Cuộc gọi tiếp thị bán hàng: Cục A05 sẽ thu hồi giấy phép nếu vi phạm

(Dân trí) - Tình trạng các cuộc gọi từ SIM rác, đặc biệt là cuộc gọi quảng cáo và lừa đảo, đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, gây bức xúc lớn trong dư luận.
Vấn đề này không chỉ làm phiền người dân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh thông tin và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an, đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm siết chặt quản lý, xử lý vi phạm.
Nỗi ám ảnh từ những cuộc gọi không mong muốn
Tại tọa đàm "Mức độ trưởng thành của doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam trong việc sẵn sàng ứng phó với các sự cố" do Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) tổ chức ngày 21/5, nhiều vấn đề liên quan đến vấn nạn SIM rác, cuộc gọi làm phiền được đưa ra trao đổi.
Sau một thời gian dài tương đối yên ổn, khoảng vài tháng trở lại đây, người dân lại phải đối mặt với "cơn bão" cuộc gọi từ các số điện thoại cố định, chủ yếu là cuộc gọi tiếp thị bán hàng (telesales) với tần suất dày đặc.
Chia sẻ tại tọa đàm, nhà báo Việt Nga (báo Hà Nội Mới) cho biết, nhiều cuộc gọi dạng này xuất phát từ các doanh nghiệp được Cục An toàn Thông tin cấp phép, thường là công ty con của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực truyền thông, ngân hàng, tài chính, chứng khoán...
Bà Nga bày tỏ: "Dù đã có quy định về hoạt động gọi điện quảng cáo, nhưng các đơn vị này thường xuyên vi phạm, ví dụ như không kiểm tra xem chủ thuê bao đã đồng ý nhận cuộc gọi hay chưa, và gọi điện vào những giờ giấc không phù hợp, gây phiền hà".
Dù tình hình có cải thiện sau đợt kiểm tra và xử phạt mạnh tay của Cục An toàn Thông tin khoảng 6 tháng trước, nhưng hiện nay, các cuộc gọi làm phiền từ doanh nghiệp chứng khoán, ngân hàng lại tái diễn, thậm chí còn có dấu hiệu bất chấp hơn.
Trước thực trạng này, bà Nga kiến nghị Trung tâm An ninh mạng thuộc Cục A05 cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn các doanh nghiệp đã được cấp phép, không để họ xem thường người dùng, đồng thời, bà đề nghị cơ quan chức năng cần yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp bị mạo danh phải có trách nhiệm khuyến cáo khách hàng rộng rãi để phòng tránh lừa đảo.
Đồng thời chỉ ra vai trò của các nhà mạng trong việc bán đầu số cho doanh nghiệp mà thiếu kiểm soát chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng.
Cùng chung mối quan tâm, nhà báo Thái Khang (báo Vietnamnet) nêu vấn đề về tính hiệu quả của các kênh phản ánh cuộc gọi rác hiện nay và vai trò của nhà mạng trong việc chủ động chặn các cuộc gọi làm phiền, thay vì "thả lỏng" để tăng doanh thu.
Ông Khang cũng đề cập đến chỉ đạo của Thủ tướng ngày 17/5 về việc tổng kiểm tra, chấn chỉnh SIM rác và tài khoản ngân hàng với mong muốn biết thêm về phương hướng triển khai của cơ quan quản lý.
Cơ quan chức năng sẽ siết chặt quản lý
Trước những lo ngại và phản ánh từ người dân, Thiếu tá Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Quốc gia, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, từ tháng 3, chức năng quản lý nhà nước về an toàn không gian mạng đã được chuyển về Cục A05, trong đó VNCERT được giao quản lý và cấp phép các đầu số brandname (đầu số hiển thị tên thương hiệu).
Về các cuộc gọi quảng cáo không đúng quy định, ông Hiếu khẳng định: "Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được nhiều phản ánh chính thức từ người dân về việc các đầu số brandname này có hoạt động quảng cáo không đúng quy định của luật quảng cáo.
Tuy nhiên, trong trường hợp nhận được phản ánh cụ thể... chúng tôi sẵn sàng triển khai các biện pháp chế tài, xử lý nghiêm, bao gồm cả việc thu hồi giấy phép đăng ký brandname đó".
Ông cũng kêu gọi người dân chủ động cung cấp thông tin phản ánh đến Trung tâm để có cơ sở xử lý. Đối với trường hợp brandname (tên định danh) bị sử dụng cho hoạt động lừa đảo, ông Hiếu đề nghị người dân phản ánh trực tiếp về Cục A05 để xử lý theo quy định pháp luật, bởi việc đăng ký brandname có hồ sơ quản lý rất chặt chẽ.
Liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng về SIM rác và tài khoản rác, ông Hiếu thông tin thêm, việc này đã được giao cho các đơn vị nghiệp vụ khác của Bộ Công an chủ trì xử lý, VNCERT chủ yếu hỗ trợ về mặt kỹ thuật.
Bên cạnh việc xử lý trực tiếp các vi phạm liên quan đến brandname, Cục A05 cũng đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ hơn để đảm bảo an ninh mạng nói chung.
"Cục A05 đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị ban hành tiêu chuẩn quốc gia về an ninh mạng, cũng như Bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành về an ninh mạng cho các cơ quan, doanh nghiệp. Cục cũng sẵn sàng tư vấn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, về các kế hoạch đảm bảo an ninh mạng phù hợp", Thiếu tá Hiếu chia sẻ thêm.
Về mặt pháp lý, Luật An ninh mạng, Luật An toàn Thông tin và Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp.
"Dự kiến đến tháng 10 năm nay, khi Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng 2025 và các quy định liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trên không gian mạng được ban hành, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm sẽ nghiêm khắc hơn rất nhiều", ông Hiếu cho biết.
Đại diện Trung tâm An ninh mạng Quốc gia khẳng định sẽ kiên quyết quy trách nhiệm cho doanh nghiệp nếu để xảy ra lộ lọt dữ liệu cá nhân, thậm chí xem xét xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cuộc chiến chống SIM rác và các cuộc gọi làm phiền, lừa đảo đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự chung tay của toàn xã hội.
Với những động thái mạnh mẽ từ Cục A05 và các đơn vị liên quan, cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao nhận thức người dân, hy vọng vấn nạn này sẽ sớm được kiểm soát, trả lại không gian thông tin trong sạch và an toàn cho người dân.
Trong khuôn khổ sự kiện, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) đã phát động cuộc thi sinh viên với Công ước Hà Nội. Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm dành cho tất cả sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng.
Công ước về chống tội phạm mạng (Công ước Hà Nội) là văn kiện của Liên hợp quốc nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý quốc tế mới với những công cụ thúc đẩy hợp tác phòng, chống tội phạm mạng.
Lễ mở ký Công ước sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 10. Cuộc thi diễn ra từ ngày 21 đến 20/6. Tham gia cuộc thi, sinh viên sẽ được cung cấp các tư liệu đa dạng, trực quan, giúp hiểu rõ các nội dung chính như: Bối cảnh ra đời, các nguyên tắc cốt lõi, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, vai trò của cá nhân, tổ chức trong việc tuân thủ và thực thi Công ước.