Nhảy đến nội dung
 

Cù Lao Câu quá tải

Đảo Cù Lao Câu sở hữu làn nước trong xanh, thu hút du khách nhiều nơi đổ về giải nhiệt, khám phá hệ sinh thái biển phong phú. Ảnh: Linh Huỳnh.

Cách đất liền khoảng 9 km, Cù Lao Câu (hay đảo Hòn Cau) thuộc xã Liên Hương, tỉnh Lâm Đồng (địa phận tỉnh Bình Thuận trước sáp nhập). Trên hòn đảo diện tích 1,4 km2 chỉ có một homestay, sức chứa tối đa 40 khách/ngày.

Tuy nhiên, vào các dịp cuối tuần, có đến hàng trăm du khách đến đảo mỗi ngày. Cơ sở hạ tầng hạn chế, điện chập chờn, thiếu nước ngọt... tạo nên sức ép cho đảo và bất tiện cho khách.

Thiếu nước ngọt, điện chập chờn

Hưng Hoàng, đại diện đơn vị khai thác du lịch Cù Lao Câu Bản Địa, cho biết lượng khách đến đảo tăng vọt từ sau Covid-19, đặc biệt khi người dùng TikTok lan truyền những hình ảnh về hòn đảo hoang sơ, yên tĩnh.

Trung bình mỗi tuần, đảo đón 100-200 khách lưu trú, chủ yếu tập trung vào cuối tuần. Riêng đơn vị của Hưng cũng đón khoảng 20-30 khách mỗi đợt, cao điểm lên đến hơn 40 khách.

"Đôi lúc lượng khách đặt tour đi đảo quá đông, chúng tôi phải từ chối nhận thêm vì không đủ điện nước", Hưng nói với Tri Thức - Znews.

Cu Lao Cau anh 1

Đảo Hòn Cau nhộn nhịp khách cắm trại, ăn uống vào cuối tuần (tháng 7/2025). Ảnh: Hưng Hoàng.

Theo số liệu từ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên biển Hòn Cau phối hợp cùng chính quyền địa phương, trong tháng 6, đảo đón khoảng 1.851 lượt khách tham quan, trong đó có 926 lượt khách lưu trú.

Vào những ngày cao điểm như thứ bảy, khi lượng khách lên đến hàng trăm người, đảo thường xuyên bị hết nước ngọt. Nếu gặp thời tiết xấu, biển động, tàu tiếp viện không thể chở nước ra kịp dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Nguyễn Thị Thái Dương, đại diện Công ty TNHH Hoàng Phúc Bình Thuận (doanh nghiệp khai thác tàu và lưu trú trên đảo), cho biết đơn vị phải tự vận chuyển từng khối nước từ đất liền ra đảo.

"Chúng tôi có thể trữ nước trong các bồn lớn, nhưng với lượng khách lên đến hàng trăm người mỗi ngày, việc đảm bảo đủ nước sinh hoạt là rất khó. Việc bơm nước từ tàu lên bồn mất nhiều thời gian và còn phụ thuộc vào sóng gió", Dương nói.

Để tiết kiệm, nước tắm của khách còn được tái sử dụng để tưới cây hoặc vệ sinh các khu vực khác.

Cu Lao Cau anh 2
Du khách Mỹ Linh (đến từ TP.HCM) đến đảo Hòn Cau hồi tháng 5. Ảnh: Mỹ Linh.

Hiện Hòn Cau chỉ có duy nhất một homestay được xây dựng dưới dạng nhà tiền chế với 20 phòng, phục vụ tối đa khoảng 40 khách và thường kín vào thứ bảy. Điều này khiến nhiều du khách chọn hình thức cắm trại hoặc đi tour trong ngày thay vì ở lại qua đêm.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên biển Hòn Cau, nhận định: "Việc thiếu điện, thiếu nước ngọt và chưa có cơ sở lưu trú bài bản vừa là khó khăn, vừa là yếu tố góp phần hạn chế lượng khách lưu lại dài ngày, từ đó giảm áp lực lên môi trường. Tuy nhiên, đối với du khách, những hạn chế này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách tại đảo, đặc biệt nếu không được chuẩn bị trước về tâm lý hoặc điều kiện sinh hoạt".

Đảo nhỏ quá tải

Lượng khách tăng nhanh trong khi hạ tầng chưa theo kịp đang gây áp lực đáng kể lên hệ sinh thái biển, đặc biệt là rạn san hô và các loài sinh vật quý hiếm. Ông Phúc cho biết thời gian qua, Ban Quản lý đã ghi nhận tình trạng xả rác bừa bãi tại các khu vực tập trung nhiều du khách.

Mặc dù không trực tiếp quản lý hoạt động du lịch, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên biển Hòn Cau đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tour để theo dõi lượng khách, tuyên truyền hạn chế sử dụng đồ nhựa, tổ chức lặn biển dọn rác, treo biển cảnh báo, tuyên truyền bảo vệ môi trường. Du khách tự túc cũng được khuyến nghị gom rác lại bỏ vào bao và mang về đất liền khi rời đảo.

Cu Lao Cau anh 3

Trên đảo chỉ có duy nhất một homestay được xây dựng dưới dạng nhà tiền chế. Ảnh: Linh Huỳnh.

Đảo Hòn Cau hiện không có dân cư sinh sống, chỉ có lực lượng chức năng và Đội Tuần tra kiểm soát thuộc Ban Quản lý công tác theo ca trực. Nguồn nước ngọt và điện chủ yếu được dự trữ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đảo.

"Chúng tôi không cung cấp nước hay điện cho khách du lịch. Mọi thứ các đơn vị khai thác phải tự lo, trong đó có trách nhiệm vận chuyển nước ngọt, xử lý rác, đảm bảo không ảnh hưởng môi trường", ông Phúc nói.

Dù vậy, vẫn có tình trạng rác thải bị bỏ lại sau mỗi đợt khách đông. Các đơn vị kinh doanh du lịch cùng chung tay trong công tác này.

Hưng Hoàng cho biết sau những đợt cao điểm, nhà hàng, homestay và các đơn vị tour thường phối hợp cùng nhau nhặt rác và vận chuyển về đất liền.

Từ góc độ quản lý bảo tồn, ông Nguyễn Thanh Phúc cho rằng việc nâng cao nhận thức cộng đồng và truyền thông về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là yếu tố then chốt để hòn đảo phát triển bền vững.

"Hạ tầng chỉ nên phát triển ở mức độ vừa đủ để phục vụ công tác bảo tồn và việc kiểm soát hoạt động du lịch cần có sự điều phối chặt chẽ giữa các bên liên quan, trong đó bảo vệ tài nguyên biển và đa dạng sinh học phải được đặt lên hàng đầu", ông Phúc nhấn mạnh với Tri Thức - Znews.

Cu Lao Cau anh 4Cu Lao Cau anh 5Cu Lao Cau anh 6Cu Lao Cau anh 7

Khu cảnh biển hoang sơ, ít người cắm trại vào tháng 5/2023, trái ngược với cảnh đông đúc, nhộn nhịp hiện tại. Ảnh: Linh Huỳnh.

Hiện Ban Quản lý phối hợp tổ chức chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển định kỳ. Hàng năm, đơn vị triển khai giám sát rác thải biển trên bờ và dưới biển để đánh giá tác động của rác thải nhựa đến môi trường, định kỳ lặn giám sát đánh giá đa dạng sinh học, theo dõi hiện trạng môi trường, đặc biệt là tại các điểm có hoạt động tham quan, để kịp thời đề xuất giải pháp bảo vệ hệ sinh thái.

Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn

Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn