Nhảy đến nội dung
 

'Cùng em khôn lớn' – Hành trình ươm mầm hy vọng nơi miền biên giới

235 học sinh mầm non đã nhận được sự bảo trợ bữa ăn bán trú trong năm học 2024 - 2025. Tổng số bữa ăn dinh dưỡng được bảo trợ đến hết năm học đạt hơn 60.000 bữa và tổng số tiền đóng góp từ 226 nhà bảo trợ cá nhân và tổ chức là hơn 462 triệu đồng.

235 học sinh mầm non đã nhận được sự bảo trợ bữa ăn bán trú trong năm học 2024 - 2025. Tổng số bữa ăn dinh dưỡng được bảo trợ đến hết năm học đạt hơn 60.000 bữa và tổng số tiền đóng góp từ 226 nhà bảo trợ cá nhân và tổ chức là hơn 462 triệu đồng.

Giữa những dãy núi trùng điệp của huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, tại điểm trường Nà Ó thuộc Trường Mầm Non Thạch Lâm, ánh mắt của anh Lý Văn M. – người cha nghèo có tới bảy đứa con – ánh lên niềm hạnh phúc hiếm hoi khi kể cho chúng tôi nghe về những lời của cô con gái nhỏ nói về bữa ăn trưa ở trường. “Có thịt, có trứng, có rau, có canh... ngon lắm, con ăn no lắm bố ơi!” – lời kể hồn nhiên của bé Lý Thị D. khiến anh M. không khỏi nghẹn ngào.

Những bữa cơm có thịt không còn là điều xa xỉ

Anh M. là cha của hai bé D. và T., học sinh tại điểm trường Nà Ó, một trong hai điểm trường có điều kiện khó khăn nhất của xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Gia đình anh M. sống nhờ trồng ngô, nuôi bò, quanh năm lam lũ nơi vùng đất cằn cỗi. Gia đình anh phải lo đến từng bữa ăn, từng giấc ngủ cho các con.

'Cùng em khôn lớn' – Hành trình ươm mầm hy vọng nơi miền biên giới ảnh 1

Nhưng tất cả đã đổi thay từ khi dự án “Cùng em khôn lớn” của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tìm đến nơi này vào 5 năm trước, cuộc sống của các em nhỏ đã dần đổi khác. Bé D.và em trai T. mỗi ngày đều được đón nhận những bữa trưa ấm áp, đầy đủ dưỡng chất ngay tại điểm trường vùng cao.

Bữa cơm no bụng đã mở ra những giờ học an tâm, những ước mơ cũng vì thế mà lớn dần trong ánh mắt trong veo của lũ trẻ. Niềm vui ấy cũng chính là niềm hạnh phúc của những người cha như anh M. "Giờ các con được ăn ngon, ăn no, được học để có cái chữ, tôi yên tâm cho con đến lớp", anh xúc động chia sẻ.

Không chỉ riêng gia đình anh M., hàng trăm em nhỏ nơi vùng cao hiểm trở này cũng đang từng ngày thay đổi – từ đôi má hốc hác trở nên hồng hào, từ bước chân chậm chạp trở nên rộn ràng trên những con đường đến lớp – nhờ những suất cơm bán trú đầy ắp yêu thương từ dự án “Cùng em khôn lớn”.

Chị Lý Thị Vinh – mẹ bé Dương Thị Ánh Ngọc, học sinh lớp 3 – 4 tuổi của điểm trường Nà Ó, trường Mầm non Thạch Lâm, đồng thời là cô nuôi bếp tại điểm trường – luôn chăm chút từng bữa ăn cho các con như chăm lo cho chính gia đình mình: “Em nấu cho các con như nấu cho người thân mình vậy, phải thật sạch sẽ, thật ngon,” chị Vinh tâm sự.

Ở xóm Lũng Chang, xã Thái Sơn, những buổi sáng của anh Trang A Q. giờ đây không còn tất bật như trước. Nếu như trước kia, mỗi sáng anh phải dậy sớm chuẩn bị cặp lồng cơm cho con, lo lắng cơm bị hỏng trong những ngày nắng gắt hay lạnh ngắt trong mùa đông, thì giờ đây, nụ cười của con trẻ đã thay thế tất cả những bộn bề ấy.

“Từ khi ăn cơm ở trường, cháu về khen ngon và rất thích đến lớp. Gia đình tôi thực sự rất biết ơn, yên tâm cho con tới trường,” anh Q. xúc động chia sẻ.

Dự án "Cùng em khôn lớn" của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã bền bỉ gieo những hạt giống yêu thương ấy từ năm 2020 đến nay. Dự án đã âm thầm nối dài những hành trình qua từng cung đường hiểm trở, tới những điểm trường heo hút giữa đại ngàn xa xôi.

Năm học 2024–2025, chương trình tiếp tục mở rộng, nâng tổng số điểm trường được bảo trợ lên 6 điểm tại xã Thạch Lâm và xã Thái Sơn của huyện Bảo Lâm. 235 học sinh mầm non đã nhận được sự bảo trợ bữa ăn bán trú trọn vẹn suốt cả năm. Tổng số bữa ăn dinh dưỡng được bảo trợ đến hết năm học đạt hơn 60.000 bữa và tổng số tiền đóng góp từ 226 nhà bảo trợ cá nhân và tổ chức là hơn 462 triệu đồng.

'Cùng em khôn lớn' – Hành trình ươm mầm hy vọng nơi miền biên giới ảnh 2

Suất ăn của các bé được thay đổi theo ngày, có đầy đủ thịt, cá, trứng, rau, củ,quả..

Không chỉ dừng lại ở những suất cơm nóng hổi mỗi ngày, "Cùng em khôn lớn" còn liên tục cải thiện điều kiện học tập tốt hơn cho những ngôi trường vùng cao.

Trong năm học 2024–2025, tại Trường Mầm non Thái Sơn, điểm trường Lũng Chang đã được xây mới một bếp ăn khang trang để phục vụ nấu bữa ăn bán trú cho các bé, trang bị một máy phát điện và trang thiết bị nấu ăn. Điểm trường Bản Là được bổ sung thêm một máy xay thịt, điểm trường Khau Dề, lần đầu tiên, một chiếc tivi được mang về – giúp những đứa trẻ nơi đại ngàn biết đến những hình ảnh xa lạ như ô tô, máy bay. Không chỉ vậy, Trường Mầm non Thạch Lâm cũng đón nhận sự hỗ trợ từ dự án với việc xây dựng mới một bếp ăn chắc chắn cho điểm trường Khau Noong – nơi những ngày mưa gió từng khiến góc bếp cũ xập xệ đến mức thầy cô không thể nấu nổi một bữa ăn trọn vẹn cho các cô cậu trò nhỏ. Đó là những sự hỗ trợ lặng lẽ, nhưng vững chắc, tiếp sức cho từng ước mơ nhỏ bé bay xa.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Tiếp nối sự thành công của dự án “Cùng em khôn lớn” các năm trước, năm học 2024-2025, đã có thêm một điểm trường mới có học sinh được nhận tài trợ bữa ăn miễn phí từ Quỹ Vì Tầm Vóc Việt. Đó là điểm trường Lũng Chang, thuộc trường Mầm non Thái Sơn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Cô Bế Nông Thị Kim Chi vui mừng chia sẻ: "Từ khi có sự bảo trợ của Quỹ, tỷ lệ trẻ đi học tăng lên rõ rệt, các em không còn muốn nghỉ học nữa, vui vẻ hơn, khỏe mạnh hơn, chất lượng học tập cũng được cải thiện.”

'Cùng em khôn lớn' – Hành trình ươm mầm hy vọng nơi miền biên giới ảnh 3

Học sinh điểm trường Lũng Chang háo hức mỗi ngày đến trường, nơi có cô Chi và những bữa ăn bán trú dinh dưỡng

Trường mầm non Thái Sơn có 4 điểm trường được tài trợ bữa trưa của Quỹ Vì tầm vóc Việt là điểm trường Sáng Xoáy, Bản Là, Khau Dề và Lũng Chang. Ngoài ra, Trường Mầm non Thạch Lâm có hai điểm trường được bảo trợ là điểm trường Khau Noong và Nà Ó.

Cô Nguyễn Thị Liêm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Lâm cho biết: “Các em đi học đều đặn hơn, vui vẻ hơn, đó không chỉ là niềm vui của các em, mà còn là niềm hạnh phúc của tất cả chúng tôi.”

Những tấm lòng gieo mầm hy vọng

Trên hành trình thắp sáng những giấc mơ nơi vùng cao, không thể không nhắc đến những nhà bảo trợ – những người lặng thầm đặt những viên gạch đầu tiên, để những đứa trẻ nơi miền biên giới có thêm một lý do để đến trường.

Suốt 5 năm qua, chị Lưu Thị Hải Châu đã đều đặn đồng hành cùng dự án “Cùng em khôn lớn” với mỗi năm bảo trợ cho một em nhỏ. Gắn bó với Quỹ Vì Tầm Vóc Việt từ những ngày đầu tiên, chị Châu chia sẻ rằng niềm tin của chị lớn lên theo từng bản báo cáo được cập nhật hằng tháng, từng hình ảnh về sự trưởng thành của em bé mình bảo trợ.

'Cùng em khôn lớn' – Hành trình ươm mầm hy vọng nơi miền biên giới ảnh 4

Chị Châu và các tình nguyện viên vui vẻ cùng các bé tại điểm trường Nà Nó

Trong lần thứ hai trở lại Cao Bằng, chị không khỏi xúc động khi nghe một bé nhỏ ríu rít khoe: "Con thích đi học lắm vì ở trường được ăn ngon hơn ở nhà."

“Tôi nhận ra, việc làm nhỏ bé của mình không chỉ giúp các em có một bữa ăn đầy đủ, mà còn tiếp thêm động lực cho cả gia đình để các em được tiếp tục đến lớp. Cuộc sống còn nhiều khó khăn và để thay đổi sẽ cần đầu tư hơn nữa cho việc học của thế hệ trẻ. Vì vậy, nếu bữa ăn hôm nay có thể giữ chân các em ở lại lớp, thì đó chính là viên gạch đầu tiên để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn," Chị Châu nói.

Chung một niềm trăn trở ấy, chị Bùi Thị Thu Yến – tình nguyện viên, nhà bảo trợ đồng hành cùng dự án trong 4 năm qua – cũng chia sẻ những cảm xúc khó quên. "Khi đến tận nơi, được nhìn thấy ánh mắt rạng ngời của các con, được chứng kiến các con ăn những bữa cơm có đủ rau, đủ thịt, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Điều khiến tôi nhớ nhất trong chuyến đi này là hình ảnh các con nô đùa, tiếng cười vang vọng giữa núi rừng. Tôi mong rằng sẽ còn nhiều tấm lòng đồng hành hơn nữa, để hành trình nâng bước các con tới trường không bao giờ dừng lại."

"Cùng em khôn lớn" – dự án tâm huyết của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt – không chỉ trao cho trẻ em vùng cao những bữa ăn dinh dưỡng mỗi ngày. Điều quý giá hơn, dự án đã và đang gieo vào lòng các em niềm tin, nghị lực và khát vọng đổi đời.

Và biết đâu, từ những điểm trường nhỏ bé ấy, một ngày nào đó, sẽ lớn lên những con người mạnh mẽ, đủ sức vẽ lại những gam màu tươi sáng cho mảnh đất nghèo nơi đại ngàn.

P.V