ chơi chịu ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Reuters. |
Thêm vào đó, Bắc Kinh lo ngại bị gạt khỏi bàn đàm phán khi các đối tác lớn như Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản bắt đầu đàm phán riêng với Washington.
Để cảnh báo, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố: “Nhượng bộ không thể mang lại hòa bình, thỏa hiệp không được tôn trọng, chỉ có kiên định nguyên tắc và bảo vệ công lý mới là con đường đúng đắn”.
Kỳ vọng khiêm tốn
Trong nỗ lực phản công, Trung Quốc sẽ cử Thủ tướng Lý Cường tới Malaysia cuối tháng 5 để tham dự hội nghị với nhóm quốc gia Đông Nam Á và Arab mới thành lập, theo hai nguồn tin.
Một nhà ngoại giao khu vực tại Bắc Kinh cho biết thông điệp Bắc Kinh gửi tới Đông Nam Á là: “Chúng tôi sẽ mua hàng của các bạn”.
Tại Geneva, kỳ vọng của Bắc Kinh được đánh giá là khiêm tốn. Nội bộ Trung Quốc đã hạ cấp cuộc gặp từ “đàm phán cấp cao” xuống thành “cuộc họp”, phản ánh quan điểm rằng đây chủ yếu là dịp để nghe yêu cầu và giới hạn từ phía Mỹ, sau nhiều tuần thông điệp thiếu nhất quán từ ông Trump và chính quyền.
Tuy nhiên, một quan chức cho biết Bắc Kinh vẫn có thể sử dụng “hộp công cụ đa dạng” bao gồm cam kết mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ - giống như thỏa thuận năm 2019.
Ngoài ra, các mặt hàng nông sản cũng có thể được đưa vào bàn đàm phán. Thời điểm đó, Trung Quốc từng cam kết tăng mua nông sản Mỹ thêm 32 tỷ USD trong hai năm.Các vấn đề khác như bãi bỏ miễn thuế “de minimis” cho hàng hóa dưới 800 USD hay việc bán TikTok cũng có thể được đề cập, nhưng không đóng vai trò trung tâm trong cuộc gặp cuối tuần này, theo giới chức Trung Quốc.Những cuốn sách để hiểu về Trung QuốcMục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.Độc giả có thể xem thêm tại đây.