Đã mắt cảnh người miền Tây tát đìa bắt cá lóc 'khủng', nướng trui thơm lừng

Những ngày nắng nóng làm nhiều ao đìa cạn nước, nông dân ở miền Tây tranh thủ tát đìa bắt cá. Tát đìa xong, chủ đìa lấy mớ cá ngon làm nhiều món, trong đó có cá lóc nướng trui thơm nức.
Tờ mờ sáng, anh Võ Bé Sáu (ngụ huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã chuẩn bị châm xăng vào chiếc máy để chuẩn bị tát đìa. Vợ anh thì sửa soạn xô, thau, rổ, vợt để chờ đìa cạn bắt cá. Các con, cháu của anh cũng tề tựu rất đông để cùng tát đìa. Ngồi chờ đìa cạn, anh Sáu kể lại chuyện tát đìa thuở trước.
Anh nói, ở xóm hầu như nhà nào cũng có đìa, nó như một nét văn hóa đặc thù ở vùng này. Người dân Cà Mau thu hoạch cá bằng nhiều cách như tát đìa, chụp đìa, kéo lưới, mò…
“Ngày trước, vùng này cá đồng tự nhiên nhiều vô kể nên người ta chỉ cần đào đìa, đợi nắng hạn là cá từ ngoài đồng vào trú ẩn đầy ắp. Hồi xưa tát đìa là cả xóm lại phụ, đắp đập và tát nước bằng tay, bằng gàu sòng rất lâu nước mới cạn, dù đã xả nước ra bọng từ đêm trước.
Cánh thanh niên lực điền thay nhau tát nước đến mấy tiếng đồng hồ, đìa mới trơ đáy. Bây giờ thì đã có máy, dụng cụ bơm nước nên rất tiện, chỉ tốn vài lít xăng là đìa cạn nước”, anh kể.
Anh Sáu nói thêm, cá trong đìa rất đa dạng, nhiều nhất là cá rô, cá lóc, sặc, cá chốt, thát lát… Khi nước đìa cạn hết, mọi người xúm lại bắt cá. Cá đồng thường chui sâu dưới bùn nên mọi người phải ngâm mình trong bùn, mò trong cỏ, trong hang mới bắt được cá lớn. Dân bắt cá đìa sợ nhất là cá chốt bởi chúng có ngạnh đâm rất đau.
"Mỗi đìa thường có khoảng 4-6 người bắt cá và 2-3 người rửa cá. Cá sau khi bắt lên được rửa sạch để trữ lại, còn cá nhỏ thì thả về các ao đìa khác để làm giống. Bây giờ cá ít nên người ta chỉ thu hoạch vào những dịp lễ, Tết. Cá không còn là nguồn thu chính như ngày xưa nữa. Bây giờ tát cái đìa chỉ thu được vài chục ký cá, chứ hồi xưa tát đìa là mấy trăm ký cá lận”, anh Sáu nói và cho biết, tát đìa xong thường chia cá cho anh em để đem về ăn.
“Những con cá lóc, cá rô bự nhất sẽ mang nướng để anh em nhậu lai rai…”, anh Sáu cười nói.
Anh Nguyễn Hoàng Vũ (ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ, việc tát đìa thường diễn ra vào mùa khô, khoảng tháng 2–3 âm lịch, khi ruộng và các kênh mương bắt đầu cạn nước, khiến cá dồn về đìa.
“Anh em trong xóm, nhà nào tát đìa thì mấy đứa kéo nhau tới phụ bắt cá rồi nhậu chơi. Ở đây tụi tôi chỉ bắt cá bằng tay, không dùng điện hay xung điện gì hết. Nước cạn, cá lẩn dưới lớp bùn nên phải mò, cá chạy đụng người là mình chộp liền. Nếu đìa trúng cá, có thể bán được 3-4 triệu đồng,” anh Vũ nói.
Tát đìa xong, chủ đìa lấy mớ cá ngon làm nhiều món, đãi bà con hàng xóm để cảm ơn mọi người phụ mình. Người dân miền Tây quan niệm “con cá bán ra tiền xài cũng hết, nhưng có lòng lựa cá ngon đãi khách thì tình nghĩa lâu dài khó phai”.
Trong các món ngon từ cá đồng phải kể đến cá lóc nướng. Cá lóc nướng có thịt ngọt lịm, thơm nồng phảng phất mùi lửa than, ăn với mớ rau đồng tuy đơn giản nhưng nồng nàn hương vị đồng quê. Tát đìa được nhiều cá, người ta còn làm khô, làm mắm để ăn dần.
Những năm gần đây lượng cá đồng giảm đáng kể, nhưng giá trị kinh tế cao hơn. Hiện giá cá lóc đồng vào khoảng 100.000-120.000 đồng/kg, cá rô, thác lác khoảng 80.000 đồng/kg.