Nhảy đến nội dung

‘Đại dịch lừa đảo’ trên Facebook

“Meta kiếm tiền từ lừa đảo, họ có lý do gì để bảo vệ chúng ta?”, một nạn nhân của quảng cáo lừa đảo trên Facebook bức xúc.

Gần hai năm qua, Edgar Guzman, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Atlanta, sống trong cơn ác mộng không hồi kết. Những cuộc gọi giận dữ từ khách hàng bị lừa bởi các quảng cáo giả mạo trên Facebook và Instagram không ngừng đổ về, phá hủy danh tiếng công ty ông.

Từ những lời hứa hẹn về công cụ giá rẻ đến các chương trình “tri ân” tặng quà miễn phí, Meta đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức tội phạm quốc tế.

Cơn ác mộng của Edgar Guzman 

Edgar Guzman chưa bao giờ nghĩ rằng công ty của mình, Half-Off Wholesale, lại trở thành “mồi nhử” cho các vụ lừa đảo. Từ kho hàng ngoại ô Atlanta, ông kinh doanh vật liệu xây dựng và thiết bị làm vườn.

Nhưng trên Facebook và Instagram, hàng nghìn quảng cáo giả mạo sử dụng hình ảnh kho hàng và địa chỉ của ông, rao bán các công cụ giá chỉ 29 USD hoặc hàng hoàn từ Amazon với giá khởi điểm 1 USD.

Khách hàng gửi tiền, nhưng chẳng bao giờ nhận được hàng. Khi họ gọi điện trách móc, Guzman phải giải thích không bán hàng online và họ đã bị lừa.

Thực tế, Guzman chỉ là một trong hàng triệu nạn nhân của làn sóng lừa đảo tràn lan trên Meta. Theo Wall Street Journal, gần 50% các vụ lừa đảo được ghi nhận trên hệ thống thanh toán Zelle của JPMorgan Chase từ mùa hè 2023 đến 2024 bắt nguồn từ các nền tảng của Meta.

Một phân tích nội bộ năm 2022 còn tiết lộ con số đáng sợ: 70% nhà quảng cáo mới trên Meta liên quan đến lừa đảo, hàng hóa bất hợp pháp, hoặc sản phẩm kém chất lượng.

Đằng sau những vụ lừa đảo này là các mạng lưới tội phạm quốc tế tinh vi, chủ yếu từ Đông Nam Á. Chúng tận dụng tiền điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và hàng trăm nghìn lao động bị bóc lột trong các “trại lừa đảo” để tạo ra các chiến dịch lừa đảo quy mô lớn.

Marketplace, nền tảng mua bán hàng hóa của Meta, càng trở thành thiên đường cho kẻ lừa đảo với mô hình giao dịch ngang hàng thiếu kiểm soát.

Erin West, một cựu công tố viên Mỹ, nhấn mạnh Meta có thể tạo ra sự thay đổi lớn, nhưng họ thiếu động lực. Các nhóm tội phạm “pig butchering” (giết mổ lợn) ở Đông Nam Á đang khai thác sự lỏng lẻo của Meta để trục lợi, biến các nền tảng này thành trung tâm của nền kinh tế lừa đảo trực tuyến.

Nỗi đau người tiêu dùng và phản ứng nửa vời của Meta

Không chỉ doanh nghiệp như Guzman chịu thiệt, người tiêu dùng cũng rơi vào vòng xoáy lừa đảo. Marah Johnson, một nghệ sĩ 58 tuổi ở California, từng nghĩ mình nhạy bén với các chiêu trò trực tuyến.

Nhưng một quảng cáo tặng bộ gia vị McCormick & Co. trên Instagram đã đánh lừa bà. Kẻ lừa đảo yêu cầu thực hiện khảo sát, chơi game trên website giả mạo và trả 9,99 USD phí vận chuyển.

Bà nhập thông tin thẻ tín dụng để rồi bị rút hàng trăm USD cho các giao dịch không có thật. “Meta kiếm tiền từ lừa đảo, họ có lý do gì để bảo vệ chúng ta?” bà Johnson bức xúc.

Các vụ lừa đảo bán thú cưng cũng nhan nhản. Hàng nghìn quảng cáo “chó con gần bạn” xuất hiện trên Meta, sử dụng hình ảnh đánh cắp và thông tin giả mạo từ Cameroon hay các nước khác.

Một số nạn nhân mất vài đồng, nhưng có người thiệt hại hàng trăm nghìn USD qua các vụ lừa đảo đầu tư hoặc tiền điện tử.

Meta thừa nhận vấn đề và tuyên bố đang thử nghiệm các biện pháp như nhận diện khuôn mặt, cảnh báo người dùng và hợp tác với ngân hàng.

Nhưng các nhân viên hiện tại và cựu nhân viên tiết lộ một sự thật phũ phàng: Meta chần chừ hành động vì sợ ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo, vốn tăng 22% lên 160 tỷ USD năm ngoái.

Một tài liệu nội bộ năm 2024 cho thấy Meta cho phép nhà quảng cáo vi phạm đến 8-32 lần trước khi bị cấm tài khoản. Ngay cả khi nhân viên trực tiếp can thiệp, con số này chỉ giảm xuống 4-16 lần.

Phân tích tài liệu nội bộ cho thấy Meta đã giảm ưu tiên thực thi chống lừa đảo trong những năm gần đây, nguyên nhân được đưa ra là tránh gỡ nhầm quảng cáo. Công ty cũng cắt giảm chi phí và chuyển nguồn lực sang xử lý các vấn đề khác như buôn người, nội dung tự sát.

Meta từ bỏ kế hoạch yêu cầu xác minh nhà quảng cáo như đang áp dụng với quảng cáo chính trị, vì lo ngại giảm doanh thu. Chủ sở hữu Facebook chỉ xem lừa đảo là trải nghiệm xấu của người dùng hơn là mối đe dọa lớn với những người yếu thế.

Một phân tích giữa năm 2022 chỉ ra do không được ưu tiên, số lượng đánh giá lừa đảo trong các hội nhóm Facebook đã giảm 46%.

Hơn nữa, Meta viện dẫn Mục 230 luật viễn thông Mỹ để khẳng định không chịu trách nhiệm pháp lý với nội dung lừa đảo từ bên thứ ba.

Trong một vụ kiện về lừa đảo tiền điện tử, công ty lập luận: “Meta không có nghĩa vụ bảo vệ người dùng”. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu Meta có thực sự muốn giải quyết vấn đề, hay chỉ đang che đậy để bảo vệ lợi nhuận?

Người phát ngôn Meta cho rằng những tài liệu mà Wall Street Journal được xem đã lỗi thời. Công ty đã tăng cường đầu tư vào chống lừa đảo từ nửa sau năm 2022, gỡ bỏ hơn 2 triệu tài khoản liên kết đến hoạt động lừa đảo có tổ chức năm 2024. Trong số tài khoản nhà quảng cáo bị đóng, gần 70% bị phát hiện trong vòng một tuần sau khi tạo.

Câu chuyện của Edgar Guzman và hàng triệu nạn nhân khác là lời cảnh tỉnh về “đại dịch lừa đảo” trên Facebook và Instagram. Meta, với sức mạnh công nghệ và nguồn lực khổng lồ, có thể tạo ra sự thay đổi lớn, nhưng phản ứng nửa vời và ưu tiên lợi nhuận của hãng đang khiến người dùng trả giá.

Để lấy lại niềm tin, Meta cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chống lừa đảo, siết chặt kiểm soát quảng cáo và chịu trách nhiệm với cộng đồng hơn 3 tỷ người dùng.

Nếu không, những chiếc bẫy trực tuyến sẽ tiếp tục giăng khắp các nền tảng này, biến giấc mơ kết nối toàn cầu thành cơn ác mộng không lối thoát.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn