Cứu sống 2 sinh viên nguy kịch do bị đâm 20 nhát dao trên người

Hai sinh viên tại TP.HCM đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với nhiều vết thương do bị dao đâm khắp người.
Ngày 16-5, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho 2 sinh viên trong tình trạng nguy kịch, trên người có nhiều vết thương.
Trước đó, các bác sĩ khoa cấp cứu đã tiếp nhận 2 sinh viên một nam, một nữ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị đâm hơn 20 nhát dao.
Qua thăm khám lâm sàng cả hai bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện những vết thương vô cùng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng, không thể trì hoãn việc can thiệp phẫu thuật.
Bệnh viện đã nhanh chóng kích hoạt báo động đỏ, huy động các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa để thực hiện ca phẫu thuật giành lại sự sống cho 2 bệnh nhân.
BS.CKI Trương Hoài Sơn, người trực tiếp tiếp nhận hai ca cấp cứu trong đêm cho biết nam sinh nhập viện với vết thương vùng ngực, bụng, vết rách ở cẳng tay phải.
Qua thăm khám, phát hiện chảy máu ổ bụng, đứt động mạch vùng bụng, máu đỏ phun thành vòi liên tục.
Ngay sau khi tiếp nhận nam sinh, một nữ sinh nghi liên quan đến vụ việc cũng được đưa vào khoa cấp cứu.
Bước đầu xác định, nữ sinh bị thương nặng hơn với hơn 20 nhát dao ở thành bụng, ngực, vai và cánh tay. Trong đó, có những vết đâm xuyên vào thùy giữa phổi phải, xuyên đến vùng thượng vị, hạ sườn phải.
Kết quả cận lâm sàng tại giường còn cho thấy người bệnh bị tràn khí màng phổi. Ê kip cấp cứu đã nhanh chóng đặt ống dẫn lưu màng phổi và hồi sức ngay tại giường để cứu sống hai nạn nhân.
Trước tình trạng nguy kịch của các nạn nhân, hai ca phẫu thuật khẩn đã lập tức được tiến hành xuyên đêm, ca mổ kéo dài từ 22 giờ khuya đến 3 giờ sáng hôm sau dưới sự phối hợp khẩn trương, nhịp nhàng giữa các chuyên khoa.
Nam sinh được ê kíp phẫu thuật nhanh chóng kiểm soát tình trạng chảy máu, khâu cầm máu động mạch tổn thương và đặt dẫn lưu ổ bụng để xử lý dịch và máu tụ, giữ ổn định cho người bệnh.
Nữ sinh được đặt dẫn lưu phổi, khâu phục hồi các lỗ thủng dạ dày, tá tràng và lần lượt xử lý các vết thương phần mềm, nhằm kiểm soát chảy máu, ngăn biến chứng nguy hiểm.
Hiện cả hai đã qua cơn nguy kịch, mạch huyết áp ổn định, không còn chảy máu, tiếp xúc tốt, được chăm sóc hậu phẫu chuyên sâu tại khoa ngoại tổng hợp, dưới sự theo dõi sát sao của đội ngũ y bác sĩ.