Cuộc chiến 'lưỡng bại câu thương' Mỹ - Trung

Chưa có một chỉ dấu rõ ràng để xuống thang, nhưng cuộc thương chiến đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến cho cả hai nước thiệt hại nặng nề.
Hôm qua (18.4), AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng cho hay nước này đang đàm phán với Trung Quốc xung quanh bất đồng thương mại giữa hai bên. Nhưng Tổng thống Trump tỏ ra thận trọng khi được hỏi về khả năng ông thảo luận trực tiếp với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. "Tôi chưa bao giờ nói liệu việc thảo luận trực tiếp có diễn ra không", ông Trump chia sẻ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ ngày 17.4 thừa nhận việc leo thang tăng thuế "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên chẳng đi đến đâu, bởi mức thuế hiện tại khiến hai bên cũng không thể giao thương với nhau.
Rủi ro cho Trung Quốc
Theo tờ South China Morning Post, tại một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ngày 17.4, Thủ tướng nước này Lý Cường kêu gọi các quan chức thúc đẩy kỳ vọng tích cực để "hình thành một sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ trong xã hội nhằm đối phó với rủi ro và thách thức".
Thực tế, sau khi bị Nhà Trắng áp thuế, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã bị đối tác hủy đơn đặt hàng. Bloomberg dẫn lời giám đốc kinh doanh của một công ty vận tải ở Trung Quốc ước tính khoảng 70% các lô hàng của họ đến Mỹ đã bị hủy hoặc tạm dừng sau khi ông Trump áp thuế trên 100% đối với hàng hóa Trung Quốc. Công ty vận tải này thậm chí còn phải cho một số tàu quay đầu dù đã rời cảng, vì bị phía Mỹ hủy đơn đặt hàng. Một số công ty Trung Quốc đã phải cắt giảm nhân viên, tiết giảm hoạt động sản xuất. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thiệt hại nghiêm trọng. Điển hình một công ty sản xuất thiết bị gia dụng và tấm lót nệm giữ ấm có doanh thu hằng tháng khoảng 14 triệu USD đã rơi về con số 0 do gần như hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Trong khi đó, doanh nghiệp này đã tìm cách mở rộng thị trường sang châu Âu nhưng hiệu quả không cao.
Trên mạng xã hội Trung Quốc đã xuất hiện nhiều phong trào kêu gọi "giải cứu" hàng hóa tồn kho vì không xuất khẩu được. Một số nền tảng thương mại điện tử cũng tung các gói hỗ trợ bán hàng tồn kho. Tuy nhiên, ngay từ trước khi thương chiến leo thang, thì tiêu dùng ở Trung Quốc đã giảm đi do sự hạn chế chi tiêu của người dân vì lo ngại kinh tế khó khăn, bất chấp chính quyền đã tung ra nhiều gói kích thích.
Nhiều công ty nước ngoài đang sản xuất tại Trung Quốc phải tìm cách thay đổi chuỗi cung ứng. Điển hình, Công ty Forno (Canada) chuyên cung cấp hàng gia dụng nhà bếp năm ngoái xuất khẩu 6.000 container hàng hóa từ Trung Quốc sang Bắc Mỹ, nhưng giờ đây đang tiến hành chuyển dịch hoạt động sản xuất về khu vực Bắc Mỹ.
Vừa qua, Trung Quốc đã phá giá nhân dân tệ ở mức 7,5% nhằm giảm giá hàng hóa xuất khẩu. Thế nhưng, mức phá giá này không đủ bù đắp cho thuế suất quá cao mà Mỹ áp dụng. Ngược lại, việc phá giá nhân dân tệ khiến hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc tăng giá cao hơn, đồng thời dẫn đến xu thế bán nhân dân tệ để mua ngoại tệ.
Thế khó cho Mỹ
Tất nhiên, Mỹ cũng đối mặt khó khăn không nhỏ từ cuộc thương chiến, nhất là khi nước này còn tăng thuế đối với hàng hóa của hầu hết nước khác. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang gặp khó khăn vì đứt gãy nguồn cung cấp hàng hóa từ Trung Quốc.
Tổng thống Trump ngày 17.4 lại lên tiếng chỉ trích Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell với cáo buộc "chơi trò chính trị" khi không cắt giảm lãi suất điều hành. Thậm chí, Tổng thống Trump còn đe dọa cách chức ông Powell.
Ngược lại, Chủ tịch Fed thời gian qua vẫn giữ vững quan điểm lo ngại lạm phát tăng cao, mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách thuế của Tổng thống Trump. Cách đây chưa lâu, ông Powell lên tiếng khẳng định Fed phải có trách nhiệm kiềm chế lạm phát. Theo ông, bối cảnh kinh tế hiện tại của Mỹ không chắc chắn nên việc Nhà Trắng tăng thuế nhập khẩu có thể khiến giá cả hàng hóa tăng cao khiến lạm phát tăng trở lại.
Vừa qua, ông Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc của Fed, cũng đưa ra một số nhận định về tình hình kinh tế Mỹ. Cụ thể, ông lo ngại nếu chính quyền Tổng thống Trump đẩy thuế quan cao hơn thì tăng trưởng kinh tế Mỹ "có thể sẽ chậm lại và làm tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp". Cụ thể, lạm phát có thể tăng lên khoảng 4% trong năm nay, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp có thể lên đến 5%, cao hơn đáng kể so với mức 4,2% hiện tại.
Theo dữ liệu do Fed New York công bố ngày 14.4, người tiêu dùng Mỹ có thể đối mặt với lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong năm tới. Cụ thể, trong 5 năm tới thì lạm phát ở mức 3% mỗi năm.
Các diễn biến vừa nêu khiến nền kinh tế Mỹ đối mặt sức ép không nhỏ, thậm chí bị cho là có thể rơi vào suy thoái.
Chính vì thế, cuộc thương chiến Mỹ - Trung hiện nay còn là liều thuốc thử cho khả năng chịu đựng của cả hai bên.