Cụ ông ngừng tim phổi vì hóc thịt bò khi ăn cỗ

Khoa hồi sức nội - chống độc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận cụ ông 78 tuổi nhập viện ngừng tim phổi do bị thức ăn mắc trong hầu họng thanh quản.
Theo chia sẻ của người nhà, khi đang ăn cỗ, người xung quanh phát hiện cụ ông ho sặc sụa rồi tím tái và nhanh chóng bất tỉnh. Cụ ông được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong trạng thái ngừng tuần hoàn.
Cụ ông được cấp cứu hồi sinh tim phổi thành công và phát hiện dị vật lớn trong khu vực ngã ba hầu họng thanh quản.
Các bác sĩ gắp dị vật, đó là miếng thịt bò lớn che kín thanh môn, một vài mảnh nhỏ rơi vào khí phế quản đã được gắp bỏ, làm sạch đường thở.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, rất may cụ ông hồi phục ý thức và kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng.
Đây không phải trường hợp đầu tiên bệnh viện tiếp nhận và điều trị. Thực tế tình trạng này xảy ra khá phổ biến và ở những mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Bác sĩ khuyến cáo về nguy cơ dị vật đường thở và cách cấp cứu tại chỗ trong cộng đồng. Đây là một cấp cứu tối khẩn cấp, nếu không kịp thời nạn nhân có thể tử vong chỉ trong vài phút.
Đặc biệt với trẻ em và người già, cần hết sức thận trọng khi ăn vì phản xạ nuốt ở những đối tượng này không tốt, khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ và không nói chuyện cười đùa.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang, trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khi bị hóc dị vật, cần nhanh chóng phát hiện thông qua các biểu hiện như đột ngột ho sặc sụa, hoặc không thể nói được. Nạn nhân thường có biểu hiện hai tay ôm cổ, khó thở, tím tái, lâu hơn có thể bất tỉnh, ngừng tim phổi và tử vong.
Mọi người cần được hướng dẫn cách cấp cứu hóc dị vật lớn đường thở để thực hiện ngay tại hiện trường.
Biện pháp đơn giản nhất và dễ thực hiện là nghiệm pháp Heimlich: hai tay ôm vòng quanh phía dưới lồng ngực nạn nhân từ phía sau, hai bàn tay nắm chặt đặt ở hõm ức, ép mạnh và đột ngột nhằm tạo một lực đẩy đủ lớn trong lồng ngực tống dị vật ra ngoài.
Có thể làm nhiều lần cho đến khi dị vật được tống ra ngoài và nạn nhân nói được.
Nếu quá trình cấp cứu, nạn nhân không may bất tỉnh, ngừng tim phổi, cần tiến hành hồi sinh tim phổi cơ bản, ép tim ngoài lồng ngực. Song song với các biện pháp cấp cứu tại chỗ, cần gọi ngay lực lượng cấp cứu hỗ trợ.
Các biện pháp cấp cứu tại chỗ rất quan trọng, quyết định phần lớn hiệu quả điều trị và tiên lượng cho người bệnh. "Mỗi chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức kỹ năng quan trọng trên để luôn chủ động và ứng phó kịp thời bảo vệ tính mạng của bản thân và những người xung quanh", bác sĩ Trang khuyến cáo.