Cụ ông 80 tuổi đi tắm sông bị cá sấu tấn công, lôi trên mặt nước

(Dân trí) - Một cụ ông 80 tuổi ở Indonesia đã bị cá sấu dài hơn 3m tấn công khi tắm sông. Con vật còn ngậm thi thể nạn nhân và bơi trên sông, khiến những ai chứng kiến đều kinh hãi.
Theo The Mirror, sự việc xảy ra hôm 30/6 tại huyện Tanggamus, tỉnh Lampung, đảo Sumatra (Indonesia). Nạn nhân là ông Wasim (80 tuổi), được cho là đi tắm sông gần nhà thì bị một con cá sấu dài khoảng 3m tấn công. Do quá bất ngờ, ông không kịp kêu cứu và bị kéo xuống nước.
Sau đó, một người dân tên Yusron phát hiện quần áo ông Wasim để lại trên bờ nhưng không thấy ông đâu. Nghi có chuyện chẳng lành, người này lập tức báo động và cùng dân làng tổ chức tìm kiếm.
Không lâu sau, họ bàng hoàng khi thấy con cá sấu nổi trên mặt sông, ngậm theo thi thể ông cụ. Một nhóm người đã vác gậy đuổi theo dọc bờ sông Semaka, cố gắng đánh đuổi con vật.
Ông AKP Sutarto - Cảnh sát trưởng khu vực Semaka (tỉnh Lampung) - cho biết: "Nạn nhân được phát hiện trong vòng một giờ, vào lúc 13h (giờ địa phương), khi cá sấu trồi lên với thi thể ông ấy trong miệng. Sau khi bị đánh nhiều lần, con cá sấu mới chịu nhả thi thể ra. Tuy nhiên, khi được tiếp cận thì ông Wasim đã không còn dấu hiệu của sự sống".
Con rể nạn nhân - anh Samugi - cho biết, sáng hôm đó ông Wasim vẫn tạm biệt cả nhà như mọi ngày để ra sông. "Đó là một buổi sáng bình thường. Không ai ngờ mọi chuyện lại kết thúc bi thảm như vậy", anh nói.
Theo nhà chức trách, thi thể ông Wasim có nhiều vết thương sâu và rách ở lưng, mông và vai. Gia đình không yêu cầu khám nghiệm thêm và đã đưa thi thể về mai táng.
Cảnh sát cảnh báo người dân nên thận trọng hơn khi sinh hoạt gần sông để tránh xảy ra những vụ việc tương tự. Indonesia hiện là nơi sinh sống của 14 loài cá sấu, trong đó có nhiều cá thể lớn và hung dữ sống ở vùng cửa sông, nơi có khí hậu lý tưởng cho loài này phát triển.
Các nhà bảo tồn cho biết, do hoạt động đánh bắt của con người quá mức, đồng thời cá sấu bị mất môi trường sống vì nông nghiệp, nên loài động vật nguy hiểm này ngày càng bị đẩy sâu vào đất liền, sát với khu dân cư. Nạn khai thác thiếc tràn lan cũng khiến người dân lấn sang vùng sống tự nhiên của cá sấu.
Một yếu tố khác dẫn đến sự gia tăng các vụ cá sấu tấn công con người là việc người dân ở một số vùng vẫn sử dụng sông để tắm và đánh cá theo cách truyền thống.
Theo dữ liệu của CrocAttack (cơ quan thống kê độc lập liên quan đến cá sấu), chỉ riêng năm 2024, Indonesia đã ghi nhận 179 vụ cá sấu tấn công con người, trong đó có tới 92 người thiệt mạng.
Cá sấu nước mặn đã được đưa vào danh sách bảo vệ ở Indonesia từ năm 1999, đồng nghĩa với việc không thể săn bắt loài này một cách tự do và cũng không có cơ chế kiểm soát số lượng của cá sấu trong tự nhiên.
Anh Rusli Paraili - người chuyên xử lý cá sấu ở Tây Sulawesi (Indonesia) - cho biết, cá sấu được pháp luật bảo vệ, nhưng sự gia tăng các vụ tấn công từ loài động vật này đang khiến nhiều người lo ngại.
Anh đã xây dựng một trang trại cách xa khu dân cư để chăm sóc một số cá thể cá sấu. Trang trại nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ, người dân và các công ty trồng cọ dầu.
Anh kể rằng, khoảng 12 năm trước, khi các đồn điền cọ dầu mọc lên quanh cửa sông ở đảo Sulawesi (Indonesia), một số công ty đã đào kênh dẫn nước nhân tạo nối vào sông Budong-Budong (Indonesia). Từ đó, cá sấu bắt đầu rời sông, bò vào các khu dân cư gần đó như ao cá, hồ nuôi tôm.
Ngày nay, rừng cọ dầu bao phủ khắp Tây Sulawesi, từ núi ra biển, việc dè chừng cá sấu đã trở thành một phần trong thói quen sinh hoạt hằng ngày của người dân bởi con người phải "chia sẻ" không gian sống với loài săn mồi nguy hiểm này.
Mỗi lần ra kiểm tra máy bơm nước, người dân phải mang theo đèn pin để quan sát kỹ các kênh rạch, để hạn chế việc bị cá sấu tấn công.