Nhảy đến nội dung
 

Cựu vụ phó khai được chủ doanh nghiệp 'đưa một xấp sổ đỏ' để chọn

Ngày 28/5, ông Nguyễn Lộc An, 60 tuổi, cựu vụ phó Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, bị TAND Hà Nội xét xử về tội Nhận hối lộ. Ra tòa còn có hai lãnh đạo doanh nghiệp và kế toán trưởng.

Ông An bị cáo buộc trong thời gian đương chức đã giúp đỡ, cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho hai doanh nghiệp thân thiết khi họ chưa đủ điều kiện. Sau này khi mua biệt thự, ông "gợi ý" và được họ đưa tổng 14,2 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, ông An thừa nhận số tiền như bị truy tố, song xin kể lại đầu đuôi sự việc để HĐXX xem xét "coi đó là nhận hối lộ, hay chỉ là món quà bạn bè thân quý tặng nhau".

Tại doanh nghiệp đầu tiên là Công ty Bách Khoa Việt, ông An khai quen Chủ tịch Trần Thị Loan Phương từ năm 2012 qua một người bạn. Bà Phương khi này chưa làm gì liên quan xăng dầu, "rất hoàn cảnh, một nách 2 con, ly dị, sống trong ngõ lao động".

"Bạn tôi lúc đó đã kinh doanh xăng dầu, chủ động bảo giúp Phương chứ không phải tự nhiên tôi giúp", cựu vụ phó kể.

Ông An gợi ý bà Phương kinh doanh nhỏ lẻ trước, thuê lại các cửa hàng xăng dầu và đăng ký làm thương nhân phân phối. Chính ông tìm các cơ sở đầu tiên cho bà bắt đầu gây dựng sự nghiệp nên luôn quan niệm Bách Khoa Việt do "một tay" mình dựng lên.

Món tiền đầu tiên ông được bà Phương tặng là 200 triệu đồng, bắt nguồn từ một chuyến đi nước ngoài. Ông nhờ mua hộ "ít đồ xách tay" nhưng do bận việc, bà này không mua được.

"Phương sau đó đến tận nhà, tặng tôi cái áo sơ mi. Khi mở túi có 200 triệu đồng. Tôi gọi điện hỏi thì Phương nói: "Em đi nước ngoài về chả có gì, anh mua chút quà cho gia đình. Tôi nghĩ anh em thân tình nên nhận", ông An khai.

Sau này, khi bà Phương kinh doanh lớn mạnh, có ý định xin giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thay vì chỉ làm thương nhân phân phối. Ông An khai ban đầu không nhận lời giúp ngay còn gàn: "Em cứ làm thương nhân phân phối đi. Làm xuất nhập khẩu mà em không làm được là lỗ đấy". Nhưng sau đó bà Phương vẫn muốn làm. Ông An do đó điều phối cho bà Phương gặp cấp dưới để bổ sung các thành phần còn thiếu trong hồ sơ.

Còn theo VKS cáo buộc, ông An kiểm tra hồ sơ đã "biết rõ" doanh nghiệp này chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định nhưng vẫn "chủ động hướng dẫn" bà Phương hợp thức các điều kiện.

Khi được Bộ Công Thương giao làm trưởng Đoàn thanh tra doanh nghiệp này, ông An bị cáo buộc chỉ đạo các thành viên Đoàn kiểm tra không kiểm tra hết mà chỉ kiểm tra 6/10 cửa hàng, 21/42 đại lý; không kiểm tra thực tế tại kho tiếp nhận xăng dầu và cầu cảng. Đoàn kiểm tra sau đó vẫn kết luận công ty "đáp ứng đủ các điều kiện". Doanh nghiệp do đó được cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Theo lời kể của ông An, việc nhận 9 tỷ đồng của bà Phương diễn ra trước khi bà xin giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu. Dù mới làm thương nhân phân phối nhưng theo ông, công ty của bà Phương làm ăn cực kỳ khởi sắc. "Phương bảo có tháng kiếm 30 tỷ, em muốn tặng anh một cái nhà", ông An trình bày trước tòa.

Trước bục bị cáo, cựu vụ phó sau đó xòe hay tay ra làm động tác định lượng, kể năm 2017 từng được "em Phương" chìa ra trước mặt một chồng sổ đỏ "dày thế này", nói: "Anh thích quyển nào chọn đi, em tặng anh". Song ông An từ chối.

Ông An khai khi này đang ở chung cư, đang tích cóp tiền để xuống nhà đất, có nói với bà Phương việc sợ "không đủ lực". Nghe vậy, bà Phương đề xuất: "Thế thì em giúp anh 10 tỷ". Cân đối các khoản, ông An nói chỉ cần 9 tỷ.

"Anh vay em 4 tỷ, còn anh xin em 5 tỷ", ông An khai. Bà Phương chuyển số tiền này vào tài khoản của vợ ông.

Sau này trong một lần gặp lại nhau, khoảng vài tháng trước khi ông bị bắt, ông đã đề nghị trả 4 tỷ nhưng bà Phương không lấy.

Trong khi đó, cáo trạng nêu khi được ông An "gợi ý" đưa tiền, bà Phương hiểu công ty phải được giúp đỡ mới có thể được nâng cấp lên làm thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu nên đồng ý "hỗ trợ" tiền mua nhà.

Còn tại Công ty Hưng Long, ông An bị cáo buộc nhận 5 tỷ đồng, cũng với mục đích giúp đỡ doanh nghiệp này có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Theo ông đây là sự việc khiến "đau lòng" khi kể lại vì người đưa tiền là bạn bè "con chấy cắn đôi" - chủ tịch Nguyễn Tuấn Quỳnh.

Theo ông An, họ học cùng lớp, thân thiết như tay chân, giúp nhau từ khi ông Quỳnh còn làm tại doanh nghiệp nhà nước, đến sau này lập doanh nghiệp riêng. Mùa hè năm 2015, ông Quỳnh dẫn bạn đi chơi, xem đất và gợi ý tặng một mảnh. Nhưng ông An nói từ chối và cũng kể lại chuyện sắp mua nhà.

"Quỳnh nghe thế thì bảo 'để tôi giúp ông', sau đó chuyển 5 tỷ đồng", ông An khai.

Chủ tọa Đặng Mạnh Cẩm Yến hỏi: "Cái biệt thự đó tổng bao nhiêu tiền mà sao hỏi nhiều chỗ thế?". Cựu vụ phó đáp: 35 tỷ đồng. Vợ chồng ông khi đó chỉ có 15 tỷ, còn lại vay mượn.

"Tôi lâu nay vẫn nói mua được nhà là nhờ Quỳnh, tôi chẳng giấu giếm gì. Còn về tội nhận hối lộ, có thể tôi phạm tội thật vì mình nhận khi giữ chức đó", ông An nói.

Khai báo sau đó, ông Quỳnh bật khóc cầm tay ông An, nói chỉ là bạn bè cho nhau mượn tiền khi khó khăn, vì khi ông khó, bạn đã giúp. "Chúng tôi thân thiết như tay chân, xin tòa khoan hồng cho tôi và cho An", bị cáo Quỳnh khai báo khi ngồi trên xe lăn.

Ông khẳng định doanh nghiệp của mình nộp thuế, thực hiện đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Trong khi đó, công ty Bách Khoa Việt bị cáo buộc đã lấy hết tiền trong quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp chi tiêu không đúng mục đích, gây thất thoát 105 tỷ đồng cho nhà nước. Doanh nghiệp này cũng còn nợ hơn 145 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.

"Các bị cáo nghĩ xem, người dân người ta gò lưng ra đóng thuế. Bây giờ công ty thất thoát 250 tỷ đồng bạc của nhà nước, có phải số tiền nhỏ đâu. Hãy suy nghĩ xem trách nhiệm của mình đến đâu. Mình phải nghĩ cái trách nhiệm của mình, sao lại nhận tiền hối lộ để cấp phép cho cái doanh nghiệp chưa đủ điều kiện như thế, để họ gây ra hậu quả lớn thế", chủ tọa phân tích.

Theo cáo trạng, doanh nhân Trần Thị Loan Phương bị xác định có hành vi đưa hối lộ. Song khi hành vi chưa bị phát giác, bà đã nhận thức sai phạm, chủ động làm đơn tố giác ông An. Bà thành khẩn, ăn năn, tích cực hợp tác làm rõ bản chất vụ án do đó được các cơ quan tố tụng miễn trách nhiệm hình sự.

HĐXX cho hay sẽ công bố đơn tố cáo của bà này trong quá trình xét xử để ông An nhận thức rõ hành vi của mình.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Thanh Lam

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn