Đại biểu Quốc hội lo bỏ sót thẩm phán giỏi nếu giới hạn độ tuổi bổ nhiệm

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng thực tế có nhiều cán bộ, thẩm phán trẻ tuổi nhưng rất tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.
Sáng 19/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND).
Về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) quan tâm đến một trong những điều kiện để được xem xét bổ nhiệm là có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên.
Theo đại biểu, việc đưa ra tiêu chuẩn về độ tuổi cứng như vậy là chưa thực sự hợp lý và cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Độ tuổi không thể là thước đo phản ánh năng lực, phẩm chất hay kinh nghiệm.
Bà Nga cho rằng trong thực tế hiện có nhiều cán bộ, thẩm phán trẻ tuổi nhưng rất tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm xét xử phong phú, từng giải quyết nhiều vụ án lớn và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.
Từ thực tế, đại biểu cho biết việc giới hạn tuổi tối thiểu có thể dẫn tới bỏ sót người có đủ tiêu chuẩn, năng lực nhưng tuổi đời chưa đủ theo quy định để bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao.
Theo nữ đại biểu, không nên quy định tiêu chuẩn độ tuổi từ 45 tuổi trở lên như dự thảo luật mà chú trọng đến các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, thời gian công tác, kinh nghiệm xét xử, đạo đức nghề nghiệp để lựa chọn người có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao.
Bên cạnh đó, bà Nga đề nghị nếu vẫn cần có giới hạn về độ tuổi thì nên bổ sung thêm cơ chế linh hoạt như trường hợp đặc biệt, người dưới 45 tuổi nhưng có đủ điều kiện về năng lực, thành tích nổi bật và được đánh giá xuất sắc trong công tác có thể được xem xét bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc giao thẩm quyền xét xử các vụ án phúc thẩm cho TAND Tối cao là phù hợp.
Cho rằng đề xuất TAND Tối cao được thành lập một số tòa án phúc thẩm trực thuộc, đại biểu đánh giá việc này là cần thiết vì sẽ thay cho hội đồng thẩm phán xét xử những vụ án kháng nghị và giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án cấp tỉnh chuyển lên.
Theo ông, trong mỗi năm, TAND Tối cao xét xử hàng nghìn vụ việc nên việc có tòa án phúc thẩm trực thuộc sẽ giảm gánh nặng cho tòa tối cao. Đại biểu đề nghị giao thêm thẩm quyền trong xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm cho các tòa phúc thẩm.
Đối với đề xuất tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao từ 13 đến 17 người lên từ 23 đến 27 người, ông Hòa cho biết nếu đề xuất tòa phúc thẩm được xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thay cho hội đồng thẩm phán thì số lượng thẩm phán không cần thiết phải đông như đề xuất trên.
Ông cho rằng nếu giám đốc thẩm, tái thẩm giao cho hội đồng thẩm phán xét xử, việc đề xuất số lượng tăng 23-27 người là phù hợp.
Đề xuất tăng số lượng thẩm phán nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.
Theo TAND Tối cao, việc tăng số lượng thẩm phán tòa tối cao lên thành từ 23 đến 27 người là cần thiết.
TAND Tối cao và các tòa án cấp cao đang phải giải quyết khoảng 11.200 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm/năm; xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 1.000 vụ/năm.
TAND Tối cao cho rằng việc bổ sung điều kiện bổ nhiệm tuy có mở rộng nguồn nhưng vẫn bảo đảm nhân sự được bổ nhiệm phải là thẩm phán TAND và có các điều kiện, tiêu chuẩn khác tương đương hoặc cao hơn so với tiêu chuẩn, điều kiện của luật hiện hành. Người được xem xét bổ nhiệm thẩm phán tòa tối cao trong trường hợp đặc biệt này đều đã giữ chức vụ trưởng từ đủ 5 năm trở lên.