Cú bứt phá của chàng trai vàng Vật lý châu Á

Nguyễn Thế Quân, lớp 12 chuyên Lý, THPT chuyên Phan Bội Châu, là một trong ba học sinh Việt giành huy chương vàng kỳ thi Olympic Vật lý châu Á năm 2025, cách đây hai tuần.
Năm ngoái, Quân là thí sinh lớp 11 duy nhất trong đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi và giành huy chương đồng.
"Cảm xúc bây giờ vẫn lâng lâng, những ngày trước mắt của em có rất nhiều buổi liên hoan chúc mừng", Thế Quân chia sẻ.
Quân theo đuổi Vật lý từ năm lớp 8, chuyển từ đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường. Năm cuối cấp, em giành giải khuyến khích môn Lý cấp tỉnh, trước khi đỗ vào trường chuyên Phan Bội Châu.
Ở đây, nam sinh được truyền cảm hứng từ thầy Lê Xuân Bảo, chủ nhiệm lớp chuyên Lý. Quân liên tục được hỗ trợ về tài liệu học tập, cải tiến cách học và giải đề, nghe chia sẻ của các anh, chị từng đạt giải quốc gia khóa trước. Nam sinh từ đó đặt mục tiêu tiến vào các kỳ thi quốc gia và quốc tế.
"Đây là khoảng thời gian tốt nhất, đã chuẩn bị cho em những nền tảng kiến thức chắc chắn, kỹ năng và ý chí theo đuổi mục tiêu", Quân nói.
Lên lớp 11, Quân giành giải nhất thi quốc gia, lọt vào đội 8 học sinh thi Olympic Vật lý châu Á. Nam sinh ra Hà Nội ôn thi tại khoa Vật lý của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trong khoảng một tháng ôn luyện, Quân được dạy toàn diện về kiến thức Vật lý, từ cơ học cổ điển, lượng tử, điện, sóng..., tập trung nhiều vào phần thực hành. Quân thích nhất phần cơ học vì đây là sở trường.
"Phần này giúp em vận dụng khả năng tư duy và tưởng tượng hiện tượng thực tế, còn phần nhiệt học và điện học trừu tượng hơn", nam sinh lý giải.
Nam sinh cũng nhớ những lần rủ bạn bè làm thực hành vào ban đêm tại phòng thí nghiệm. Cả nhóm giải đề thi các năm trước. Quân ấn tương với một thí nghiệm trong đề Olympic quốc tế năm 2016 về hiện tượng chuyển pha liên quan đến trạng thái của vật chất.
"Đề bài yêu cầu phải có tư duy mở để làm thực hành nhanh và chuẩn xác", Quân kể.
Trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á năm ngoái, Quân giành huy chương đồng.
"Em tiếc vì chưa đủ kỹ năng so với các anh chị thi cùng, vài phần chưa nắm rõ kiến thức", nam sinh nói, cho biết tiếc nhất câu hỏi về ném xiên, do chủ quan nên giải sai.
Do vậy, Thế Quân quyết tâm "phục thù". Năm học này, nam sinh lại giành giải nhất thi học sinh giỏi quốc gia, lần thứ hai lọt vào đội tuyển thi châu Á. Quân quyết định thay đổi chiến thuật làm bài.
Đề thi Olympic châu Á gồm hai phần lý thuyết và thực hành, mỗi phần gồm 3 câu, kéo dài trong 5 tiếng, thi lần lượt. Năm ngoái, Quân xử lý đề thi theo hướng làm đến đâu chắc đến đó, cẩn thận trình bày chi tiết từng bước. Nhưng năm nay, nam sinh ưu tiên xử lý tốc độ đề thi, làm bài nhanh nhất có thể, cắt bớt các phần trình bày dài dòng.
"Em nghĩ chiến thuật này sáng suốt, hiệu quả nên em có nhiều thời gian còn lại để kiểm tra lại bài", Quân nói.
Nam sinh đánh giá câu hỏi phần thực hành khó hơn mọi năm, dựa trên cơ sở hiệu ứng cảm ứng điện từ và ứng dụng trong bếp từ. Trong đó, một ý yêu cầu quan sát sự nóng lên của bếp từ, chọn ra loại vật liệu đáp ứng tốt nhất làm xoong chảo cho bếp dựa vào các thông số như kích thước, độ dày, độ dẫn điện...
"Đề thi dài, nhiều phần độc lập nhau, đòi hỏi thí sinh phải thật tốc độ", nam sinh nhận định.
Còn bài lý thuyết năm nay được xây dựng từ các ứng dụng thực tế và hiện đại của Vật lý, như chuyển động tuế sai của trục Trái Đất gây ra ảnh hưởng khí hậu toàn cầu, sóng spin liên quan đến máy tính lượng tử và hiệu ứng nhà kính. Quân nói xử lý phần này tốt chủ yếu dựa vào khả năng biến đổi toán học và suy nghĩ về bản chất của hiện tượng.
Thầy Lê Xuân Bảo, chủ nhiệm của Thế Quân suốt 3 năm tại trường, đánh giá cao học trò ở niềm đam mê với môn Vật lý và khả năng ghi nhớ tốt.
"Quân có khả năng tự học tuyệt vời, luôn say sưa tìm tòi tài liệu trên Internet và các kỳ thi trước, thường xuyên hỏi bài rất khuya", thầy Bảo kể.
Quân cho hay dự định theo học ngành Kỹ thuật điện của Đại học Bách khoa Hà Nội sau khi tốt nghiệp THPT.
Doãn Hùng