Nhảy đến nội dung

Đàm phán Mỹ - Nhật: Bài test đầu tiên trong chiến lược của ông Trump

Mỹ và Nhật Bản đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận thương mại tạm thời, song nhiều vấn đề gai góc vẫn tồn tại. Có khả năng hai nước không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Đàm phán thương mại của Mỹ với Nhật khiến giới quan sát nghi ngờ tham vọng “90 thỏa thuận trong 90 ngày” của ông Trump và lo ngại làn sóng trả đũa từ Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Dù Nhà Trắng ban đầu phát đi tín hiệu cho thấy một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản sắp được ký kết, vòng đàm phán tại Washington tuần trước kết thúc mà không đạt kết quả nào.

Diễn biến này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng hiện thực hóa tham vọng “90 thỏa thuận trong 90 ngày” của Tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh Nhật Bản vẫn tỏ ra dè dặt và thận trọng trước cuộc bầu cử trong nước, còn các đối tác khác như Trung Quốc thì phản ứng gay gắt với chiến lược thương mại mang tính đối đầu của Washington.

Trước chuyến thăm của trưởng đoàn đàm phán thương mại Nhật Bản, Nhà Trắng đã úp mở rằng một thỏa thuận đang ở rất gần. Giới quan sát thậm chí kỳ vọng Tokyo có thể giành được lợi thế “đi trước một bước” như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent từng tuyên bố - nghĩa là đạt được các điều kiện có lợi khi là quốc gia đầu tiên đồng ý ký với chính quyền Trump.

Tuy nhiên, Ryosei Akazawa – Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản – đã trở về nước mà không mang theo bất kỳ thỏa thuận nào. Trả lời báo giới, ông cho biết đã kêu gọi phía Mỹ xem xét lại hành động “vô cùng đáng tiếc” của họ.

Thủ tướng Nhật Bản cũng chỉ một ngày trước đó lên tiếng cho rằng ông vẫn “rất lo ngại” về một số chính sách mới được công bố từ Nhà Trắng.

Một nội dung then chốt khác trong chuyến thăm tuần này là cuộc gặp giữa ông Bessent và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato tại Washington, nơi đề xuất nâng giá đồng yen có thể được đưa ra bàn thảo – nhưng nhiều khả năng sẽ bị phía Mỹ bác bỏ, theo nguồn tin của Reuters.

Thông điệp mâu thuẫn từ Washington

Sự dè dặt của Nhật Bản hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố đầy lạc quan từ phía Mỹ. Tổng thống Trump khẳng định hai bên đã đạt “tiến triển lớn” trong đàm phán, trong khi Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick tuyên bố ông Trump đang “hoàn toàn nắm thế thượng phong” và rằng “các cuộc gặp với hơn 75 quốc gia đang diễn ra liên tục”.

Nhưng chính sự mâu thuẫn trong thông điệp đã khiến giới phân tích nghi ngờ liệu cam kết “90 thỏa thuận trong 90 ngày” của ông Trump có khả thi hay không, Fortune nhận định.

thuong mai toan cau anh 1

Chính quyền Trump đã có những tuyên bố lạc quan về tiến trình đàm phán thuế quan của Mỹ và các quốc gia khác trong vòng 90 ngày. Ảnh: Reuters.

Hai chiến lược gia của ngân hàng Macquarie – Thierry Wizman và Gareth Berry – trong một ghi chú gửi nhà đầu tư cho biết tâm lý bi quan đang khiến đồng USD mất giá, xuất phát từ lo ngại về các bất ổn trong đàm phán song phương.

“Chúng tôi cùng nhiều nhà quan sát khác từng kỳ vọng Nhật Bản sẽ là phép thử đầu tiên cho một thỏa thuận sớm”, họ viết. “Nhưng cuối cùng, vòng đàm phán song phương Mỹ - Nhật lại kết thúc mà không có bất kỳ khung thỏa thuận nào được định hình”.

“Hiện vẫn chưa rõ những điểm mấu chốt còn vướng mắc là gì – có thể là yêu cầu Mỹ tiếp cận thị trường nông sản Nhật Bản, yêu cầu điều chỉnh tỷ giá đồng yên, tăng chi tiêu quân sự tại Nhật hay buộc Nhật mua thêm khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ”, các chiến lược gia cho biết.

Cuộc chơi dài hơi

Trong khi Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – đang gia tăng áp lực để buộc các đồng minh phải nhượng bộ, thì nhiều yếu tố địa chính trị lại khiến các đối tác ngần ngại đặt bút ký kết.

Đáng chú ý, Trung Quốc vừa cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào “đi ngược lợi ích của Trung Quốc” sẽ phải hứng chịu hậu quả. Với việc Mỹ đang tăng thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc – lên tới 145% – thì việc ký kết thỏa thuận thương mại với Washington đồng nghĩa với nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ thỏa thuận nào gây tổn hại đến lợi ích của nước này. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc chắc chắn sẽ không chấp nhận và sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả cứng rắn”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.

thuong mai toan cau anh 2

Phía Bắc Kinh tuyên bố lập trường cứng rắn về chính sách thương mại của Mỹ, trong khi Nhà Trắng đang xem xét cắt giảm thuế quan đối với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Các chiến lược gia của Macquarie cũng chỉ ra rằng áp lực chính trị nội bộ là lý do khiến nhiều lãnh đạo không muốn tỏ ra nhân nhượng với Mỹ vào thời điểm này.

“Điều đáng lo ngại hơn là Thủ tướng Nhật Bản đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 20/7 – đúng vào thời điểm kết thúc giai đoạn ân hạn thuế 90 ngày. Điều này có thể khiến ông buộc phải giữ lập trường cứng rắn với Mỹ cho đến khi cuộc bầu cử kết thúc”, các chiến lược gia phân tích.

“Dù thế nào, các diễn biến xoay quanh đàm phán Mỹ - Nhật tuần trước cho thấy các cuộc thương lượng song phương của Mỹ với tất cả các đối tác khác cũng sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 7, tiếp tục đẩy cao mức độ bất định về khả năng hai bên nhượng bộ”, họ cho biết thêm.

Trong một đáng chú ý gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc cắt giảm thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - trong một số trường hợp, mức cắt giảm là hơn một nửa. Điều này được xem là dấu hiệu nhượng bộ từ phía Washington, nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Kinh.

Trả lời báo chí tại Phòng Bầu dục, ông Trump nhận định 145% là "mức thuế rất cao" và sẽ không giữ nguyên ở con số hiện tại, đồng thời bày tỏ sự lạc quan rằng một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể giảm đáng kể mức thuế này.

Giới đầu tư từng kỳ vọng lạc quan rằng việc ký kết thỏa thuận có thể diễn ra chóng vánh, nhưng giờ đây, với những thay đổi khó đoán từ phía Mỹ, Wizman và Berry cho rằng thị trường nên chuẩn bị cho một chặng đường dài và phức tạp.

“Các đối tác thương mại của Mỹ có thể đang cố trì hoãn, chờ đợi nền kinh tế Mỹ chậm lại để có thể buộc Washington nhượng bộ nhiều hơn. Quá trình này, theo chúng tôi, sẽ không sớm kết thúc”, hai vị chuyên gia dự đoán.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.