Đặc sản Ninh Bình có thân mềm, đầu giòn sần sật, càng ngon hơn vào ngày mưa

Sau những trận mưa mùa hè, người dân một số huyện ở Ninh Bình như Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan… lại lần theo các vách núi đá để “săn” đặc sản ngon lạ, vừa giòn sần sật, vừa mềm, có vị thơm của thảo mộc, lá cây.
Nhắc đến đặc sản Ninh Bình, ngoài những món ngon nức tiếng như thịt dê, cơm cháy, gỏi nhệch… còn có 1 món ăn dân dã cũng được nhiều người biết đến với mùi vị ngon lạ, thường xuất hiện vào mùa hè. Đó là ốc núi (hay còn gọi là ốc đá).
Loại ốc này có hình dạng giống ốc sên nhưng mình dẹt, dẹp và nhỏ, xoắn thành nhiều vòng. Vỏ chúng màu đen nhạt hoặc hơi ngả nâu, miệng tròn như đồng xu.
Theo người dân địa phương, khi những trận mưa rào đầu hè ập đến là thời điểm ốc núi xuất hiện nhiều nhất. Lúc ấy, bà con lại rủ nhau vào các thung lũng, lên núi, men theo các vách đá hoặc vào trong hang để tìm bắt loại ốc này.
“Sau mỗi trận mưa, ốc núi bám đầy quanh các bờ khe, hốc cây hay miệng hang trên núi. Loại ốc này chỉ cần thấy động là co đầu lại, nhả miệng, rơi lộp bộp xuống đất mà không bị vỡ, nứt vì vỏ khá dày”, chị Quỳnh Loan (ở huyện Nho Quan) chia sẻ.
Theo kinh nghiệm nhiều năm “săn” ốc núi của chị Loan, cứ những khu vực thoáng sạch, có nhiều cây thuốc quý là nơi ốc sinh trưởng tốt, dày ruột, mùi vị đặc trưng do chúng chủ yếu ăn rong rêu, rễ cây, lá, quả, thảo dược…
Những hôm trời nắng, con ốc ẩn mình trong các hang đá, gốc cây. Còn khi trời mưa hoặc đêm tối, ốc bò ra ngoài tìm kiếm thức ăn. Đặc biệt, nếu bắt vào ngày mưa, ốc núi được cho là đạt chất lượng nhất, thịt chắc mẩy và mọng, ăn giòn ngon.
Tuy nhiên, chị thừa nhận việc bắt ốc núi khá vất vả vì người dân phải đi men theo hết núi này đến núi nọ, cặm cụi quanh các vách đá cao.
“Thời điểm thuận tiện nhất để bắt ốc núi là buổi tối và ngày trời mưa nên người đi bắt ốc phải cẩn trọng vì đường đi trơn trượt, thiếu sáng. Chưa kể rừng núi ban đêm còn xuất hiện nhiều loại rắn, rết, côn trùng nguy hiểm”, chị Loan nói thêm.
Người phụ nữ này cho hay, ốc núi Ninh Bình được ưa chuộng vì giòn ngon, có vị thơm của lá thuốc và dễ chế biến.
Ốc mang về chỉ cần ngâm nước 15-20 phút, cho thêm chút ớt cay (hoặc lá chanh) để ốc nhả hết nhớt và bùn đất (nếu có). Sau đó, người ta rửa ốc với nước vài lần cho sạch rồi sử dụng làm thức ăn.
Món ngon và dễ làm nhất là ốc núi luộc, chấm cùng nước mắm hoặc muối tiêu chanh như các món ốc luộc quen thuộc khác. Ốc sơ chế sạch đem luộc cùng lượng nước vừa đủ, thêm sả, lá chanh để dậy mùi thơm.
Phần nước chấm ốc luộc cũng không cần quá cầu kì, chỉ cần nêm ít gia vị vào mắm như tỏi, ớt, quất, gừng và thêm tí sả, lá chanh thái nhỏ là được.
Ngoài luộc, ốc núi cũng được bà con địa phương làm chín rồi khều lấy ruột, kết hợp cùng hoa chuối rừng thành món nộm giải ngấy thơm ngon hoặc chế biến món xào sả ớt, hấp mẻ…
Chị Nguyễn Hằng (ở Hà Nội) từng thưởng thức ốc núi Ninh Bình nhiều lần nhận xét, thịt ốc giòn sần sật ở phần đầu và mềm ở phần thân, đuôi. Đặc biệt, thịt rất thơm do loại ốc này thường ăn các loại lá, rễ cây thảo dược mọc tự nhiên trên núi.
Vì loại ốc này sống khỏe, có thể vận chuyển tới một số tỉnh thành lân cận nên chị Hằng thường nhờ người quen ở Ninh Bình đặt mua giúp để mang về chế biến món ăn vặt lạ miệng cho cả gia đình thưởng thức.
“Ốc núi nhẹ nhưng thịt dày nên chế biến xong không bị hao. Món này chỉ cần đem luộc chín tới rồi chấm nước mắm sả, lá chanh là ăn khó ngừng lại được. Phần đầu dai giòn sần sật, còn thân mềm, nhạt nhưng dậy mùi thơm đặc trưng.
Nhà tôi 4 người có thể ăn hết cả 2kg ốc một bữa”, nữ thực khách chia sẻ.