Nhảy đến nội dung
 

Đại diện đoàn phim 'The Stringer' lên tiếng về 'Em bé Napalm'

Trước những thông tin nhiều chiều về tác quyền bức ảnh "Em bé Napalm", Tri Thức - Znews đã liên hệ với Fiona Turner, một trong các nhà sản xuất của bộ phim để tìm hiểu phản hồi của đoàn làm phim.

Tranh luận đã nổ ra sau khi bộ phim The Stringer, được tổ chức The VII Foundation và đối tác XRM Media sản xuất, công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Sundance đầu tháng 1/2025.

Nội dung gây tranh cãi trong bộ phim là thông tin về tác giả thật sự của bức ảnh lịch sử Em bé Napalm. Trong hơn 50 năm qua, bức ảnh này vẫn thuộc về ông Huỳnh Công Nick Út, nhiếp ảnh gia chính thức của hãng tin AP tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).

Em bé Napalm đã mang lại cho “Nick” Út giải Pulitzer và giải Bức ảnh của năm năm 1973 của Tổ chức Giải ảnh báo chí Thế giới (World Press Photo).

Tuy nhiên, The Stringer lại đưa đến một thông tin khác, cho rằng tác giả bức ảnh là ông Nguyễn Thành Nghệ, người cũng có mặt tại Trảng Bàng, Tây Ninh vào ngày 8/6/1972, khi em bé Kim Phúc và dân làng chạy khỏi vụ tấn công bằng bom napalm.

Trước thông tin ban đầu từ bộ phimThe Stringer và cuộc điều tra của riêng mình, World Press Photo (WPP) đã tạm dừng ghi nhận tác quyền đối với bức ảnh Em bé Napalm, cho rằng có quá nhiều nghi ngờ để tiếp tục xác định tác quyền hiện tại.

Tuy nhiên, hãng tin AP, sau khi cũng tiến hành cuộc điều tra riêng, kết luận rằng không có "bằng chứng xác thực" nào, theo tiêu chuẩn của AP, khiến họ phải thay đổi quyền tác giả của Em bé Napalm.

Sau khi hãng tin AP và WPP đã điều tra và đưa ra hai kết luận có phần khác nhau, Tri Thức - Znews đã tìm cách liên hệ với đoàn làm phim The Stringer để tìm hiểu phản hồi của họ.

Về kết luận của AP

Trả lời Tri Thức - Znews, Fiona Turner, một trong các nhà sản xuất phim The Stringer, cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh World Press Photo về những phát hiện độc lập rất chi tiết của họ và cả quyết định tạm dừng ghi nhận quyền tác giả sau đó”.

Tuy nhiên, nhà sản xuất Fiona Turner bày tỏ sự thất vọng với quá trình điều tra của AP, cho rằng hãng tin đã tiếp cận những người được phỏng vấn một cách có chọn lọc, bỏ qua hai người Việt Nam thuộc nhóm truyền thông báo chí có mặt trên con đường (nơi dân làng Trảng Bàng chạy qua để thoát khỏi cuộc tấn công bằng bom napalm) vào ngày hôm đó và hiện còn sống.

Theo đại diện đoàn phim The Stringer, kết luận của AP cho thấy tiêu chuẩn "bằng chứng xác thực" của hãng tin đối với vấn đề tác quyền đang được đặt quá cao. Và việc đưa ra một tiêu chuẩn nằm ngoài tầm với như vậy khiến quyết định không thay đổi tên tác giả của họ gần như trở nên vô nghĩa. "Những người bình thường, kể cả các nhà báo có kinh nghiệm trong công việc hàng ngày của họ, cũng không cần đến bằng chứng 'xác thực' như vậy để biết liệu điều gì đó là đúng hay sai khi họ đưa tin", nhà sản xuất Fiona Turner nhận định.


Tuy nhiên, Fiona Turner cũng đưa ra một nhận định phần nào tích cực về cách tiếp cận của AP.

"Đối với quá trình điều tra của AP, nhóm làm phim The Stringer cũng rất hoan nghênh khi thấy báo cáo nội bộ của AP xác thực cuộc điều tra của đoàn làm phim và các nội dung trong The Stringer.

Điều đáng chú ý đặc biệt là văn bản của AP tiết lộ bức ảnh The Terror of War (Em bé Napalm) rất có thể được chụp bằng máy ảnh Pentax thay vì máy ảnh Leica M2. Ông Nguyễn Thành Nghệ đã tuyên bố trong phim rằng ông sử dụng máy ảnh Pentax vào ngày hôm đó", nhà sản xuất này cho hay.

Trong khi ông Út trước đây đã mô tả công khai và rộng rãi việc ông sử dụng hai máy ảnh Leica và thêm hai máy ảnh Nikon thì gần đây, ông được cho là đã thông tin với AP rằng ông có thể đã mang theo chiếc Pentax vào ngày hôm đó. Do vậy, việc xác định tác quyền bằng máy ảnh Pentax là "có khả năng" nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng xác đáng nào được đưa ra.

Em be Napalm anh 1

Ông Nguyễn Thành Nghệ (trái) tại Liên hoan phim Sundance vào tháng 1. Ảnh: festival.sundance.

Cũng theo nhà sản xuất Fiona Turner, các phóng viên của bộ phim tài liệu The Stringer không được tiếp cận với các loại máy ảnh đang được đề cập, cũng như phim âm bản của bức ảnh đoạt giải. Họ được khuyến nghị là hãy cho rằng máy ảnh và các phim âm bản đã được xem xét kỹ lưỡng và kết luận liên quan cũng đã được công bố.

Về các ý kiến trái chiều

Cuộc tranh luận về quyền tác giả của Em bé Napalm không dừng ở các bên liên quan trực tiếp, như AP, WPP, đoàn phim The Stringer mà còn trở thành một đề tài quan trọng trong giới báo chí thế giới, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia chiến trường.

Đã có nhiều phóng viên ảnh thế giới lên tiếng ủng hộ Nick Út, trong đó có hai tên tuổi lớn là David Hume Kennerly và David Burnett.

David Hume Kennerly là nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ, từng là nhiếp ảnh gia riêng của Tổng thống Mỹ Gerald Ford, và đã nhận được giải Pulitzer năm 1972 cho bộ ảnh về cuộc chiến tại Việt Nam, Campuchia, người tị nạn Đông Pakistan gần Calcutta… Trong một bài đăng trên Facebook, Kennerly cho rằng WPP “đang tìm cách đày Nick đến địa ngục nhiếp ảnh” và cáo buộc rằng WPP có quan hệ tốt với tổ chức The VII Foundation, và người đứng đầu Gary Knight.

Còn David Burnett, một nhiếp ảnh gia người Mỹ nổi tiếng với bộ ảnh cuộc cách mạng Iran 1979 trên tạp chí Time và cũng từng nhận giải của World Press Photo năm 1980, cũng đã lên tiếng khẳng định vai trò của Nick Út.

Trước những phản ứng này, nhà sản xuất Fiona Turner cho hay: “Tôi không biết David Hume Kennerly nhưng tôi hiểu ông ấy là bạn và là người ủng hộ công khai của Nick Út. Kennerly không có mặt tại Trảng Bàng vào ngày 8/6/1972 và ông cũng không có mặt tại văn phòng AP vào ngày hôm đó nên không thể chứng kiến sự kiện này.

Còn David Burnett là một nhiếp ảnh gia được kính trọng. Ông ấy là người đã có mặt tại Trảng Bàng vào ngày 8/6 và chứng kiến vụ tấn công bằng bom napalm. Ông luôn tin rằng Nick Út đã chụp bức ảnh về em bé Kim Phúc. Nhưng theo lời kể công khai của ông, ông đã tua lại bộ phim của mình vào thời điểm đó và không chứng kiến cảnh chụp bức ảnh”.

Fiona cũng giải thích thêm về những cáo buộc liên quan đến Gary Knight: "Trái ngược với những gì đã được công bố trên báo chí, Gary Knight không phải là cố vấn của World Press Photo. Cũng giống như Burnett, ông ấy đã nhiều lần đảm nhiệm vai trò giám khảo của giải thưởng danh giá này. Gần đây nhất, Knight là thành viên ban giám khảo vào năm 2014".

Giới truyền thông thế giới cũng đang trông đợi được xem The Stringer để tìm hiểu kỹ hơn lập luận của đoàn phim.

Trong khi CNN gần đây cho biết đơn vị sản xuất The Stringer đã không trả lời nhiều yêu cầu công bố bản sao của bộ phim tài liệu, Fiona thông tin: "CNN là một trong nhiều phương tiện truyền thông đã đề nghị được xem The Stringer ngay sau khi phim ra mắt tại Sundance. Vào thời điểm đó, chúng tôi tập trung sự quan tâm cho các đơn vị báo chí có mặt tại liên hoan phim có thể xem bộ phim. Chúng tôi hiện có liên hệ với phía CNN và hi vọng là họ sẽ xem được bản cập nhật của bộ phim vào tháng tới khi phim được trình chiếu tại liên hoan phim tài liệu DC/DOX và liên hoan phim quốc tế Sheffield”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn