'Đại trưởng bối' tiên phong tiết kiệm điện cho cả xóm

Ngoại tôi năm nay sắp bước sang tuổi 70. Tuy tuổi cao nhưng đặc biệt ngoại còn khá minh mẫn. Ba mẹ tôi vẫn hay đùa: 'May nhà mình có đại trưởng bối luôn đi đầu trong phong trào tiết kiệm điện mà cả nhà đều học được thói quen tốt'.
Nghe những lời ba mẹ đùa mà ngẫm lại tôi thấy thật đúng. Nhờ ngoại có thói quen tiết kiệm điện mà cả gia đình có 5 thành viên, ai ai cũng học được thói quen này và dần trở thành nếp nghĩ, nếp nhà không phải nhắc nhở.
An toàn - đó là tiêu chí đầu tiên trong chiến dịch tiết kiệm điện của ngôi nhà nhỏ 5 thành viên gia đình tôi. Nhiều khi tôi thấy ngoại tôi giống một quyển "bách khoa toàn thư" bởi điều gì trong cuộc sống ngoại cũng bắt đầu bằng từ "ngày xưa" và như mẹ tôi nói ngoại "gừng càng già càng cay" thật chẳng sai chút nào.
Truyền lại cho con cháu cùng chung tay tiết kiệm điện
Đầu hè, nhằm hôm nào bố tôi rảnh hoặc ngày cuối tuần, thì tối hôm trước ngoại lên kế hoạch để cả nhà có lịch "tổng vệ sinh" toàn bộ đồ điện trong nhà. Để kế hoạch thêm phần nhịp nhàng và trơn tru, ngay từ tối ngoại đã giở cuốn sổ ghi chép số điện thoại cần thiết mỗi khi cần là có. Ngoại giở trang có số của chú bảo dưỡng bình nóng lạnh và thêm cả công đoạn súc rửa giàn năng lượng của gia đình với phương châm: "Của bền tại người là một phần. Máy móc cũng giống như con người, cần được chăm sóc và bảo dưỡng mới tăng tính bền lâu và hiệu quả sử dụng. Quan trọng là sau khi được chăm sóc chúng sẽ bớt tiêu thụ điện năng".
Nhiệm vụ của bố tôi là tháo hết mấy cây quạt cây của cả nhà xuống để vệ sinh lau chùi bụi bẩn và tra dầu mỡ. Hai chị em tôi có nhiệm vụ phụ mẹ lau dọn tủ lạnh, nồi cơm, máy lọc nước… Mỗi người một việc để đồ điện trong nhà sau khi được tân trang, bảo dưỡng sẽ trở nên an toàn và phát huy hiệu quả tối ưu khi sử dụng.
Cũng nhờ thói quen 1 năm/lần đồ điện trong nhà luôn được bảo dưỡng. Lại thêm phần tối ưu hóa sự tiết kiệm điện bằng việc tất cả các bóng đèn của các phòng trong nhà tôi nhiều năm nay đều đã được thay bằng bóng đèn tiết kiệm điện. Nhất là tùy diện tích từng phòng bố tôi sẽ chọn bóng phù hợp làm sáng.
Tối đến, vì ngoại rất yêu thiên nhiên cây cối nên hầu như xung quanh nhà tôi đều có cây xanh. Trước khi đi ngủ, các cửa sổ ở các phòng nhà tôi đều được mở lấy gió trời tự nhiên nên hầu như chiếc quạt cây hay quạt tường đều có chế độ hẹn giờ. Sau 12 giờ đêm quạt tự tắt và ngôi nhà vẫn được điều hòa bằng gió trời bình thường vừa an toàn lại bảo đảm sức khỏe.
Đặc biệt, mùa hè trong nhà có tới 4 thành viên là đội quân tóc dài, ngoại hay nhắc nhở mẹ và hai chị em tôi tập thói quen giống ngoại là gội đầu vào lúc 15 - 16 giờ chiều tự lau khô tóc bằng khăn và quan trọng hơn là không ai phải dùng máy sấy, bởi tóc làm khô bằng gió tự nhiên sẽ bảo vệ được tóc không bị khô xơ và rụng, vừa đỡ tốn điện. Ngoại cười hiền: "Một công đôi việc nhé các con".
Nhờ thói quen bao năm ngoại vẫn gìn giữ, giờ ngoại lại là người truyền lại cho con cháu cùng chung tay tiết kiệm điện, không chỉ cho chính gia đình mình mà còn góp phần nhỏ bé trong việc hưởng ứng lời kêu gọi của nhà nước. Chính những bài học và sự "truyền lửa" trong câu chuyện ngoại kể về sự "bình ổn" hóa đơn tiền điện, bên cạnh nụ cười luôn nở trên môi của chủ tài khoản phải trả tiền điện là mẹ tôi trở thành minh chứng sống cho thói quen tiết kiệm điện hiệu quả của cả nhà. Để rồi, giờ đây cứ những ngày đầu tháng, hễ tôi theo ngoại đi tập thể dục là y như rằng có bác lại khoe: "Tháng này nhà cháu bớt được chút tiền điện rồi bà ơi. Cả nhà cháu cũng đang tập thói quen mà bà đã kể đó".
Ngoại cười nụ cười hiền thật hạnh phúc. Còn tôi thấy tự hào vì được là cháu của ngoại. Đại trưởng bối tiên phong tiết kiệm điện cho cả xóm.