Đảm bảo chất lượng sầu riêng: Doanh nghiệp đề nghị siết chất lượng phân bón

Nhiều doanh nghiệp đề nghị kiểm soát chặt phân bón và nguyên liệu đầu vào, tránh nguy cơ tồn dư cadimi, vàng O ảnh hưởng đến xuất khẩu sầu riêng.
Ngày 25-5, một ngày sau hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, Tuổi Trẻ Online ghi nhận nhiều ý kiến tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát chất lượng phân bón, nguyên liệu đầu vào nhằm ngăn tồn dư kim loại nặng, hóa chất cấm trong sản phẩm.
Sầu riêng nhiễm cadimi từ phân bón kém chất lượng?
Ông Nguyễn Tri Kỷ, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tồn dư cadimi trong nông sản là chất lượng phân bón chưa được kiểm soát chặt, đặc biệt các loại phân nhập khẩu có thể chứa kim loại nặng.
"Cadimi là kim loại nặng, nếu tồn dư vượt ngưỡng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, môi trường. Cadimi thường có trong một số quặng photphat dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hoặc các phụ gia không đạt chuẩn", ông nói.
Hiện chưa có hệ thống kiểm định chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, khiến nhiều loại phân vượt ngưỡng an toàn vẫn lưu thông, được nông dân sử dụng, tích tụ trong đất và cây trồng. Phân bón trôi nổi, sản xuất thủ công cũng làm gia tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Ông Kỷ đề nghị kiểm soát từ đầu vào, xây dựng hệ thống giám sát hàm lượng cadimi trong phân bón, đồng thời khuyến khích sản xuất phân hữu cơ trong nước. Ngoài ra cần tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân để sử dụng phân bón hiệu quả, giảm rủi ro.
Đồng quan điểm, ông Võ Quan Huy, giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng sầu riêng có thể không sử dụng hóa chất cấm nhưng vẫn bị cảnh báo nếu đầu vào không kiểm soát.
"Cần quy trình canh tác chuẩn, minh bạch thông tin phân bón, nhất là với phân khúc chất lượng cao", ông Huy đề nghị.
Ông cũng lưu ý nguy cơ tồn dư cadimi ở một số vùng đồng bằng sông Cửu Long do thổ nhưỡng và phân bón chưa phù hợp, do vậy đề nghị bắt buộc ghi hàm lượng cadimi trên bao bì để người dân dễ chọn đúng sản phẩm.
Ngoài ra, theo ông Huy, cần xây dựng chuỗi liên kết từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, kiểm soát chất lượng đầu vào, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để nâng uy tín sầu riêng Việt Nam.
Kiểm định tại vùng trọng điểm, hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật
TS Phan Việt Hà, phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng cần xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho từng vùng trồng sầu riêng, phù hợp điều kiện canh tác và kiểm dịch thực vật.
Sau những ách tắc xuất khẩu đầu năm 2025 do nghi vấn tồn dư vàng O, cadimi, nhiều ý kiến đề xuất xây dựng phòng thử nghiệm vệ tinh ngay tại các vùng trọng điểm.
Ông Trần Minh Châu, đại diện Công ty Vinacontrol, cho biết đơn vị đã lên kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thử nghiệm vệ tinh phục vụ xuất khẩu sầu riêng tại Tây Nguyên.
"Nếu quyết liệt, với sự hỗ trợ của bộ, ngành, địa phương, chúng tôi hy vọng hoàn thành kịp cho mùa vụ năm nay tại Đắk Lắk", ông nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Không thể để tồn dư hóa chất ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Phải kiểm soát đầu vào, siết chặt từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến đóng gói, vận chuyển".
Ông cũng cảnh báo tình trạng gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm vi phạm bởi "chỉ cần một lô hàng bị cảnh báo, cả ngành sầu riêng bị ảnh hưởng".
Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn làm việc với phía Trung Quốc để điều chỉnh những chỉ tiêu không phù hợp, đồng thời siết chặt quản lý yếu tố đầu vào phục vụ xuất khẩu bền vững.