Đái tháo đường âm thầm 'tấn công' người trẻ, 5 người sẽ có 1 người không biết bệnh

Đó là thông tin được PGS Nguyễn Thị Bích Đào - chủ tịch Hội Đái tháo đường và nội tiết TP.HCM - chia sẻ tại Hội thảo khoa học Chiến lược quản lý các bệnh lý tim mạch - chuyển hóa từ khuyến cáo đến thực hành lâm sàng do Bệnh viện Gia An 115 tổ chức.
Theo PGS Nguyễn Thị Bích Đào đái tháo đường là bệnh lý mạn tính không lây, nhưng hiện nay có tốc độ gia tăng rất nhanh.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy hiện trên thế giới có khoảng 589 triệu người mắc đái tháo đường. Trong khi đó, cách đây 10 năm con số này chỉ nằm ở mức hơn 450 triệu người, dẫn đến tăng sức ép lên hệ thống y tế rất lớn.
Còn tại Việt Nam thống kê của Bộ Y tế cho hay có đến khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, và có đến 90% là đái tháo đường type 2.
Điều đáng lo ngại là đái tháo đường type 2 thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng, khiến người bệnh khó nhận biết cho đến khi xuất hiện biến chứng.
Do vậy, cứ 5 bệnh nhân phát hiện bệnh thì sẽ có 1 người không biết mình có bệnh. Khi phát hiện người bệnh đã ở giai đoạn muộn, có biến chứng do không kiểm soát được đường huyết.
Đáng nói, đái đường nếu không kiểm soát tốt sẽ âm thầm làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 52%, nhồi máu cơ tim 60%, bệnh mạch vành 73%. So với người bình thường, nguy cơ suy tim ở người đái tháo đường lên đến 84%.
Theo bà Đào, hiện thế giới đang tập trung cho một nhóm đáng quan tâm là tiền đái tháo đường, nghĩa chỉ số đường huyết trước và sau ăn không ổn định, nhưng chưa đủ để chẩn đoán là đái tháo đường.
Khi phát hiện sớm nhóm này, nếu can thiệp đầy đủ sẽ đẩy lui được bệnh, ngăn tiến triển thành đái tháo đường trong tương lai. Về nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do di truyền, lối sống không lành mạnh như hút thuốc, lười vận động, thừa cân, béo phì…
Nhóm có nguy cơ cao mắc đái tháo đường là những người trên 45 tuổi như cha, mẹ, anh chị, em ruột có người bệnh, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu…
Bác sĩ Đào khuyến cáo, để phòng ngừa đái tháo đường cần phải có lối sống lành mạnh, chế độ ăn cân bằng, không ăn dư chất béo, tránh sử dụng chất tạo ngọt khi không cần thiết, ăn nhiều rau, hạn chế ăn mặn (dưới 5 gam/ngày).
Về vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, không ngưng vận động quá hai ngày, hạn chế ngồi quá lâu trước điện thoại, xem ti vi…
"Đại dịch đái tháo đường, đại dịch thừa cân, béo phì đi song song với nhau. Thừa cân, béo phì sẽ gây ra các rối loạn về chuyển hoá, nguy cơ đái tháo đường trong tương lai là có sẵn", bác sĩ Đào nói.
Bác sĩ Dương Duy Trang, phó giám đốc khối nội, Bệnh viện Gia An 115 cho hay đái tháo đường gây biến chứng ở nhiều cơ quan, trong đó tim mạch là biến chứng hàng đầu. Nếu điều trị đái tháo đường tốt sẽ sẽ ngăn được các biến chứng tim mạch.
Cũng theo bác sĩ Trang, tỉ lệ đái tháo đường hiện nay cũng có xu hướng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau như: điều kiện sống, môi trường sinh hoạt, ăn nhiều thức ăn nhanh dẫn đến dư thừa chất béo, tăng huyết áp, lười vận động.
Do đó việc tầm soát phát hiện sớm đái tháo đường là một bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhất là những người có nguy cơ cao.