Cuộc tháo chạy kinh hoàng lên đỉnh núi của hơn 100 dân bản Có Hạ

(Dân trí) - Khi cơn lũ ập đến, cả bản với hơn 100 người cùng hô hoán nhau chạy thẳng lên núi tránh trú. Suốt cả đêm họ đứng giữa mưa lạnh, sáng trở về nhiều nhà đã bị cuốn trôi, tài sản mất trắng.
Chạy trong tiếng lở núi, dầm mình giữa đêm mưa
Ngày thứ tư sau trận sạt lở núi, lũ quét kinh hoàng, người dân bản Có Hạ, xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương cũ), tỉnh Nghệ An, vẫn chưa hết bàng hoàng, gương mặt ai cũng thất thần, sợ hãi.
Trở về nhà sau cuộc tháo chạy khỏi trận lũ quét, chị Seo Thị Tuyết (SN 1985) với gương mặt xanh xao, ánh mắt đượm buồn, nhìn toàn bộ tài sản của gia đình chỉ còn lại đống đổ nát. Chị bới lớp đất đá nhặt nhạnh một vài bộ quần áo cho con nhưng chẳng còn thứ gì có giá trị, toàn bộ tài sản đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Ở bản đặc biệt khó khăn, xa xôi, quanh năm sống dựa vào ruộng lúa, nương ngô nên cách đây ít tháng, chồng chị là anh Moong Văn Quý (SN 1977) cùng nhóm thanh niên trong bản lên xã Quế Phong, tỉnh Nghệ An làm thuê.
Lúc 17h ngày 22/7, khi chị và con trai đang ở nhà nghe tiếng ầm ầm phát ra từ ngọn núi sau nhà. Cùng thời điểm, dưới khe suối Nậm Hi, dòng nước lũ đổ về cuồn cuộn. Nghe tiếng người dân hô "lở núi", chị vội vã cùng con trai tháo chạy.
“Vừa chạy ra khỏi nhà thì lượng lớn đất, đá từ trên núi dội xuống vùi lấp toàn bộ, tài sản bị cuốn trôi xuống dòng suối. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, tôi không kịp mang theo tài sản, duy nhất chỉ có bộ quần áo trên người. Lúc đó, cả làng sợ hãi, mọi người hô hoán nhau chạy ngược lên một quả núi gần bản để tránh trú”, chị Tuyết kể lại giây phút trận lũ quét, sạt lở núi tàn phá bản làng.
Cũng như chị Tuyết và hàng chục hộ khác ở bản Có Hạ, gia đình ông Lương Văn Liên (SN 1972), có 5 thành viên. Ngày 22/7, khi bữa cơm chiều mới được nấu xong, cả gia đình ông chưa kịp ăn thì cơn lũ ập đến, đất đá từ trên núi tràn xuống.
Ông Liên và nhiều người dân bản Có Hạ hô hoán nhau bỏ chạy. Trên ngọn núi cao với thời tiết mưa xối xả, cả gia đình ông chỉ biết ôm chặt lấy nhau, cùng cầu nguyện cho căn nhà không bị tàn phá.
Thế nhưng sau đêm trắng chạy lũ, ông Liên quay trở về bản thì tài sản không còn gì, căn nhà bị dòng nước lũ và đất, đá vùi lấp, cuốn trôi; hầu hết tài sản đã mất hoặc hư hỏng.
“Mưa, đói, rét, tôi sợ hai con sẽ chết”
Nhà ở sát bờ suối Nậm Hi, 3 mẹ con chị Moong Thị Vân (SN 1993) đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì trận lũ quét ập đến. Trong cơn hoảng loạn, chị địu con nhỏ trước ngực, dắt theo đứa lớn 8 tuổi tức tốc men theo đường mòn trên đỉnh núi.
“Thấy nước lũ đổ về, tôi ôm con định chạy ngược lên nhà hàng xóm để trốn. Nhưng khi gần đến nơi, tôi thấy mọi người nháo nhác bỏ nhà tháo chạy lên núi nên tôi ôm con đi theo”, chị Vân nói.
Chị Vân kể, do đường trơn, đá trượt, mẹ con chị cùng nhóm người men theo đường mòn để lên đỉnh núi. Đến 23h ngày 22/7, hàng chục hộ dân với hơn 100 nhân khẩu gồm người già, trẻ nhỏ, đàn ông, phụ nữ ở bản Có Hạ mới tìm được nơi tránh trú - đó là một lán nhỏ trên đỉnh núi.
Theo chị Vân, suốt khoảng thời gian từ 23h ngày 22/7 đến rạng sáng 23/7, giữa thời tiết mưa lớn, lại không có chăn, hai con của chị chân tay run lên lập cập, mặt tái mét vì lạnh và đói. Một số người già mệt mỏi, kiệt sức.
“Sợ lắm! Khi trận lũ xảy ra, cả nhà chưa kịp ăn cơm. Hai con của tôi thì mặc áo cộc tay, ở trên đỉnh núi cháu bị rét, đói, run. Đến nửa đêm, 2 đứa bị sốt. Lúc đó tôi chỉ lo hai con chết, không gặp được người thân trong gia đình nữa”, chị Vân run run khi nhắc lại giây phút kinh hoàng trong đêm chạy lũ.
Gia đình chị Lương Thị Dương (SN 1987) có 4 thành viên cũng vừa trải qua đêm chạy lũ kinh hoàng, 22/7. Chị Dương cho biết rất may nhờ được chính quyền cảnh báo từ trước nên không có thiệt hại về người.
“Người già và trẻ con được mọi người cõng lên núi. Người già, trẻ con khóc suốt đêm vì sợ và mưa lạnh. Khi chạy tôi không mang theo được tài sản gì”, chị Dương chia sẻ.
Uống nước suối, chia nhau từng hạt gạo
Dù đã 4 ngày trôi qua nhưng bản Có Hạ vẫn đang bị cô lập. Có 2 hướng để đến bản nghèo này là quốc lộ 16 và quốc lộ 7 đều bị chia cắt bởi nước lũ và sạt lở. Riêng tuyến quốc lộ 16 có hàng trăm điểm sạt lở, cả tuyến đường như bị xé toang, mọi phương tiện không thể di chuyển.
Những ngày qua, nghe tin bản làng bị cô lập, nhiều người dân bản Có Hạ đi làm ăn xa nóng lòng, lo lắng, không liên lạc được vì điện lưới, sóng điện thoại mất. Họ nghỉ việc để băng rừng, lội suối về quê thăm gia đình.
“Nghe tin nhà bị cuốn trôi, tôi tức tốc lên đường về quê thăm vợ con. Nhưng phải mất gần nửa ngày đường đi bộ mới về được đến nhà. Khi về đến nơi, thấy vợ con vẫn an toàn, tôi mừng đến phát khóc. Nhưng tài sản đã bị cuốn trôi hết rồi”, anh Moong Văn Quý (SN 1977, chồng chị Tuyết) tâm sự.
Sạt lở, lũ quét đi qua, người dân bản Có Hạ đang gấp rút hỗ trợ nhau thu dọn đồ đạc, vật dụng trong nhà để sớm ổn định lại cuộc sống. Hiện người dân bản Có Hạ bị cô lập giữa núi rừng, họ thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống... Nơi đây cũng chưa có điện lưới, sóng điện thoại trở lại.
Chị Hà Thị Hoa (SN 1983) chia sẻ, sau trận lũ, gia đình chị thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Toàn bộ số hàng tạp hóa, 2 con trâu và hàng chục con gà của gia đình cũng trôi theo dòng nước lũ.
“Mất hết rồi, chẳng còn gì cả. Mấy hôm nay chúng tôi phải chia nhau từng cốc nước, hạt gạo để cứu nhau lúc hoạn nạn. Không có nước uống, điện lưới bị hư hỏng, sóng điện thoại bị gián đoạn nên người dân đang phải nương tựa vào nhau để khắc phục sự cố”, chị Hoa khóc nức nở.
Theo người dân địa phương, điều khó khăn nhất lúc này là nước uống và thực phẩm, thuốc men. Do đường ống dẫn nước suối sinh hoạt hàng ngày bị đất đá vùi lấp, một số hộ dân phải dùng tạm nguồn nước từ các khe, rãnh để sinh hoạt. Họ mong mỏi trời không mưa nữa, giao thông được khắc phục để sớm ổn định lại cuộc sống.
"Nhà nào còn gạo thì chia cho những hộ bị cuốn trôi hết tài sản. Mấy hôm nay chúng tôi chia gạo cho nhau để nấu cơm, cháo loãng. Hy vọng mọi khó khăn sớm qua đi", bà Lường Thị Dương chia sẻ.