Đằng sau chuyện cô gái hốt hoảng tìm lại tờ tiền kỷ vật của ngoại

Mạng xã hội chia sẻ câu chuyện người cháu gái nhất quyết tìm lại tờ tiền là kỷ vật bà ngoại tặng, sau khi bạn trai của cô vô tình đưa cho shipper. Đằng sau câu chuyện là tình thương vô bờ người bà quá cố dành cho cháu.
Câu chuyện được chia sẻ với nội dung trước khi bà ngoại rời xa cõi tạm có dúi cho cháu gái một tờ tiền. Người cháu luôn giữ tờ tiền, để sau ốp điện thoại như một kỷ vật, xem như bà vẫn luôn ở cạnh. Nhưng khi nhận hàng mua online, bạn trai của người cháu vô tình lấy đúng tờ tiền bà cho để gửi anh shipper. Lúc phát hiện, nước mắt cô chực trào, nhắn lại người giao hàng xin nhận lại tờ tiền bằng mọi giá.
Tờ tiền kỷ vật 100.000 đồng
Cô gái trong câu chuyện trên là Lê Nguyễn Giao Quỳnh (23 tuổi, quê ở Phú Yên). Quỳnh cho biết từ ngày cô đi học xa nhà, bà ngoại luôn lấy tiền dành dụm được để cho cô và em trai. Cách đây không lâu, bà đau dạ dày, khối u phát triển mạnh khiến bà không thể đi lại và nhìn thấy ánh sáng.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, bà đã yếu, mỗi ngày chỉ uống được vài muỗng sữa và ít cháo để cầm chừng, khối u khiến bà đau đớn nên không nói được. Bà ra hiệu cho mẹ của Quỳnh lấy tiền trong túi đưa cho bà để trao tận tay cháu gái. Quỳnh từ chối nhưng bà dúi mạnh và cầm chặt tay cháu, cố gắng chỉ nói được từ "bye" - từ cuối cùng Quỳnh nghe được từ bà. 5 ngày sau, bà mất trong niềm xót thương vô hạn của con cháu.
Bạn trai của Quỳnh là bộ đội, thường xuyên ở đơn vị. Hôm xảy ra việc gửi nhầm tờ tiền kỷ vật là thời điểm hai người gặp nhau. Lúc đó Quỳnh bận rửa chén nên có nhờ bạn trai nhận hàng, thanh toán và sẽ gửi lại tiền sau. Bạn trai Quỳnh nghe nhầm, lấy tiền ở ốp điện thoại ra trả nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc.
"Mình giật mình, hốt hoảng khi không còn tờ tiền, chân tay bủn rủn vì đó là kỷ vật quý giá từ bà. Mình tìm lại số điện thoại của shipper, nếu họ đổi với giá trị lớn hơn cũng chấp nhận bởi tờ tiền có giá trị tinh thần lớn lao. Thật may, anh shipper tốt bụng sốt sắng tìm lại được tờ tiền đó", Quỳnh kể lại.
Tấm gương cho con cháu
Với Quỳnh, bà là người hiền từ và yêu thương con cháu. Ba mẹ Quỳnh là công chức, không được nghỉ nhiều nên từ bé bà đã chăm sóc, nuôi nấng cô. Sau này, dù lúc đau ốm hay khỏe mạnh, bà ngoại vẫn hỏi han và động viên cháu cố gắng. Mỗi lần bạn trai Quỳnh đến thăm, bà đều căn dặn yêu thương cháu gái.
Một tháng trước khi rời cõi tạm, bà hay cáu gắt, nhạy cảm, ai cũng xót xa với những đau đớn bà phải trải qua. Khi Quỳnh áp mặt bên vai, bà gồng tay, xoa đầu, thơm trán như một cách xin lỗi do trước đó đã vô tình quát mắng cháu.
"Trước đây, mình phải vào ở hẳn trong thị trấn để tiện việc học, bà đi cùng chăm sóc mình và em trai. Ba bà cháu ở một nhà, hằng ngày bà nấu ăn, quét dọn sân nhà để chờ hai cháu về ăn cùng. Bà luôn bảo bà ăn rau củ cho thanh đạm. Lúc đó còn bé mình vô tư không biết bà muốn nhường thịt cá, đồ ăn ngon cho hai đứa cháu", Quỳnh bộc bạch.
Hồi Quỳnh còn bé, bà dạy cách gội đầu; lớn chút nữa được dạy rửa chén, nấu ăn, dạy cách tự bảo vệ mình, cư xử đúng mực, độc lập. Với cháu gái, bà ngoại không chỉ là bà mà còn là một người mẹ, người bạn tâm giao đặc biệt.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến (45 tuổi), mẹ của Quỳnh, cũng khóc thương nhớ mẹ. "Mẹ tôi suốt đời vì con cháu, đến ngày mất vẫn dành tình thương cho cháu. Lúc mẹ còn khỏe có dặn tôi yêu thương, che chở các con, không quát mắng mà hãy nhẹ nhàng chỉ bảo để các cháu trưởng thành", bà Yến trải lòng.