Đàn ngân trong gió: Những khúc ca độ lượng vang lên thời hậu chiến

Không có những trận đánh long trời lở đất, không nặng nề chuyện thắng - thua, Đàn ngân trong gió của Từ Nguyên Thạch khai thác những khía cạnh bình dị, nhân văn của con người trong chiến tranh, về ngày hòa bình không còn hận thù.
Tác giả Từ Nguyên Thạch ra mắt truyện dài hư cấu Đàn ngân trong gió (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành) nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông chia sẻ Đàn ngân trong gió nên đọc với tâm thế ươm mầm yêu thương, xóa hận thù, tiến tới hòa hợp, hòa giải, trước hết từ gia đình nhỏ.
Ngày đoàn tụ có nụ cười và nước mắt
Tác giả Từ Nguyên Thạch khởi viết Đàn ngân trong gió từ năm 2022. Khi ấy, ông viết được hai chương thì dừng lại bởi ông cho rằng đề tài về chiến tranh gắn với một giai đoạn lịch sử của đất nước nên đòi hỏi sự trung thực cao.
"Với sự hiểu biết và kiến văn còn hạn hẹp, tôi tự nhủ liệu những gì mình viết ra có hoàn toàn đúng. Vậy nên dừng viết", ông Thạch nhớ lại.
Đến cuối năm 2023 tình cờ đọc lại bản thảo, niềm hứng khởi sáng tác lại tiếp tục và lần này ông tự nhủ cứ viết trung thực với lòng mình là được.
Ông Thạch kể một nhà phê bình văn học động viên ông rằng sách viết về đề tài chiến tranh hiện nay không phải là ít.
Nhưng phần lớn người viết trực tiếp hay gián tiếp có dự phần vào cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, thể hiện cái nhìn của "bên cách mạng".
Và thiếu cây bút là người dân bình thường, thể hiện cuộc chiến qua cái nhìn của họ.
"Với Đàn ngân trong gió, tôi viết với thân phận một người dân ở trong vùng được gọi là "tạm chiếm".
Tôi không trực tiếp tham gia vào cơn cuồng phong của lịch sử nhưng trong gia đình, dòng họ có người tham gia, cả bên này và bên kia", ông Thạch giải thích.
Ngày chấm dứt chiến tranh, những người thân của ông Thạch ở cả hai phía trở về, ngồi bên nhau. Điều đầu tiên ông thấy là không có bên nào thắng cuộc: "Ngày đoàn tụ có nụ cười và cả nước mắt. Nụ cười cho người trở về và nước mắt cho người ra đi mãi mãi...".
Trong góc độ một người thân và một người dân, tác giả cho biết ông cố gắng viết một cách trung thực nhất về những người trong gia đình, dòng họ. Và ông hy vọng câu chuyện sẽ giúp những người trong gia đình ông thấu hiểu, thương yêu nhau hơn.
"Mọi hiểu lầm, thù hận nếu có từ nay không còn. Từ gia đình hòa hợp đến dân tộc hòa hợp, hòa giải là ước mơ lòng tôi hướng tới", ông Thạch bày tỏ.
Biểu tượng gợi mở về khát vọng hòa bình, hòa giải
Trong 18 chương của tập truyện, tác giả kể những câu chuyện của một gia đình, dòng họ ba thế hệ sống trong những giai đoạn lịch sử biến động của đất nước.
Tác phẩm khắc họa rõ nét những thân phận bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh. Người tập kết ra Bắc, người tham gia cách mạng chống Mỹ, cứu nước, người làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Không chỉ tàn phá làng quê vốn dĩ thanh bình, chân chất và đằm thắm, cơn bão chiến tranh trong tập truyện còn chia cắt những mối quan hệ ruột thịt thiêng liêng. Vì thời cuộc và hoàn cảnh không mong muốn, có khi họ phải chấp nhận xa nhau.
Ở chương Đàn ngân trong gió, Hỷ - Ái là hai anh em ruột thành hai kẻ khác chiến tuyến vì chiến tranh, thời cuộc.
Câu chuyện trớ trêu, ngược đời nhưng theo tác giả: "Hồi chiến tranh khá phổ biến ở quê tôi. Và có lẽ cũng khá phổ biến ở nhiều miền quê khác của khúc ruột miền Trung".
Điểm nổi bật của truyện dài nằm ở việc vận dụng tối đa những biểu tượng giàu sức gợi, mang tính ẩn dụ cho khát vọng hòa bình, hòa giải.
Tác giả Từ Nguyên Thạch sử dụng những chi tiết biểu tượng, chẳng hạn như: tiếng đàn, phiến đá, cái mắt kính gọng vàng... để làm điểm tựa và khắc họa thông điệp muốn truyền tải.
Như phiến đá trong chương Phiến đá màu vân xám tựa như nhân chứng cho sự nhân ái của ông nội khi đứng ra chôn cất "người phía bên kia" ngay trong vườn nhà mình do súng nổ, để rồi ông cũng đã nhận lại một điều nhân từ bất ngờ không kém...
Hay đó là Hỷ - sau chiến tranh - vẫn ôm đàn hát như ba mình ngày xưa. Cây đàn vẫn ngân lên những tiếng trầm tiếng bổng, tiếng dài tiếng ngắn, tiếng vui tiếng buồn, có chăng tựa như những khúc ca độ lượng vang lên thời hậu chiến.