Đàn ông có nguy cơ tử vong cao hơn vì hội chứng 'trái tim tan vỡ'

Hội chứng 'trái tim tan vỡ' xảy ra do căng thẳng về mặt thể chất cũng như cảm xúc. Theo nghiên cứu mới đây, đàn ông có nguy cơ tử vong vì hội chứng này cao gấp đôi phụ nữ.
Việc mất đi người thân yêu, dù ở mức độ nào như chia tay, ly hôn hay người thân qua đời, là trải nghiệm khá đau thương đối với hầu hết mọi người. Trong một số trường hợp, trải nghiệm này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Mặc dù hầu hết đều có thể bình phục sau nỗi đau nhưng một số nhỏ có thể chết vì hội chứng "trái tim tan vỡ".
Mới đây, một nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới có nguy cơ tử vong cao gấp đôi phụ nữ vì hội chứng này, theo trang IFLScience ngày 15-5.
Tên gọi chính thức của hội chứng này là bệnh cơ tim Takotsubo, có thể xảy ra khi người bệnh trải qua cảm xúc cực độ. Ngoài ra, hội chứng "trái tim tan vỡ" cũng có thể xảy ra ở những người có vấn đề về thể chất, chẳng hạn trải qua phẫu thuật hay đột quỵ.
Trong cả hai trường hợp, khi chịu áp lực đột ngột, cơ thể sẽ giải phóng một lượng lớn hormone căng thẳng, chẳng hạn như cortisol và adrenaline, gây áp lực cho tim.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí BMJ năm 2017 của giáo sư y học tim mạch Dana Dawson - làm việc tại Đại học Aberdeen (Anh), phụ nữ gặp hội chứng "trái tim tan vỡ" thường xuyên hơn nam giới. Nhiều người sẽ nhanh chóng bình phục nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona (Mỹ) đã phân tích dữ liệu của gần 200.000 người trưởng thành Mỹ đã nhập viện vì bệnh cơ tim Takotsubo trong giai đoạn năm 2016 - 2020.
Kết quả phân tích xác nhận các nghiên cứu trước đây về việc phụ nữ gặp phải tình trạng này nhiều hơn nam giới. Theo dữ liệu trên, 83% các ca nhập viện là phụ nữ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy một xu hướng liên quan đến tuổi tác mà trước đây chưa được biết đến.
Nhóm nhận thấy tỉ lệ mắc bệnh tăng đột ngột ở nhóm tuổi từ 46 - 60 so với nhóm tuổi từ 31 - 45, trong đó nhóm tuổi lớn hơn có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn từ 2,6 - 3,25 lần.
Theo nhóm nghiên cứu, sự gia tăng đột ngột này có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có mức độ căng thẳng, thay đổi mức nội tiết tố, thay đổi trong việc tiêu thụ rượu bia, thuốc lá hoặc các bệnh không được điều trị như tăng huyết áp.
Ngoài ra, kết quả phân tích cũng cho thấy nam giới có khả năng tử vong vì hội chứng "trái tim tan vỡ" cao gấp hai lần so với phụ nữ. Nhóm vẫn chưa hiểu rõ lý do của việc này. Trong khi phụ nữ có xu hướng mắc hội chứng này sau khi trải qua các sự kiện gây cảm xúc cực đoan thì nam giới có xu hướng bệnh do các sự kiện liên quan đến thể chất.
Tiến sĩ Mohammad Movahed , tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng nam giới có thể gặp khó khăn trong việc bình phục vì họ thường không có đủ sự hỗ trợ của xã hội để giải quyết căng thẳng. Nhóm kêu gọi thêm các nghiên cứu chuyên sâu về hội chứng này, đặc biệt là cách quản lý và cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of the American Heart Association.