Cứ lau nhà xong là sực mùi tanh hôi như cá chết, phát hiện sự thật tôi "chết lặng"

Nếu bạn từng ngửi được mùi tanh tưởi sộc lên sau khi vừa lau nhà, rất có thể bạn cũng đang mắc phải các lỗi sai này!
Tôi từng cảm thấy rất khó hiểu vì mỗi lần lau nhà xong, thay vì cảm giác thơm mát dễ chịu, tôi lại thấy mùi tanh nhẹ cứ váng lên trong không khí, nhất là vào buổi sáng sớm hoặc lúc trời ẩm.
Cuối cùng, sau một thời gian "soi" kỹ từng ngóc ngách và hỏi han thêm trong hội nhóm nội trợ, tôi mới ngã ngửa khi phát hiện ra 3 nguyên nhân tưởng nhỏ nhưng lại đang âm thầm phá hỏng mọi nỗ lực giữ gìn sự sạch sẽ của tôi.
1. Dùng cây lau nhà mốc meo
Thủ phạm đầu tiên khiến sàn nhà bốc mùi tanh lại đến từ một thứ tưởng chừng vô hại - cây chổi lau nhà. Tôi vẫn nhớ mình đã mua một cây lau mới từ khá lâu, nhưng vì cây cũ nhìn vẫn "lành lặn", không rách hay hỏng hóc gì nên cứ lần lữa chưa thay. Ai ngờ, chính quyết định tưởng là tiết kiệm ấy lại khiến việc lau nhà trở nên vô nghĩa.
Qua tìm hiểu, tôi ngộ ra rằng những loại chổi lau bằng vải bông khi sử dụng lâu ngày sẽ rất dễ tích tụ nấm mốc và vi khuẩn, đặc biệt trong môi trường luôn ẩm ướt như phòng tắm hay khu vực nhà bếp. Nhìn bên ngoài thì vẫn sạch sẽ, nhưng thực chất bên trong đã là ổ vi khuẩn. Việc tiếp tục dùng cây lau như vậy chẳng khác nào mang mùi hôi và vi trùng trải đều khắp sàn. Bảo sao lau xong sàn chẳng những không thơm mà còn ám mùi khó chịu hơn cả lúc chưa lau!
2 . Chỉ dùng nước sạch để lau sàn
Thú thật, trước đây tôi cứ nghĩ lau nhà chỉ cần dùng nước sạch là đủ. Lúc nào lau tôi cũng chỉ đơn giản là nhúng cây chổi vào xô nước rồi lau một vòng khắp nhà, không dùng thêm bất kỳ dung dịch tẩy rửa nào. Tôi tin rằng nước sạch là lựa chọn an toàn, không hóa chất, lại tiết kiệm.
Nhưng hóa ra tôi đã lầm to. Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết rằng nước sạch chỉ có tác dụng lấy đi lớp bụi bẩn bề mặt, còn những vết bẩn cứng đầu, dầu mỡ hay vi khuẩn tích tụ thì gần như không xử lý được. Thậm chí nếu kết hợp với cây lau cũ, việc chỉ lau bằng nước sạch càng khiến mùi khó chịu "ủ" lại lâu hơn.
3. Gạch lát sàn hút nước
Ngoài vấn đề từ cây lau và nước lau nhà, chất liệu gạch lát sàn cũng có thể là một "thủ phạm thầm lặng".
Tôi chỉ nhận ra điều này sau khi được hội các bà nội trợ "bật mí": nếu gạch không được phủ lớp men chống thấm kỹ, nước lau sẽ dễ ngấm xuống lớp bên dưới, khiến sàn nhà dù khô bề mặt nhưng vẫn âm ỉ ẩm ướt bên trong. Càng vào những ngày trời nồm ẩm hay mưa phùn, hiện tượng này càng rõ mồn một!
Hướng dẫn lau nhà đúng cách để sàn sạch thơm
Để tránh những sai lầm trên, tôi đã thay đổi cách lau nhà và thấy hiệu quả ngay, sàn sạch bong, không còn mùi tanh. Bạn thử làm theo các bước này nhé!
Đầu tiên, thay cây lau mới mỗi 3-6 tháng, chọn loại vải microfiber dễ giặt, phơi khô sau mỗi lần dùng để tránh mốc.
Thứ hai, pha nước lau với dung dịch chuyên dụng tỉ lệ 1 nắp cho 5 lít nước, để diệt khuẩn và khử mùi dầu mỡ, đặc biệt ở bếp.
Cuối cùng, nếu gạch nhà hút nước, bạn nên lau khô ngay bằng khăn sạch sau khi lau ướt, hoặc cân nhắc phủ lớp chống thấm cho gạch. Ví dụ, tôi lau bếp xong thì dùng quạt hong khô sàn, thế là hết mùi. Nhờ vậy, nhà không chỉ sạch mà còn thơm mát cả ngày, đúng chuẩn "sống xanh" mong muốn!