Nhảy đến nội dung
 

Đại sứ Pakistan kêu gọi 'giữ cái đầu lạnh' trong căng thẳng với Ấn Độ

"Vùng Kashmir thường được ví như 'ngòi nổ hạt nhân', nhưng tôi tin rằng Pakistan là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm và Ấn Độ cũng vậy. Chúng ta không nên nghĩ tới tình huống căng thẳng leo thang theo hướng này", đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc Asim Iftikhar Ahmad nói trong cuộc họp báo ngày 2/5, khi được hỏi nguy cơ nổ ra đối đầu hạt nhân giữa New Delhi và Islamabad.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan trở nên căng thẳng sau vụ nhóm Kháng chiến Kashmir (TRF) có liên hệ với tổ chức vũ trang Lashkar-e-Taiba ở Pakistan ngày 22/4 xả súng tại khu nghỉ dưỡng thuộc vùng Jammu và Kashmir, miền bắc Ấn Độ, khiến 26 người thiệt mạng, trong đó có 25 công dân Ấn Độ.

Hai nước những ngày qua liên tục có các động thái đối đầu ngoại giao, diễn tập, thử tên lửa và đấu súng ở vùng Kashmir đang tranh chấp, dù chưa gây ra thương vong hay thiệt hại.

Nhiều nước, tổ chức quốc tế kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, do cả hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Khi được hỏi tiếp về lập trường của Islamabad trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân trước, Đại sứ Ahmad cho hay ông đã cố tình không đề cập vấn đề này, bởi hai nước "đều thể hiện mức độ trách nhiệm nhất định" về hạt nhân.

Ông thừa nhận Pakistan chưa áp dụng chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, trong khi Ấn Độ đã công bố chính sách này. New Delhi chưa bình luận về phát biểu của ông Ahmad.

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Muhammad Asif hồi đầu tuần cho biết Islamabad đang trong tình trạng cảnh giác cao độ, nhưng sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân "nếu có mối đe dọa trực tiếp đến tồn vong quốc gia", song không nêu chi tiết.

Tuy nhiên, một số quan chức khác của Pakistan đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Ấn Độ liên quan đến vũ khí hạt nhân, khi căng thẳng ở biên giới leo thang.

Bộ trưởng Đường sắt Pakistan Hanif Abbasi tuyên bố nhiều loại tên lửa tiên tiến như Ghori, Shaheen, Ghaznavi cùng 130 đầu đạn hạt nhân của Pakistan "đang được dành riêng dành cho Ấn Độ".

Theo Abbasi, nếu Ấn Độ cắt nguồn nước từ sông Ấn cho Pakistan bằng cách hủy Hiệp ước Nước sông Ấn, Pakistan nên "sẵn sàng cho một cuộc chiến tổng lực".

Đại sứ Pakistan tại Nga Muhammad Khalid Jamali hôm 3/5 nói với RT rằng Islamabad sẵn sàng đáp trả mọi động thái gây hấn. "Chúng tôi sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh, cả vũ khí thông thường lẫn hạt nhân", ông cảnh báo.

Đại sứ Jamali cũng nhắc lại lập trường của Islamabad trong Hiệp ước Nước sông Ấn. New Delhi đã đình chỉ thỏa thuận quan trọng này giữa hai nước vào tuần trước sau khi căng thẳng leo thang.

"Bất kỳ nỗ lực nào nhằm chiếm đoạt hay chặn, chuyển hướng nguồn nước của quốc gia hạ lưu sẽ là hành động chiến tranh chống lại Pakistan, và sẽ bị đáp trả bằng toàn bộ sức mạnh", ông tuyên bố.

Tuy nhiên, ông kêu gọi hai bên giảm căng thẳng, nhấn mạnh mối nguy tiềm tàng do hai nước "đều là cường quốc hạt nhân".

Pakistan cũng đã kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập về vụ xả súng ở Jammu và Kashmir. "Tôi cho rằng đây là lúc cộng đồng quốc tế cần thể hiện vai trò của mình. Chúng tôi kỳ vọng các cường quốc như Trung Quốc, Nga có thể tham gia điều tra", Đại sứ Jamali nói.

Đức Trung (Theo RT, India Times)