Nhảy đến nội dung
 

Cục phó Cục thuế nói về loạt giải pháp hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy một số chủ hộ kinh doanh lớn tuổi gặp khó khăn trong việc sử dụng phần mềm, thiết bị mới. Nhiều hộ kinh doanh lo ngại việc thực hiện hóa đơn điện tử sẽ phát sinh chi phí, tăng giá bán dẫn đến mất khách hàng...

Tại "Báo cáo đánh giá tác động của quy định sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố gần đây cho thấy hộ kinh doanh đang gặp không ít khó khăn khi triển khai hóa đơn điện tử. 

Do đó, các chuyên gia kiến nghị cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để hộ kinh doanh có thể trụ vững, thậm chí lớn lên trong mô hình doanh nghiệp sau này.

Tăng đối thoại để nhận diện và gỡ vướng kịp thời

Theo báo cáo của VCCI, qua khảo sát gần 1.400 hộ kinh doanh từ ngày 7 đến 30-6, cho thấy có tới 94% hộ kinh doanh cho biết có nghe nói đến nghị định 70 quy định về hóa đơn, chứng từ. 

Tuy nhiên, chỉ 11% hộ kinh doanh thực sự hiểu rõ nghĩa vụ của mình, trong khi 51% chưa từng được liên hệ hay hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế. Việc tương tác trực tiếp với chính quyền địa phương còn hạn chế, khiến nhiều hộ lúng túng trong triển khai.

Đặc biệt, phần lớn hộ kinh doanh vẫn lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu, thay đổi thói quen vận hành, cũng như những áp lực từ công nghệ và thủ tục mới. 

 Cũng theo báo cáo, có đến 73% hộ kinh doanh cho biết thiếu kiến thức và kỹ năng về công nghệ, 53% lo ngại thủ tục phức tạp, 49% gặp rào cản trong thay đổi thói quen kinh doanh, 37% không có đủ vốn đầu tư thiết bị. Nhiều hộ kinh doanh cũng bày tỏ lo ngại về bảo mật dữ liệu khi chuyển sang môi trường số.

Ông Đậu Anh Tuấn, phó tổng thư ký, trưởng Ban pháp chế VCCI, cho rằng hộ kinh doanh là lực lượng kinh tế quan trọng nhưng cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi chính sách thay đổi đột ngột. 

"Do đó nếu không có sự hỗ trợ thích đáng, những rào cản trong giai đoạn chuyển đổi có thể ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của nhiều hộ kinh doanh vốn đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tại địa phương", ông Tuấn nói.

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu kiến nghị một số giải pháp nhằm giúp hộ, cá nhân kinh doanh vượt qua rào cản, thích ứng hiệu quả với quy định sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối cơ quan thuế. Trước hết, cần chủ động truyền thông toàn diện, dễ hiểu và đúng đối tượng, đặc biệt với nhóm hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ở khu vực nông thôn hoặc ngành nghề có tỉ lệ nhận biết thấp.

Ngoài ra, cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn trực quan như sổ tay, infographic, quy trình minh họa... để hộ kinh doanh dễ nắm bắt và triển khai, đồng thời tăng cường đối thoại với các hội, hiệp hội để kịp thời nhận diện và tháo gỡ vướng mắc phát sinh. 

Nhóm nghiên cứ đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể trong giai đoạn chuyển tiếp, đặc biệt là quy định không hồi tố truy thu nghĩa vụ thuế, xử phạt hoặc tịch thu hàng hóa được nhập trước khi áp dụng hóa đơn điện tử.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất bổ sung quy định phù hợp về kế toán, hóa đơn, chứng từ sát với thực tiễn hoạt động của hộ kinh doanh, nâng cao nhận thức về bảo mật thông tin và tạo dựng niềm tin vào hệ thống. 

"Việc đồng hành kịp thời và thiết thực từ phía cơ quan quản lý sẽ là yếu tố then chốt giúp hộ kinh doanh ổn định hoạt động và phát triển trong môi trường kinh doanh số hóa", báo cáo của VCCI khuyến nghị.

Chi phí hóa đơn điện tử sẽ phù hợp với quy mô hộ kinh doanh

Theo ghi nhận, dù nghị quyết 68 có nêu "Cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý... cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh", nhưng trong thực tế, hầu hết các hộ kinh doanh cho biết vẫn phải trả phí rất cao cho nhà cung cấp và mua sắm máy móc thiết bị, chưa kể thao tác trên ứng dụng còn phức tạp trong khi chủ nhiều hộ kinh doanh đã lớn tuổi...

Ông Mai Sơn, phó cục trưởng Cục Thuế, cho biết quy mô, ngành nghề, địa bàn và nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử khác nhau nên sự hỗ trợ cũng khác nhau. Một trong những vấn đề quan trọng mà hộ kinh doanh đặt ra là làm sao thao tác phần mềm phải đơn giản với chi phí hợp lý. Trong đó, nhiều hộ kinh doanh chỉ cần phần mềm xác định đầu ra và kết nối để giảm tờ khai nộp thuế.

Do đó, theo ông Sơn, ngành thuế sẽ tiếp tục làm việc để nắm bắt nhu cầu thực tiễn và nghiên cứu giải pháp bàn hỗ trợ hộ kinh doanh. 

"Tinh thần là phần mềm phải đơn giản, chi phí hợp lý, phù hợp với quy mô hoạt động, ngành nghề kinh doanh của hộ kinh doanh và vẫn đảm bảo lợi nhuận cho nhà cung cấp. Cơ quan thuế cũng nghiên cứu hệ thống kê khai, ứng dụng công nghệ thông tin để có sự hỗ trợ tốt nhất cho hộ kinh doanh", ông Sơn nói.

Để hỗ trợ tối đa các hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi, Cục Thuế cho biết đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thuế và quản lý thuế có liên quan. 

Cụ thể, trong dự thảo Luật Quản lý thuế (mới), ngành thuế đề xuất bãi bỏ hoàn toàn cơ chế thu thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh, chuyển sang áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp thuế kèm theo việc thực hiện sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ như doanh nghiệp.

Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân và các quy định liên quan đến thuế giá trị gia tăng để điều chỉnh tăng ngưỡng doanh thu hằng năm không chịu thuế. Việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm những hộ kinh doanh có doanh thu nhỏ (dưới một ngưỡng nhất định) thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, qua đó giảm bớt gánh nặng thuế cho hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ.

Ngành thuế cũng cho biết sẽ đơn giản hóa chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ, đồng thời phối hợp với các nhà cung cấp để cung cấp miễn phí các công cụ, phần mềm kế toán dùng chung, hỗ trợ về thiết bị và chi phí dịch vụ hóa đơn điện tử giai đoạn đầu. 

"Mục tiêu đặt ra là giúp hộ kinh doanh làm quen với việc theo dõi sổ sách, xuất hóa đơn minh bạch mà không phát sinh thêm thủ tục phức tạp hay chi phí tuân thủ cho người nộp thuế", một lãnh đạo Cục Thuế khẳng định.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn