Nhảy đến nội dung

Cục trưởng Trần Thiện Cảnh nói về 'cuộc chơi khác' khi làm đường sắt tốc độ cao

Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam nhìn nhận dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một “cuộc chơi khác” đòi hỏi nền tảng công nghệ, tiêu chuẩn vật liệu và yêu cầu đồng bộ.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới” do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức ngày 14/5, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đánh giá, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là một dự án chưa từng có trong lịch sử xây dựng Việt Nam. Đây được xem là bước ngoặt không chỉ với ngành đường sắt mà còn là cơ hội lớn cho toàn bộ lĩnh vực xây dựng hạ tầng. 

“Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta đã làm đều mới dừng ở vận tốc 100km/h trở lại. Với hệ thống chạy 300km/h, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác – từ bê tông, kết cấu chịu lực, đến tần số rung động và cộng hưởng trong vận hành.

Ví dụ, thanh ray trong tiêu chuẩn Trung Quốc hiện dài 70–120m, nặng khoảng 6 tấn. Những cấu kiện như vậy đòi hỏi thiết bị cẩu đặc chủng, kỹ thuật lắp đặt chính xác cao và khả năng thi công theo chuẩn công nghiệp nặng, vốn chưa phổ biến trong môi trường nhà thầu Việt.

Thêm vào đó, khác với các tuyến đường sắt hiện hữu, đường sắt tốc độ cao không cho phép mối nối bằng bu lông hay vít. Tất cả phải được hàn liền và mài nhẵn để đảm bảo độ êm, giảm chấn. Đây là công nghệ mới đòi hỏi chuyển giao và tiếp thu trong thời gian rất ngắn”, ông Hiệp nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng lạc quan cho rằng trong 20 năm trở lại đây đã có những bước phát triển trong xây dựng. Theo đó, nếu như năm 1993, doanh nghiệp Việt chỉ có thể làm thầu phụ tại các dự án như xi măng Hải Phòng, thì hiện tại, tại sân bay Long Thành, các nhà thầu Việt đã đảm nhiệm vai trò chính.

Doanh nghiệp nội có thể tham gia công đoạn nào? 

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) thông tin, quá trình chuẩn bị triển khai dự án, việc xây dựng nền tảng nội địa hóa công nghiệp đường sắt là nhiệm vụ ưu tiên.

“Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư, Bộ Xây dựng đã cử đoàn công tác sang các quốc gia có nền tảng công nghệ đường sắt tiên tiến như Pháp, Đức, Nhật Bản, đồng thời học hỏi các quốc gia đã chuyển giao công nghệ thành công như Tây Ban Nha và Trung Quốc.

Đối với lĩnh vực xây dựng, trong công trình hạ tầng giao thông, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chủ đến 80-90%. Đây là kết quả từ quá trình tích lũy năng lực qua các dự án cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành và loạt dự án đô thị hóa quy mô lớn”, ông Cảnh nói.

Tuy nhiên, ông Cảnh cũng thẳng thắn nhìn nhận đường sắt tốc độ cao là một “cuộc chơi khác”. “Cuộc chơi” này đòi hỏi các yếu tố gồm: Nền tảng công nghệ, tiêu chuẩn vật liệu, tần suất rung động và yêu cầu đồng bộ đòi hỏi sự chuyển dịch toàn diện cả về kỹ thuật và quản trị dự án.

Đến nay, 2 tập đoàn công nghệ trong nước là VNPT và Viettel được giao phụ trách nghiên cứu phát triển hệ thống điều hành, tín hiệu và điện lực, đã chủ động tiếp cận công nghệ quốc tế và bắt đầu xây dựng phân khúc sản phẩm mà họ có thể tham gia.

Ông Cảnh thông tin, theo đánh giá sơ bộ, hiện 60-70% linh kiện đầu vào vẫn cần nhập khẩu, nhưng lộ trình nội địa hóa đang được từng bước xác lập”, ông Cảnh nói. Về phần phương tiện gồm toa xe, đầu máy, ray có thể đạt độ tự chủ 80% về hiệu quả.

Về phần điện lực đã có thể do Việt Nam tự triển khai. Tuy nhiên, các thiết bị điện chuyên dụng và công nghệ kiểm soát nguồn năng lượng tốc độ cao vẫn cần sự hỗ trợ từ các nhà sản xuất quốc tế.

“Để phục vụ mục tiêu này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu “cắm rễ” vào chuỗi cung ứng. Hòa Phát đã thành lập công ty chuyên sản xuất thép cường độ cao, phục vụ trực tiếp cho các công trình cầu hầm và nền đường khu vực miền Trung, Tây Nguyên – nơi địa chất phức tạp. Ngoài ra, một số nhà thầu trong nước cũng đã chủ động học hỏi công nghệ quốc tế để sẵn sàng tiếp nhận các gói thầu kỹ thuật cao”, ông Trần Thiện Cảnh nói.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn