Nhảy đến nội dung
 

Đại học Harvard 'quyết đấu' Tổng thống Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đưa ra cảnh báo mới trong khi Đại học Harvard phản đối các yêu cầu của chính quyền đối với hoạt động của trường.

Hôm qua (16.4), Tổng thống Trump đe dọa tước đặc quyền miễn thuế của Đại học (ĐH) Harvard và đánh thuế trường này như một tổ chức chính trị nếu cứ tiếp tục thúc đẩy, ủng hộ những tư tưởng "bệnh hoạn".

Theo Reuters, Harvard và nhiều trường khác đã bị chính quyền ông Trump công kích vì cách xử lý của họ đối với phong trào biểu tình của sinh viên từ năm ngoái nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza. Ông Trump gọi các cuộc biểu tình này là chống Mỹ và bài Do Thái, cáo buộc các ĐH thúc đẩy tư tưởng thiên tả và đe dọa sẽ cắt tài trợ liên bang đối với những trường nào không tuân thủ yêu cầu của chính quyền.

Đóng băng tài trợ

Thông qua Lực lượng đặc nhiệm liên ngành chống bài Do Thái (JTFCAS), chính quyền Mỹ mới đây yêu cầu ĐH Harvard thực hiện 9 thay đổi như cấm biểu tình che mặt, xóa bỏ chương trình đa dạng, công bằng, hòa nhập (DEI), thay đổi quản trị, tuyển sinh dựa trên thành tích và kiểm soát sinh viên quốc tế.

Đáp lại, Chủ tịch ĐH Harvard Alan Garber tuyên bố từ chối tuân thủ, cho rằng các yêu cầu vi phạm quyền tự do học thuật và tự chủ của trường. Ông Garber khẳng định Harvard sẽ bảo vệ "các giá trị cốt lõi" của mình với tư cách một tổ chức tư nhân. "Không một chính phủ nào, bất kể đảng nào đang nắm quyền, được phép chỉ đạo các đại học tư thục cách họ giảng dạy, người mà họ có thể tuyển dụng và lĩnh vực nghiên cứu mà họ có thể theo đuổi", ông Garber viết.

Sau đó, ngày 14.4, Nhà Trắng đóng băng 2,2 tỉ USD tài trợ dài hạn cho Harvard và 60 triệu USD hợp đồng nghiên cứu với trường, đồng thời đe dọa cắt thêm gần 9 tỉ USD tài trợ nếu trường không tuân thủ các yêu cầu. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt ngày 15.4 nói rằng Tổng thống Trump muốn ĐH Harvard xin lỗi vì để cho "chủ nghĩa bài Do Thái xảy ra trong khuôn viên trường, chống lại sinh viên Do Thái Mỹ".

Ông Garber khẳng định Harvard đã có nỗ lực để chống chủ nghĩa bài Do Thái và các định kiến khác trong trường trong khi bảo vệ tự do học thuật và quyền biểu tình. Một nhóm giáo sư Harvard đã kiện chính quyền ông Trump tại tòa án liên bang ở TP.Boston, cáo buộc vi phạm quyền tự do ngôn luận và học thuật theo Tu chính án thứ nhất, trong khi nhiều trường tư thục lớn khác tuyên bố ủng hộ ĐH Harvard.

Nguồn thu chính

Harvard là ĐH tư thục lâu đời nhất tại Mỹ song nguồn tài trợ liên bang chiếm phần lớn trong nguồn thu của trường, bên cạnh các khoản đóng góp từ cựu sinh viên, nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện.

Theo công bố của nhà trường, trong năm tài chính 2024, ĐH Harvard nhận được khoảng 686 triệu USD từ các cơ quan liên bang, chiếm khoảng 11% tổng doanh thu khoảng 6,5 tỉ USD của trường và 68% tổng doanh thu từ các nguồn tài trợ. Trong 686 triệu USD đó, nguồn tài trợ từ Viện Y tế quốc gia (NIH) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh chiếm phần lớn (488 triệu USD). Nhiều phân viện của NIH như Viện Ung thư quốc gia, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia hay Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, tài trợ cho hàng chục trung tâm nghiên cứu thuộc Harvard.

Nguồn tài trợ liên bang đóng góp 2/3 trong tổng chi tiêu cho nghiên cứu được tài trợ tại Harvard, đặc biệt trong các lĩnh vực như y học, kỹ thuật và khoa học.

Theo tờ The Washington Post, các dự án nghiên cứu nổi bật được tài trợ gồm nghiên cứu về bệnh béo phì, cấy ghép nội tạng, ung thư và các bệnh thoái hóa thần kinh tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan; các nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo, khoa học lượng tử và kỹ thuật tại Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng (SEAS). Một ví dụ nổi bật là nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (thuộc Trường Y khoa Harvard) đã thực hiện ca cấy ghép thận heo chỉnh sửa gien đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân, với mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu hụt nội tạng.

Các khoản tài trợ liên bang còn hỗ trợ các phòng thí nghiệm nghiên cứu, mua sắm thiết bị và trả lương cho các nhà nghiên cứu và nhân viên hỗ trợ. Theo Chủ tịch Harvard Alan Garber, nếu không có tài trợ liên bang, các dự án nghiên cứu hiện có sẽ bị gián đoạn và trường sẽ không thể thực hiện các dự án nghiên cứu mới mang lại lợi ích lớn cho xã hội, đặc biệt là các nghiên cứu y khoa. Đồng thời, việc cắt giảm tài trợ liên bang có thể ảnh hưởng đến hàng ngàn việc làm tại Harvard.

Dù ĐH Harvard có quỹ tài trợ lớn nhất Mỹ, tính đến năm 2024 là 53,2 tỉ USD, việc sử dụng quỹ này để thay thế tài trợ liên bang không khả thi do 70% quỹ bị ràng buộc bởi các điều khoản của nhà tài trợ cho các chương trình cụ thể, và việc sử dụng quỹ có thể làm giảm nguồn lực cho các mục tiêu khác như hỗ trợ tài chính sinh viên, theo NBC News. Mới đây, trường đã xúc tiến việc vay 750 triệu USD từ Phố Wall để ứng phó động thái từ Nhà Trắng.