Đại học Hà Nội cộng tối đa 4 điểm khuyến khích

Đại diện Đại học Hà Nội ngày 2/5 cho biết trường điều chỉnh phương thức xét tuyển kết hợp, dùng điểm học bạ 6 học kỳ ở mỗi môn, thay vì chỉ 5 như trước. Công thức tính điểm như sau:
Điểm xét tuyển kết hợp = Điểm trung bình chung (TBC) + Điểm cộng khuyến khích + Điểm ưu tiên x 4/3 (nếu có)
Trong đó, TBC = TBC điểm Toán + TBC điểm Văn + TBC điểm Ngoại ngữ x 2.
Một điểm mới nữa là trường bỏ quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ theo hệ số 1.0, 1.2, 1.4, 1.6 (Ví dụ IELTS 6.5 được tính hệ số 1.0, đổi thành 10 điểm, tăng dần với các mức cao hơn). Thay vào đó, thí sinh sẽ được cộng điểm khuyến khích, với mức từ 1 đến 4, nhưng không vượt quá 10% tổng điểm xét tuyển. Ví dụ, thí sinh được cộng tối thiểu 1 điểm nếu có IELTS 6.0 và tối đa 4 điểm nếu đạt mức 8.0-9.0.
Học sinh có điểm thi chuẩn hóa SAT, ACT, A-Level, học trường chuyên hoặc hệ song ngữ cũng được cộng 1-4 điểm, tương ứng với kết quả đạt được. Nhóm thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, thi tháng Đường lên đỉnh Olympia không được xét riêng như các năm trước.
Bảng tính điểm cộng khuyến khích với phương thức xét tuyển kết hợp của Đại học Hà Nội năm 2025:
Năm nay, trường Đại học Hà Nội dự kiến tuyển 3.305 sinh viên, tăng 80 so với năm ngoái. Hai phương thức tuyển sinh còn lại của trường gồm xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
So với năm ngoái, trường bỏ xét điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia và điểm thi đánh giá tư duy của Bách khoa Hà Nội.
Học phí năm học 2025-2026 khoảng 0,78-1,7 triệu đồng một tín chỉ, tăng 7,5-8,3% so với năm ngoái.
Điểm chuẩn năm 2024 của trường Đại học Hà Nội từ 25,08 đến 35,8/40 (điểm ngoại ngữ nhân 2), cao nhất là ngành Ngôn ngữ Trung Quốc.
Bốn ngành/chương trình lấy điểm chuẩn theo thang 30 (không nhân hệ số môn Ngoại ngữ), từ 16,7 đến 25,65 điểm, gồm Công nghệ thông tin (chương trình tiêu chuẩn và tiên tiến), Công nghệ tài chính, và Truyền thông đa phương tiện.
Bình Minh