'Cử tri hỏi cán bộ đi xe sang như vậy có phù hợp vị trí hay không?'

Đại biểu Quốc hội cho biết, trong các buổi tiếp xúc, cử tri hỏi một số cán bộ đi xe sang như vậy có phù hợp với vị trí công việc hay không.
Ngày 23.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội hóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
"Cán bộ đi những loại xe sang như vậy có phù hợp không?"
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) phản ánh, tại buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh nếu không triệt để chống lãng phí và thực hành tiết kiệm thì rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%.
Nhiều bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh phải thay đổi nhận thức, coi lãng phí như một mặt trận chống giặc nội xâm. "Nhưng nhận diện thế nào là lãng phí lại là câu chuyện phải bàn ở rất nhiều lĩnh vực", ông Đức nói.
Vị đại biểu dẫn chứng một số công trình, dự án được đầu tư từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ và cũng không biết khi nào mới về đích. Ông cho rằng phải nhìn thẳng vào sự thật, tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục.
"Dự án càng kéo dài thì càng lãng phí, lãng phí về thời gian, tiền bạc, nhân lực, vật lực", ông Đức nhấn mạnh.
Đề cập đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Đức cho biết trong các buổi tiếp xúc, cử tri đặt vấn đề liệu một vài bộ phận, cán bộ đã sử dụng đúng các tài sản công hay chưa, đi những loại xe sang như vậy có phù hợp với vị trí hay không…?
"Từ một chi tiết nhỏ thôi, nhiều nhỏ thành to, dần dần trở thành lãng phí", đại biểu đoàn TP.HCM nói, và đề nghị siết lại đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn với những người, những cơ quan sử dụng tài sản công.
Cạnh đó, ông Đức cũng chỉ ra việc sáp nhập bộ máy hành chính khiến nhiều trụ sở công dôi dư, không được sử dụng, gây lãng phí.
Để khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành, địa phương thuộc diện sáp nhập dôi dư tài sản phải có danh mục, tính toán chuyển đổi công năng khẩn trương, "không để lãng phí dù chỉ một ngày".
"Dự án trăm tỉ, ngàn tỉ mà cứ để ngày này qua tháng kia"
Cùng cho ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) dành sự quan tâm cho việc tháo gỡ các dự án chậm thu hồi hoặc các dự án theo kết luận điều tra, thanh tra, kiểm toán…
Ông Sang bày tỏ sự sốt ruột khi một số vụ án đã đưa ra xét xử, trong đó có những dự án trị giá hàng nghìn tỉ đồng, nhưng sau nhiều năm vẫn án binh bất động. Đây chính là điểm nghẽn lớn, tồn tại nguy cơ lãng phí rất lớn.
Chưa kể, tài sản giá trị lớn như vậy, toàn là khu đất vàng, cứ để ngày này qua tháng kia, "người dân sẽ đánh giá công tác quản lý, thực hiện của chúng ta chưa nghiêm túc", ông Sang nói.
Để giải quyết, ông Sang cho rằng cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, từ Trung ương đến địa phương. Dự án nào thuộc thi hành án thì phải nhanh chóng tổ chức thi hành án, dự án nào giao cho cấp thẩm quyền địa phương thì địa phương phải tổ chức thực hiện ngày.
Đáng chú ý, vị đại biểu nhận định dường như có tình trạng "các cơ quan ngại đề xuất phương án giải quyết". Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai hơn. "Một bản án đã tuyên, sơ thẩm rồi, phúc thẩm rồi, không có giám đốc thẩm, thì đương nhiên phải thi hành án", ông Sang nêu quan điểm.
Cạnh đó, dự án tới 2 - 3 năm vẫn không thể triển khai còn đặt ra vấn đề trong công tác phối hợp. Bởi lẽ, nếu nói bản án do tòa tuyên chưa rõ nên chưa thể thi hành thì phải yêu cầu giải thích ngay, hoặc các cơ quan phải tổ chức họp liên ngành để cùng nhau tìm giải pháp gỡ vướng.
"Rất mong các bộ, ngành khẩn trương vào cuộc, giải quyết, nhanh chóng triển khai…", ông Sang kỳ vọng, nhấn mạnh đây chính là chống lãng phí.