Dân Bali lo ngại

Làn sóng người nước ngoài và dân du mục kỹ thuật số đổ về Bali (Indonesia) khiến người dân địa phương lo ngại về kịch bản tỷ lệ tội phạm tăng cao.
![]() |
Người dân địa phương cho biết làn sóng khách nước ngoài đổ xô tới Bali kể từ đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Người dân Bali cho biết chất lượng du khách đến Bali đã thay đổi kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Họ nhận thấy làn sóng “Tây ba lô”, dân du mục kỹ thuật số và người nước ngoài đổ xô tới Bali đang tạo điều kiện cho tội phạm phát triển mạnh mẽ trên hòn đảo vốn nổi tiếng với sự bình yên.
Theo chính trị gia Agung Bagus Pratiksa Linggih, lượng khách lưu trú dài hạn với ngân sách hạn hẹp đã gia tăng trong những năm kể từ đại dịch Covid-19, trong khi cơ sở hạ tầng địa phương chưa đáp ứng kịp.
“Chất lượng du khách đến Bali đang giảm sút, một phần do sự phát triển nhanh chóng của các homestay bất hợp pháp, cho phép người nước ngoài ở lại Bali lâu hơn với kinh phí thấp hơn”, Guardian dẫn lời ông cho hay.
Tội phạm người nước ngoài có xu hướng tăng
Paul Werner - chủ quán PaD Bar and Grill ở Kuta, sống cùng gia đình tại Bali suốt 10 năm qua - đồng tình hòn đảo này đã chứng kiến nhiều sự thay đổi từ đại dịch Covid-19.
“Tội phạm thường xảy ra ở những nơi đông khách du lịch, chủ yếu do nhiều người phương Tây say xỉn không biết cách kiềm chế cơn say và gây gổ vô cớ”, anh Werner - từng sống ở Adelaide trước khi chuyển đến Bali - cho biết. “Liệu (tình hình tội phạm ở đây) đang dần tồi tệ hơn, hay do số người Australia tới đây ngày càng tồi tệ hơn?”.
Hồi tháng 6, Bali rung chuyển bởi vụ Zivan Radmanovic - 32 tuổi đến từ Melbourne - bị giết bằng súng. Cảnh sát Bali đã buộc tội giết người với 3 người Australia. Mặc dù nhận định vụ giết người có chủ đích, cảnh sát vẫn đang điều tra.
![]() |
Mỗi tháng Bali đón khoảng 500.000 khách du lịch. Ảnh: Reuters. |
Mối quan hệ giữa Bali và Australia từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi những người Australia có hành vi không chuẩn mực. Đôi khi, mọi chuyện còn nghiêm trọng tới mức liên quan đến ma túy và tội phạm, từ những tay “lướt sóng” buôn lậu để trang trải chuyến đi cho đến các vụ xét xử chấn động của Schapelle Corby và nhóm Bali Nine.
Jan Laczynski là công dân Australia, mất 5 người bạn trong vụ đánh bom ở Bali hồi năm 2002. Mặc dù hầu hết người dân địa phương và khách du lịch vẫn cảm thấy an toàn, anh cho rằng tội phạm có tổ chức đang ngày càng lộ liễu.
“Bali chưa từng xảy ra xả súng. Nhiều người thắc mắc (thủ phạm) lấy súng từ đâu. Liệu có một thị trường ngầm nào đang âm thầm hình thành không?”, anh chia sẻ.
Indonesia là một trong nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia, vào năm 2023, Bali chỉ ghi nhận 3 vụ phạm tội liên quan tới súng. Tỷ lệ giết người ở Indonesia là 0,4/100.000 người tính đến năm 2017, chưa bằng một nửa con số ở Australia.
Tuy nhiên, theo cảnh sát Bali, số người nước ngoài phạm tội tăng 16%, 226 người năm 2024 so với 194 người năm 2023. Các hành vi phạm tội cũng trải dài từ tội phạm mạng, ma túy, bạo lực đến gian lận đất đai.
"Cần chất lượng, không phải số lượng"
Nhà hoạt động xã hội Piter Panjaitan cho biết người dân địa phương ngày càng lo lắng. "Chúng tôi tìm thấy các phòng điều chế ma túy đá, chứng kiến cảnh cướp xông vào biệt thự, lừa đảo tiền điện tử, gian lận tài sản và trộm cắp tại cây ATM, thường liên quan đến các nhóm người Nga hoặc Đông Âu", ông nói.
Ông nhận định nguyên nhân đến từ mô hình du lịch mở cửa của Bali và khát khao vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
"Tình trạng tham nhũng, yếu kém trong thực thi pháp luật và nhập cảnh dễ dàng khiến nơi đây trở thành thiên đường cho một số tội phạm", ông nói.
Ông kêu gọi giới chức thắt chặt khâu nhập cư, đào tạo thêm cho cảnh sát tại các khu du lịch và hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan nước ngoài. "Chúng ta cần du lịch chất lượng, chứ không chỉ số lượng", ông Panjaitan nói.
![]() |
Bali là hòn đảo nổi tiếng với sự bình yên. Ảnh: Reuters. |
Giáo sư tội phạm học Adrianus Meliala tại Đại học Indonesia nhận định Bali có thể sớm chứng kiến tỷ lệ tội phạm có tổ chức gia tăng: “Cơ cấu dân số đang thay đổi, với nhiều người ngoại quốc định cư lâu dài, một số cá nhân mang theo xung đột và các yếu tố tội phạm từ quốc gia của họ”.
Ông Meliala cho biết Bali là lựa chọn hấp dẫn cho các nhóm tội phạm từ Australia bởi “gần, giá rẻ và lực lượng thực thi pháp luật còn lỏng tay”: “Tội phạm có tổ chức giờ không chỉ là khủng bố hay buôn người, mà còn lan rộng hơn nữa”.
Theo Cục Thống kê Indonesia, khoảng 500.000 du khách đến Bali mỗi tháng, trong khi số lượng dân du mục kỹ thuật số có xu hướng tăng. Chính quyền hy vọng sẽ đạt kỷ lục 6,5 triệu khách quốc tế trong năm 2025, và đang gấp rút hoàn thiện nhiều công trình cơ sở hạ tầng.
Trưởng làng Munggu, ông I Ketut Darta, cho biết trong năm qua có tới 400 biệt thự được xây dựng, trong đó nhiều biệt thự có chủ ngoại quốc. Tình trạng này đang xóa sổ phần lớn đất ngập nước nông nghiệp của hòn đảo. Nhiều tòa nhà đang xây dở nằm rải rác xung quanh vùng đất trồng lúa và rừng dừa.
Ông Darta lo ngại sự thay đổi chóng mặt và dòng người nước ngoài đổ về Bali có thể ảnh hưởng tới an ninh khu vực, nơi bạo lực cực kỳ hiếm gặp. “Ở đây chưa bao giờ xảy ra nổ súng, thậm chí đánh nhau cũng rất hiếm”, ông nói. “Chúng tôi tuần tra làng 24/24 giờ. Du lịch là nguồn sống của chúng tôi, và chúng tôi phải bảo vệ nó".
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Tri Thức - Znews giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.