Nhảy đến nội dung

Dân chủ và tinh gọn, hiệu quả - nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Mô hình nhà nước vì dân

Sự gắn bó không thể tách rời và tình yêu sâu nặng dành cho nhân dân đã làm mọi tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều xoay quanh chữ 'dân' và hướng tới lợi ích của dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước dân chủ và tinh gọn, hiệu quả là minh chứng sinh động cho tấm lòng vì dân và tư duy tổ chức khoa học của Người.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn để tâm khảo sát các mô hình nhà nước trên thế giới, bởi chính quyền nhà nước luôn là vấn đề cơ bản của cuộc cách mạng, là "thước đo" bản chất chế độ.

Giao quyền cho "số nhiều"

Sau khi nghiên cứu xã hội tư bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy, nhà nước tư sản, dù là thể chế Cộng hòa Tổng thống hay Cộng hòa Nghị viện, tựu chung, đều là nhà nước của "số ít", hướng tới sự bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản.

Khi sang Liên Xô, Người đánh giá cao việc chính quyền Xô viết "phát đất ruộng cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền, ra sức tổ chức kinh tế mới để thực hành chủ nghĩa thế giới đại đồng", tức là bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động. Từ thực tế đó, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh viết: "Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mạng rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc".

Tháng 5.1941, tại Hội nghị Trung ương 8, Hồ Chí Minh và Đảng ta quyết định khi cách mạng thành công, "sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Mặt khác, sau khi nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, Hồ Chí Minh đã canh cánh nỗi lo về sự tha hóa của đội ngũ cán bộ, công chức. Bằng chứng là trong bối cảnh "thù trong giặc ngoài", có cán bộ hỏi Hồ Chí Minh rằng, trong mấy loại giặc đang đe dọa nước ta thì Người sợ giặc nào nhất? Người đã bật ngay ra câu trả lời như đã có trong tiềm thức: "Sợ nhất các chú"[1], bởi quyền lực dễ làm cán bộ hư hỏng. Nếu không ngăn chặn, để cán bộ trở thành "quan cách mạng" thì người phải gánh chịu mọi nhũng nhiễu từ phía chính quyền sẽ là nhân dân - những người đã phải hy sinh xương máu để dựng lên hình hài Tổ quốc và làm nên thắng lợi của cách mạng. Luôn lấy lợi ích của dân làm mục tiêu chính trị, Hồ Chí Minh nỗ lực xây dựng nhà nước dân chủ với đặc tính của dân, do dân, vì dân.

Bàn về Nhà nước của dân, Hồ Chí Minh giải thích: Nhà nước của dân nghĩa là mọi quyền hành và lực lượng thuộc về nhân dân; nhân dân sẽ làm chủ Nhà nước dưới 2 hình thức là trực tiếp và gián tiếp, tức thông qua việc bầu ra các đại biểu thay mình điều hành đất nước. Cuộc bầu cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc (6.1.1946) để bầu ra Quốc hội khóa I chính là để đảm bảo quyền làm chủ gián tiếp của nhân dân.

Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, nhà nước của dân thì dân mới là chủ sở hữu quyền lực; chính quyền chỉ là cơ quan được dân ủy thác quyền lực để phục vụ dân. Do đó, cán bộ phải "làm đầy tớ cho dân" và tuyệt đối không được biến quyền dân trao thành quyền lực cá nhân. Đặc biệt, Người còn nhấn mạnh: Dân là người chủ của chính quyền nên người dân có quyền kiểm soát chính quyền, "nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ". Hồ Chí Minh còn khẳng định: Trong nhà nước của dân, dân có quyền làm mọi việc trong phạm vi pháp luật cho phép và Nhà nước có trách nhiệm xây dựng các thiết chế đảm bảo quyền làm chủ và trách nhiệm làm chủ của người dân. Người nói rõ: "Ủy ban nhân dân là ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó"[2]. Trên mảnh đất quân chủ kéo dài hàng ngàn năm, Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa nhân dân lên vị thế làm chủ.

Hồ Chí Minh cũng khẳng định, Nhà nước của ta là nhà nước do dân vì sự ra đời, tồn tại của nhà nước là do sự phấn đấu, hy sinh, đóng góp của người dân về mọi phương diện. Cụ thể nhất là nhân dân đã trực tiếp bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, để từ đó ra đời các cơ quan hành pháp và tư pháp. Mặt khác, vì là nhà nước do dân nên dân phải có trách nhiệm làm chủ, giữ đúng đạo đức công dân. Nếu nhà nước xấu, cán bộ xấu thì một phần cũng là do người dân thực hiện quyền làm chủ, cụ thể là quyền bầu cử, góp ý phê bình, kiểm soát nhà nước chưa tốt.

Phải lấy chữ "liêm" làm đầu

Mối quan tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh là hạnh phúc, lợi ích của dân nên Người bàn rất nhiều về nhà nước vì dân, về phương châm "sao cho được lòng dân". Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Người đã gửi thư căn dặn chính quyền các cấp là "các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người"[3].

Muốn đảm bảo đặc tính "nhà nước vì dân" thì tất cả cán bộ nhà nước phải "nằm lòng" nguyên tắc "việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh". Để vì dân thì Nhà nước phải kiên quyết chống đặc quyền, đặc lợi vì "đặc quyền, quan quyền" hoàn toàn đối lập, tỷ lệ nghịch với "dân quyền". Để vì dân thì cán bộ phải thực hành cần kiệm liêm chính. Người căn dặn: "Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân "[4]. Người còn giải thích: Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, đồ vật chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của dân nên thương dân thì cán bộ tuyệt đối không được có tư tưởng "nước sông, công lính" mà phải ra sức thực hành tiết kiệm.

Hết lòng chăm lo cho lợi ích của nhân dân nên Hồ Chí Minh yêu cầu, "những người trong công sở phải lấy chữ "liêm" làm đầu"[5], bởi nếu thiếu đức liêm thì họ sẽ thành "sâu mọt của dân". Là người luôn nói đi đôi với làm, ngay sau Cách mạng tháng Tám, với tư cách người đứng đầu Chính phủ, Hồ Chí Minh tuyên bố: "Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết"[6]. Lời cam kết của Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ công chức tuyệt đối không được tơ hào từ "cái kim, sợi chỉ" của dân và phải hết sức thận trọng trong việc chi dùng công quỹ. Xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ là "làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc"; cho nên, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, thực hiện dân quyền là các công việc cần kíp mà chính phủ phải làm.

Tư tưởng về Nhà nước dân chủ là điểm ngời sáng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng và thực tiễn kiên trì xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân của Hồ Chí Minh là một cơ sở quan trọng để thế giới thừa nhận: "Nói tới một con người mà cả cuộc đời mình đã để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Hồ Chí Minh"[7]. Khi tất cả những gì thực sự thuộc về nhân dân đều vĩ đại, trường tồn thì tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước phục vụ nhân dân luôn có sức sống lâu bền và giá trị gợi mở, dẫn dắt.

[1] Xem: Trịnh Tố Long: "Sức sống của tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", link truy cập: http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/suc-song-cua-tac-pham-sua-doi-loi-lam-viec-448411, ngày cập nhật: 18.5.2012, ngày truy cập: 14.5.2025.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, 2011, t.4, tr.22.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.21.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.122.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.123.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.478.
[7] Hồ Chí Minh - Một người châu Á của mọi thời đại, NXB CTQG, 2010, tr.101.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn