Nhảy đến nội dung
 

Cựu Đại úy Công an TPHCM cầm đầu đường dây buôn lậu lĩnh án

(Dân trí) - Bản thân là cảnh sát chống buôn lậu, Hoàng Duy Tiến biết rõ quy định pháp luật nhưng đã thành lập 47 công ty để nhập lậu lượng hàng hóa trị giá hơn 217 tỷ đồng.

Sau 3 ngày xét xử, chiều 18/4, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Hoàng Duy Tiến (40 tuổi, cựu đại úy công an) 12 năm tù và Võ Văn Đông (58 tuổi, cựu trung tá) 5 năm tù về tội Buôn lậu.

Cả hai bị cáo từng công tác tại Đội phòng chống buôn lậu thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM.

Liên quan tới vụ án, những đồng phạm còn lại bị phạt mức án 5-11 năm tù.

HĐXX nhận định, bị cáo Hoàng Duy Tiến là người trực tiếp thỏa thuận với công ty giám định để làm khống chứng thư giám định và tự thỏa thuận với nhóm chủ hàng về chi phí nhập khẩu container, nên được xác định là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án.

Đối với các bị cáo là chủ hàng, HĐXX cho rằng các bị cáo phải chịu trách nhiệm đồng phạm với bị cáo Tiến, nhưng xét về giá trị hàng hóa dao động 1-5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất nhỏ đối với số tiền 217 tỷ đồng mà Tiến hưởng lợi. Các bị cáo là nhân viên trong vụ án phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Tiến.

Quá trình điều tra và xét xử cho thấy, các bị cáo làm theo chỉ đạo của Tiến nhưng phạm tội có tổ chức; hành vi của các bị cáo diễn ra trong thời gian dài, hành vi của các bị cáo này là tiền đề để các bị cáo tiếp theo thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của bị cáo Tiến.

Tuy nhiên, tòa xét thấy bị cáo thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong công tác, đã tác động gia đình tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả... nên được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm. Ngoài ra, HĐXX ghi nhận lời khai của Tiến là chứng cứ quan trọng để xử lý sai phạm của bị cáo Đông.

Đối với các bị cáo được Tiến thuê thực hiện một số công việc liên quan tới hành vi buôn lậu, HĐXX xác định những người này làm công hưởng lương, có vai trò thứ yếu nên giảm nhẹ một phần hình phạt.

Bản án xác định, Tiến đã móc nối với các chủ cơ sở kinh doanh nhập thiết bị từ Nhật Bản, Trung Quốc (đã sản xuất trên 10 năm) với giá rẻ về bán. Mỗi container họ phải trả tiền công 78-90 triệu đồng cho Tiến, bao gồm cả phí "lót tay" cán bộ kiểm hóa của hải quan...

Đại úy cảnh sát đã thuê nhân viên, chỉ đạo lập 47 công ty, làm hồ sơ nhập khẩu. Để thông quan hàng hóa, Tiến chỉ đạo nhân viên mở 1.153 tờ khai hải quan, chỉnh sửa năm sản xuất của hàng hóa dưới 10 năm (để đủ điều kiện theo quy định), kê khai giảm giá trị xuống thấp để trốn thuế. Đồng thời, cán bộ công an này móc nối Công ty Giám định Đại Minh Việt để lập khống các chứng thư giám định đối với hàng hóa, từ đó nhập khẩu trót lọt máy móc, thiết bị cũ không đủ điều kiện nhập khẩu từ nước ngoài về.

Từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2021, Tiến đã nhập lậu trót lọt 1.287 container hàng với tổng giá trị hơn 217 tỷ đồng. Ngoài ra, từ tháng 2 đến tháng 5/2021, Tiến còn làm thủ tục, hồ sơ nhập khẩu và vận chuyển trót lọt 6 container hàng lậu trị giá hơn 900 triệu đồng cho Đông.