'Cục nợ' tuổi già khi ông bà phải chăm cháu

"Nhất gần ông bà" là câu nói ví von, ý nói sự may mắn của những cặp vợ chồng trẻ sống chung hoặc ở gần ông bà nội - ngoại, nhận được sự giúp đỡ vô điều kiện của họ. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay giao khoán con nhỏ và toàn bộ việc nhà cho ông bà, khiến họ chẳng khác nào người giúp việc.
Cưới nhau gần hai năm, vợ chồng người hàng xóm nhà tôi vẫn chưa muốn sinh con. Nhà ở sát bên nên người mẹ chồng vẫn hằng ngày qua phụ giúp con cái dọn dẹp nhà cửa và hối thúc các con sinh cháu nội cho bà bế bồng. Bà hứa sẽ phụ trông cháu đến khi bé cứng cáp mới gửi trẻ. Tới khi vợ chồng anh chị sinh con trai đầu lòng, mẹ chồng nghỉ luôn công việc bán tạp hóa, sang ở hẳn nhà con để tiện chăm sóc cháu.
Ngoài chăm cháu, bà còn được vợ chồng con trai "bàn giao" hết việc nhà. Mỗi sáng, bà lo giặt quần áo, rồi đi chợ, nấu ăn... Cháu trai đích tôn đến tuổi ăn dặm, bà càng bận rộn hơn với việc nấu bột, xay cháo hàng ngày. Buổi tối, bà có nhiệm vụ ru cháu ngủ vì thằng bé chỉ quấn bà. Sau đó, bà lại phải lau chùi, dọn dẹp nhà cửa hoặc rửa bát đũa...
Mỗi khi bà than mệt, con dâu lại năn nỉ: "Thằng bé quấn bà nội lắm, con nấu nó không chịu ăn, ngủ cũng phải có bà ru...". Cuối cùng, bà lại không dám than mệt. Thấy con trai được bà nội chăm sóc chu đáo, hai vợ chồng anh chị chỉ tập trung phấn đấu cho công việc, rồi thỉnh thoảng lại rủ nhau đi du lịch riêng, để con ở nhà cho bà chăm.
Cháu nội đến tuổi đi mẫu giáo, bà nói các con cho cháu đi học và tính mở lại cửa hàng tạp hóa. Nhưng rồi cứ hễ thằng bé sốt, ho, ốm liên tục, bà xót cháu, lại đóng cửa tiệm để tiếp tục làm "bảo mẫu" bất đắc dĩ.
>> Những ông bà sợ cảnh chăm cháu
Trường hợp của bà không phải là duy nhất. Tôi cũng quen một người phụ nữ lớn tuổi từ quê lên thành phố chăm cháu ngoại và "định cư" luôn suốt bốn năm nay, chưa biết bao giờ mới được về quê? Bà lo chu toàn mọi việc, từ đi chợ, nấu ăn đến giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, đến chăm cháu. Bé gái đầu vừa tròn hai tuổi thì con gái bà lại có bầu, ốm nghén, khiến bà buộc phải ở lại giúp con. Giờ đây, cháu lớn đã 4 tuổi, bé sau hơn 1 tuổi, nhưng bà vẫn không thể về nhà.
Mỗi khi nhà có đám giỗ, hay công việc gia đình, bà lại phải rào trước đón sau cả tháng để vợ chồng con gái thu xếp cho mình về quê. Nhưng bà chỉ về được vài ngày là hết con rồi cháu lại gọi điện thoại "cầu cứu". Thế là bà lại phải lật đật quay lại thành phố sớm vì thương con, thương cháu, không nỡ để con thuê người giúp việc thay mình.
Không phủ nhận việc ông bà chăm cháu là một cách san sẻ gánh nặng của người lớn tuổi với thế hệ con cháu. Tuy nhiên, các cặp vợ chồng trẻ chỉ nên coi đây là cách giải quyết tình thế, bởi việc chăm trẻ rất cực nhọc và là một "gánh nặng" với người già. Thực tế, một sốvợ chồng trẻ thấy cha mẹ ở gần, có thời gian giúp đỡ, lập tức ỷ lại và giao phó toàn bộ con cái, nhà cửa cho ông bà
Tuổi già rất cần được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe bản thân. Vì thế, nếu ở chung hoặc ở gần, các cặp vợ chồng trẻ có thể nhờ ông bà hỗ trợ chăm con, nhưng trách nhiệm chính vẫn phải là ở cha mẹ. Không thể dồn hết việc chăm cháu cho ông bà, và càng không nên biến ông bà thành "người giúp việc", khi phó thác tất cả chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa...
Với gia đình tôi, tuổi già cần ưu tiên được hưởng thụ, có thời gian nghỉ ngơi, đi thăm bạn bè, hàng xóm, đi lễ chùa, nhà thờ... Ông bà chỉ hỗ trợ con cháu trong một chừng mực nhất định chứ không phải là "người giúp việc" toàn thời gian cho con cái.
Nguyễn Thị Hải