Nhảy đến nội dung
 

Đang nâng mũi, người phụ nữ trẻ bất ngờ sốc phản vệ nặng

Người phụ nữ 28 tuổi bị sốc phản vệ nặng sau gây mê khi nâng mũi, suy đa tạng đã được cứu sống nhờ áp dụng kỹ thuật ECMO.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM), các bác sĩ tại đây vừa cứu sống bệnh nhân sốc phản vệ nặng.

Trước đó, ngày 22/4, chị N.T.N (28 tuổi) làm phẫu thuật nâng mũi tại một bệnh viện thẩm mỹ ở TPHCM. Gần cuối ca mổ, khi đang trong giai đoạn gây mê, chị N. đột ngột xuất hiện các dấu hiệu nguy kịch: thở nhanh, co kéo cơ hô hấp, huyết áp tụt mạnh và độ bão hòa oxy máu giảm nghiêm trọng. 

Nhận định đây là trường hợp sốc phản vệ nặng, ê-kíp phẫu thuật lập tức xử trí theo phác đồ cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng sốc và suy hô hấp của người bệnh không cải thiện, buộc phải chuyển viện khẩn cấp đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Tại Khoa Cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán chị N. tổn thương đa tạng bao gồm cơ tim và phổi, liên quan sốc phản vệ. Chỉ trong 30 phút, bác sĩ Khoa Hồi sức Tim mạch đã kịp thời can thiệp bằng kỹ thuật V-AV ECMO.

Sau 3 ngày, tình trạng sốc tim và tổn thương cơ tim của chị N. cải thiện rõ rệt, tổn thương phổi cũng dần phục hồi. Đến ngày thứ 4, người bệnh được ngưng ECMO và tiếp tục điều trị tích cực. Sau 8 ngày, chị N. xuất viện với các chức năng tạng gần như trở lại bình thường. 

Thạc sĩ, bác sĩ Võ Văn Trắng, Khoa Hồi sức Tim mạch, cho biết, người bệnh trên đồng thời bị sốc tim và tổn thương phổi nặng không đáp ứng với thông khí xâm lấn thông thường, việc đặt ECMO là lựa chọn tối ưu. Đây là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và kinh nghiệm từ các thành viên ê-kíp. Nếu chậm trễ, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể xảy ra trong vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như thuốc, nhựa mủ, nọc độc, ong chích, kiến đốt,… hay những thực phẩm hằng ngày không phù hợp với cơ thể mỗi người như cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, khoai tây, lạc, đậu nành.

Đây là cấp cứu quan trọng, tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ.