Nhảy đến nội dung

Đại biểu Quốc hội: Tài sản ảo, tài sản số ‘không thể nói chung chung’

TPO - Đối với với tài sản ảo, tài sản mã hóa và các tài sản số khác, đại biểu Quốc hội đề nghị phân biệt rõ 3 nhóm tài sản số này để đưa ra cơ chế quản lý phù hợp.

TPO - Đối với với tài sản ảo, tài sản mã hóa và các tài sản số khác, đại biểu Quốc hội đề nghị phân biệt rõ 3 nhóm tài sản số này để đưa ra cơ chế quản lý phù hợp. 

Chiều 9/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đại biểu Quốc hội: Tài sản ảo, tài sản số ‘không thể nói chung chung’ ảnh 1

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định). Ảnh: Như Ý

Quan tâm đến tài sản số tại dự thảo, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) đánh giá, đây là một điểm mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đã đặt ra từ lâu.

Tuy nhiên, ông đề nghị cần phân biệt 3 nhóm rõ ràng hơn, với tài sản ảo, tài sản mã hóa và các tài sản số khác.

Đối với tài sản ảo, việc lấy tiêu chí dùng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư để phân biệt với các tài sản số khác thì không thuyết phục. “Không thể lấy tiêu chí về vấn đề mục đích trao đổi hay mục đích đầu tư để phân loại các tài sản số”, ông nói.

Qua nghiên cứu, ông Ba cho rằng, tài sản ảo là tài sản được tạo ra bởi các công nghệ kỹ thuật số và phải gắn với một môi trường ảo cụ thể, không nói chung chung được.

“Ví dụ, tài sản là vàng trong một trò chơi game, trong hệ sinh thái game phải gắn với môi trường cụ thể, như thế mới xác định được là tài sản ảo”, đại biểu đoàn Bình Định cho hay.

Tương tự với tài sản mã hóa, theo ông, phổ biến trên thế giới là tài sản mã hóa gắn với công nghệ blockchain, ví dụ như Bitcoin.

Đại biểu Quốc hội: Tài sản ảo, tài sản số ‘không thể nói chung chung’ ảnh 2

Phân biệt rõ 3 nhóm tài sản số để đưa ra cơ chế quản lý phù hợp.

Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm

Từ các phân tích trên, đại biểu đề nghị phân biệt rõ 3 nhóm tài sản số này, để đưa ra cơ chế quản lý phù hợp.

Ông Ba cũng cho rằng, việc đặt dịch vụ cung cấp tài sản mã hóa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì không phù hợp. “Không thể có dịch vụ cung cấp tài sản mã hóa được. Nếu có thì chỉ là dịch vụ về tài sản mã hóa”, ông Ba nói.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đề nghị trong dự thảo nên có định nghĩa ngắn gọn, trong đó có thể bổ sung khái niệm tài sản số là một loại sản phẩm công nghệ số thứ phát, hay một loại hạ tầng công nghệ số dữ liệu để phân biệt với các loại tài sản khác.

Đại biểu Tân cũng lưu ý cân nhắc bổ sung nội dung quản lý nhà nước về tài sản số. Mục đích nhằm đảm bảo tính tương thích với phạm vi điều chỉnh của luật đối với công nghiệp bán dẫn và hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Tương tự như vậy, đối với các hành vi bị nghiêm cấm quy định trong dự thảo, cũng nên cân nhắc bổ sung một quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tài sản số.

Ngoài ra, đại biểu đoàn Hải Phòng cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể trong dự thảo luật mối quan hệ của chương trình phát triển công nghiệp công nghệ số với hệ thống các chiến lược quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành có liên quan.

Tiếp thu, giải trình cuối phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nói, sẽ tiếp tục cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc tất cả những ý kiến xác đáng mà các đại biểu nêu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Luân Dũng